21:25 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Những bất thường trong một hợp đồng tuyển dụng tại Đại học Sài Gòn?

08:22 12/06/2017

(THPL) - Bên cạnh nhiều nghi vấn liên quan đến các quyết định bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, ông Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn còn tiếp tục bị tố về những bất thường khi ký hợp đồng tuyển dụng nhân sự trong nhiệm kỳ của mình.

Trong đơn tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng, cán bộ giảng viên trường Đại học Sài Gòn (ĐHSG) cho rằng, hợp đồng làm việc xác định thời hạn của ông Phạm Hoàng Quân ký với ông ông Nguyễn An Hòa có nhiều bất thường, không dựa trên kế hoạch tuyển dụng nhân sự của nhà trường, dường như thể hiện sự “ưu ái” chuyên quyền của cá nhân ông hiệu trưởng đối với người được tuyển dụng (?!).

Cụ thể, thông báo tuyển dụng viên chức đợt 2 năm 2016 được đăng tải trên website trường ĐHSG ngày 21/11/2016, thì nhà trường có nhu cầu tuyển tổng cộng 23 giảng viên cho 10 Khoa chuyên ngành. Riêng Khoa Giáo dục thì không có trong danh sách kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự.

Những bất thường trong một hợp đồng tuyển dụng tại trường Đại học Sài Gòn

Thế nhưng, ngày 13/1/2017, với chức vụ Hiệu trưởng trường ĐHSG ông Phạm Hoàng Quân đã ký Hợp đồng làm việc xác định thời hạn số 71/HĐLV-ĐHSG-TCCB cho ông Nguyễn An Hòa vào làm Trợ giảng Khoa Giáo dục; Hưởng lương theo chức danh nghề nghiệp: Giảng viên (hạng III) với bậc lương 6, hệ số: 3,99. Thời hạn hợp đồng là 2 năm tính từ ngày 1/3/2017 đến ngày 28/2/2019.

Theo một số cán bộ, giảng viên của trường ĐHSG thì bản hợp đồng tuyển dụng trên có nhiều điểm hết sức khó hiểu. Bản hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/3/2017, tại Khoản 1 Điều 3 của hợp đồng này quy định về Quyền và nghĩa vụ của người được tuyển dụng thì lại ghi: “Thời gian xét nâng bậc lương lần sau: ngày 1 tháng 1 năm 2014”!?

Cũng theo đơn tố cáo, bản thân ông Nguyễn An Hòa trước khi được tuyển dụng về trường ĐHSG, thì ông Hòa là chuyên viên của trường Đại học Vinh, chứ không phải là giảng viên (ông Hòa là chồng của ThS Nguyễn Thị Thanh Bình, người vừa mới được ông Quân “ưu ái” bổ nhiệm làm Phó trưởng Khoa Luật ĐHSG). Nếu như về trường ĐHSG làm giảng viên thì ông Hòa không thể chuyển ngang, giữ nguyên hệ số và mức lương như cũ là bậc 6, hệ số 3,99 như trong hợp đồng đã ký?

Cùng thời gian tháng 1/2017, Hiệu trưởng trường ĐHSG Phạm Hoàng Quân đã ký một số Hợp đồng làm việc xác định thời hạn với một số cá nhân khác, nhưng nội dung hợp đồng đều thể hiện thời hạn của hợp đồng chỉ là 1 năm. Riêng với hợp đồng ký tuyển dụng ông Hòa, thì ông Phạm Hoàng Quân lại “ưu ái” cho tận 2 năm (tính từ ngày 1/3/2017 đến ngày 28/2/2019), không tuân thủ quy trình chuyên môn trợ giảng theo quy chế của ĐHSG.

Thiết nghĩ, trước hàng loạt các nghi vấn có dấu hiệu bất thường liên quan đến công tác điều hành, quản lý, bổ nhiệm, tuyển dụng của ông Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn, dẫn đến đến đơn thư khiếu nại, gây mất đoàn kết nội bộ trong đội ngũ giảng viên nhà trường trong suốt thời gian, các cơ quan chức năng cần sớm có chỉ đạo thanh kiểm tra làm rõ, xử lý dứt điểm vụ việc, để môi trường giáo dục thực sự tồn tại và phát triển lành mạnh tại trường Đại học Sài Gòn.

Điều 31 của Luật viên chức năm 2010 quy định việc bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp như sau:

1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó;

b) Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.

2. Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

3. Viên chức được đăng ký thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định cụ thể quy trình, thủ tục thi hoặc xét, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp của viên chức, phân công, phân cấp việc tổ chức thi hoặc xét, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp của viên chức.

Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý nhà nước về các lĩnh vực hoạt động của viên chức chủ trì, phối hợp với Bộ Nội Vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn Chức danh nghề nghiệp; điều kiện thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức."

Nhóm PVPL 

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu