17:40 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Những lý do không nên mua "bánh vẽ" sở hữu kỳ nghỉ

10:28 14/08/2017

(THPL) – Sở hữu kỳ nghỉ là một loại hình mới xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên đang chứa đựng nhiều rủi ro cho khách hàng. Bỏ ra số tiền lớn với hy vọng mỗi năm được đi nghỉ một tuần ở bất cứ đâu trên thế giới, nhiều người đã phải “nhận trái đắng” khi đăng ký sở hữu kỳ nghỉ của Công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường (ALMA).

Truyền thông thế giới cảnh báo về sở hữu kỳ nghỉ

Theo một thống kê của tờ Telegraph Money, 100.000 hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được tờ báo này nghiên cứu đều có vấn đề. Các chủ sở hữu của nó vẫn chưa được hoàn lại số tiền mà họ đã bỏ ra để sở hữu kỳ nghỉ, chưa kể lãi suất và chi phí pháp lý.

Cũng theo tờ báo này, chính thuật ngữ sở hữu kì nghỉ này cho thấy sự mơ hồ đối với lợi ích khách hàng, bởi nguy cơ mắc kẹt trong những kỳ nghỉ dài hạn với các điều khoản không công bằng là rất cao.

Theo đó, các chủ sở hữu kỳ nghỉ sẽ phải trả lệ phí hằng năm rất lớn và hợp đồng kéo dài đến cả nhiều thế hệ sau. Điều này khiến các khách hàng e ngại và lo lắng. 

Theo các chuyên gia, bản chất sở hữu kỳ nghỉ là sở hữu dịch vụ chứ không phải là sở hữu bất động sản. Trên thế giới rất nhiều người phải tháo chạy, chấp nhận chuyển nhượng kỳ nghỉ với giá rẻ vì không chịu nổi các loại phí mà có thể gắn với họ cho đến khi chết, nhưng để chuyển nhượng được cũng không hề dễ dàng.

“Nhận trái đắng” khi tin lời quảng cáo

Theo báo Tuổi trẻ, tại dự án ALMA ở Khánh Hòa, chủ đầu tư là Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường đưa ra những lời giới thiệu "có cánh" đến khách hàng khi mua gói sở hữu kỳ nghỉ như sau: Nếu khách mua sẽ được sở hữu kỳ nghỉ cố định trong 36 năm, mỗi năm sẽ được đi nghỉ 1 tuần. Hết hạn, công ty sẽ tiếp tục gia hạn không tốn thêm bất kỳ khoản phí nào. Khách hàng sẽ được ở trong các căn hộ, biệt thự sang trọng với khu vui chơi, giải trí, bãi tắm đẹp... tại Bãi Dài, tỉnh Khánh Hòa; nếu không muốn trực tiếp đi du lịch, khách hàng có thể cho thuê, bán, tặng, thừa kế...; các khách hàng nếu mua ngay sẽ được hưởng lợi nhuận từ việc cho thuê, bán lại.

Dự án ALMA tại Việt Nam đã chào bán nhiều gói sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ. Ảnh: VnMedia

Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn trái ngược như trường hợp bà T.O. (ngụ quận 1), một trong những người đã mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của ALMA.

Bà O. chọn mức giá 320 triệu đồng, đinh ninh hợp đồng này có giá trị trong vòng 35 năm, mỗi năm sẽ được đi du lịch một lần tại bất cứ đâu trên thế giới, theo như lời giới thiệu của nhân viên tư vấn. 

Thế nhưng sau khi đã đóng 40 triệu đồng giữ chỗ, bà mới giật mình phát hiện số tiền lớn bỏ ra chỉ là tiền phòng nghỉ trong nước. Tiền vé máy bay đi lại, ăn uống chi phí đều phải tự túc. Mỗi năm còn phải đóng phí duy trì hợp đồng.

Bà O. đã liên hệ với nhân viên tư vấn đề nghị được lấy lại số tiền 40 triệu đồng nhưng không được đồng ý. Yêu cầu được đi nghỉ ở nước ngoài nhưng nhân viên công ty cho biết nơi bà muốn đến đã hết chỗ.

Thời gian qua, đã có nhiều người tham gia mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của ALMA và cũng không ít người lên tiếng tố giác sau khi “nhận trái đắng”. Có người còn thuê luật sư với hy vọng đòi lại được tiền.

Mới đây, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, đã ký công văn yêu cầu Công ty ALMA tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại... và báo cáo kết quả về Cục. Lý do bởi thời gian qua Cục Quản lý cạnh tranh nhận được nhiều đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ của công ty, cũng theo Tuổi trẻ.

Mập mờ giấy phép xây dựng

Mặc dù Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường bán kỳ nghỉ tại ALMA từ năm 2013 nhưng đến năm 2017, dự án này mới được cấp giấy phép xây dựng cho tòa nhà chính trong khối các tòa nhà, biệt thự tại khu nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa.

Đại diện Công ty Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường thừa nhận, tuy đã bắt đầu xây dựng và triển khai kinh doanh buôn bán sản phẩm dịch vụ từ năm 2013, nhưng cho đến ngày 28/4/2017, công ty này mới có giấy phép xây dựng chính thức cho tòa nhà chính trong khu nghỉ dưỡng.

Còn khối các tòa nhà, biệt thự đang xây dựng xung quanh vẫn chưa có giấy phép xây dựng nhưng “đã được sự chấp thuận tạm thời của cơ quan chức năng”.

ALMA bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 6/2013. Với số tiền để sở hữu kỳ nghỉ lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng những người sở hữu kỳ nghỉ ở ALMA sẽ chỉ được cung cấp phòng nghỉ tại khu nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa (đang xây dựng). Chi phí đi lại, ăn uống... khách hàng đều phải tự túc. Nếu muốn đi nghỉ nước ngoài, khách phải đóng thêm phí.

Ngoài ra, mỗi năm khách hàng phải đóng phí duy trì trong đó năm đầu tiên từ 7,5-9,6 triệu đồng. Trong năm tiếp theo, công ty sẽ lập bảng chi phí hoạt động và gửi hóa đơn cho khách hàng. Điều này đồng nghĩa khả năng khách hàng sẽ phải trả bất kỳ khoản chi phí nào công ty đề ra.

Cũng theo hợp đồng mẫu của ALMA, nếu pháp luật Việt Nam yêu cầu công ty phải đóng thêm khoản phí nào, công ty sẽ đóng và khách hàng phải hoàn trả.

Trong mọi trường hợp, công ty không có nghĩa vụ hoàn trả cho khách hàng số tiền đã đóng. Nếu đến hạn khai trương (năm 2018) dự án chưa hoàn thành, công ty được gia hạn 6 tháng.

Nếu công ty ALMA không hoàn thành nghĩa vụ, khách hàng sẽ được trả lại tiền đã thanh toán mà không được bất cứ khoản bồi thường nào.

Hồng Minh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu