07:18 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều mặt hàng thủy sản sẽ hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Châu Âu

08:34 08/07/2020

(THPL) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Ngay lập tức, một số sản phẩm thủy sản của Việt Nam như: Tôm hùm, hàu, mực, bào ngư sẽ có mức thuế chỉ còn 0% khi xuất khẩu sang các nước trong Liên minh Châu Âu.

Liên minh Châu Âu (EU) hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 và luôn chiếm trên 17 - 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu tôm sang EU chiếm 22% thị phần, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 - 35%... Do đó, việc giảm thuế nhập khẩu khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ khiến cho đường vào thị trường EU rộng mở hơn đối với hàng thủy sản Việt Nam. 

Từ 1/8 nhiều sản phẩm thủy sản sẽ hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Châu Âu 

Từ ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực, ngay sau đó khoảng 212 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0 - 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6 - 22% sẽ được về mức 0%. Số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình từ 3 - 7 năm.

Một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao sẽ được giảm ngay về mức thuế 0% như: hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến. Đơn cử như tôm hùm từ Việt Nam xuất khẩu vào EU (hiện phải chịu thuế 8 - 10%); Tôm hùm Na Uy, tôm sú đông lạnh hoặc hun khói, không có vỏ (đang chịu mức thuế nhập khẩu vào EU 20%); Cá làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; Cá hun khói, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói (hiện phải chịu thuế nhập khẩu là 13%). Đặc biệt, các loại cá ngừ phải chịu thuế nhập khẩu vào EU cao nhất là 22% cũng sẽ được giảm về mức 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.

Ngoài lợi ích cơ bản về thuế xuất nhập khẩu, khi EVFTA có hiệu lực thủy sản Việt Nam sẽ được mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan. Là động lực lớn để ngành thủy sản Việt Nam nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Có thêm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.  Được đảm bảo phát triển trong môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn, vì những quy định, chính sách của Chính Phủ sẽ phải cải thiện phù hợp theo các điều khoản trong hiệp định thương mại. 

Tuy nhiên, sẽ có những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam khi tham gia EVFTA như: Các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ phải nắm rõ và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại. Chủ động tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác trong hiệp định thương mại, tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng. Kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, Chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu