02:58 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Người tiêu dùng rơi vào "ma trận" của mỹ phẩm giả, kém chất lượng?

13:44 22/11/2018

(THPL) - Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp mua bán, kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Tuy nhiên, những loại hàng hóa này hiện vẫn tràn ngập trên thị trường khiến người tiêu dùng như rơi vào "ma trận" khi có nhu cầu cần mua và sử dụng.

Tràn lan thị trường mỹ phẩm giả, kém chất lượng 

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện khá nhiều các shop bán mỹ phẩm online, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhái lại sản phẩm của nhiều thương hiệu uy tín nhưng giá lại siêu rẻ chỉ bằng một nửa. Những loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng này không mang tới tác động tích cực mà ngược lại lại khiến người dùng bị nhiễm chất độc hại thậm chí là ung thư da do được sản xuất trong môi trường kém vệ sinh.

Theo chân những “thượng đế” có nhu cầu mua sắm tại các khu chợ chuyên buôn bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng chỉ cần bỏ ra từ 50.000 - 70.000 đồng là đã có thể sở hữu ngay những sản phẩm chăm sóc da như phấn nền, nước hoa hồng, son môi, kem dưỡng... của các hãng như Essance, Ohui, Pond’s, Chanel, Mac... với đủ màu sắc, kiểu dáng phong phú.

Rất nhiều mỹ phẩm giả, kém chất lượng bán tràn lan trên thị trường

Trong vai một khách hàng có nhu cầu cần mua các sản phẩm làm đẹp, PV Thương hiệu & Pháp luật đến một cửa hàng mỹ phẩm tại chợ Sinh Viên (Cầu Giấy – Hà Nội).

Vừa đi qua thì chủ cửa hàng đã nhanh nhảu: “Mua mĩ phẩm hả em ? Em tìm đúng địa chỉ rồi đấy? Chỗ chị đây, nhiều loại mỹ phẩm lắm, tha hồ mà chọn, giá lại mềm nữa”. PV tỏ ra quan tâm: “Mỹ phẩm bên mình có chuẩn không chị gái, hàng xuất xứ từ đâu thế chị?”.

Không đợi hỏi gì thêm, chị chủ cửa hàng chỉ tay vào các loại mỹ phẩm đang bày trên cửa hàng và bảo: “Ở đây, mỹ phẩm nào cũng có, em muốn mua hàng bình dân chị có hàng bình dân, em muốn mua loại thương hiệu chị có thương hiệu’’.

Đặc biệt, bà chủ cửa hàng còn tiết lộ giá của những mặt hàng mỹ phẩm ở đây cực mềm là do tiền thuê mặt bằng rẻ, phục vụ các bạn sinh viên, người có thu nhập thấp là chính…

Khi được hỏi thêm về nguồn gốc, xuất xứ của các loại mỹ phẩm đang bày bán, chị chủ cửa hàng nói“Toàn hàng Hàn Quốc thôi, dùng cực thích luôn”.

Bên cạnh việc bày bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng tại các khu chợ, tuyến phố lớn thì hình thức bán hàng online cũng là một trong những kênh tiêu thụ mỹ phẩm trôi nổi. 

Nhiều loại mỹ phẩm bán online không rõ nguồn gốc, giá thì “trên trời”, kể cả khi người đăng bán khẳng định có hóa đơn thật. Nhưng các cơ quan chức năng thì không thể kiểm định hết được những sản phẩm này.

Khó quản lí thị trường mỹ phẩm kém chất lượng 

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 Lạng Sơn phối hợp với Đội kiểm tra thuộc Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ gần 2 tấn mỹ phẩm nhập lậu gồm hơn 1.000 lọ kem dưỡng da, sữa rửa mặt; gần 3.500 tuýp kem đánh răng và khoảng 4.000 miếng dán giảm mỡ thẩm mỹ.

Toàn bộ số hàng hóa này đều được sản xuất ở nước ngoài và không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Riêng lô kem đánh răng nhãn hiệu SENSODYNE có dấu hiệu bị làm giả nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Được biết, số hàng này được mua từ Trung Quốc, sau đó vận chuyển qua các đường mòn khu vực xã Tân Mỹ về tập kết tại bãi đỗ xe Tùng Việt, khu Ga, thị trấn Đồng Đăng chờ cơ hội thuận lợi để đưa lên xe ôtô vận chuyển về Hà Nội và các địa phương khác bán kiếm lời.

Có thể thấy,việc làm giả mỹ phẩm còn táo tợn đến mức doanh nghiệp thuê hẳn trụ sở (cũ) của Thanh tra Chính phủ để làm “đại bản doanh” cho hành vi gian lận. Chẳng hạn như ngày 7/6, Đội QLTT số 17 - Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện một kho tập kết các loại mặt hàng mỹ phẩm giả tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, kho hàng đang cất giữ hàng chục thùng giấy bên trong ước tính đựng hàng chục nghìn các chai nhựa trắng chưa được dán nhãn mác. Bên cạnh đó là các cuộn tem, nhãn... Thủ đoạn của các đối tượng là nhập nguyên liệu của Trung Quốc, đóng vào các chai nhựa rồi tự dán tem nhãn, “hô biến” các mỹ phẩm giả mạo, kém chất lượng thành sản phẩm có thương hiệu rồi đem bán để lừa người tiêu dùng.

Các sản phẩm giả mạo của doanh nghiệp này bao gồm các loại sữa ong, sữa cừu, sữa dê, dầu gội được quảng cáo giúp trắng, sáng da và một số bàn chải dành cho trẻ em. Đội QLTT số 17 đã tạm giữ hơn 20 nghìn sản phẩm sữa tắm, dầu gội đầu, sữa dưỡng thể, kem đánh răng... trong đó có hàng nghìn sản phẩm chưa kịp dán tem nhãn.

Trao đổi với PV Thương hiệu & Pháp luật, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch hiệp hội chống hàng giả và BVTH Việt Nam cho biết: “Đối với mỹ phẩm giả nhãn mác không khác gì hàng thật, đây cũng là vấn đề thách thức người tiêu dùng, vì vậy cần mua hàng tại các cửa hiệu, cửa hàng uy tín - tất nhiên không phải cửa hàng nào cũng đều là hàng thật nhưng phần lớn họ gây dựng kinh doanh lâu dài nên cũng hạn chế làm ăn kiểu chộp giật. 

Ông Phạm Ngọc  Hùng - Phó chủ tịch hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt nam (VATAP) .

Đứng trước tình hình đó, để nạn mỹ phẩm giả thôi nhức nhối thì chúng ta phải siết chặt quản lý ngay từ biên giới. Tiếp đó, cần tăng cường công tác hậu kiểm. Hiện nay công tác hậu kiểm của mỹ phẩm còn quá yếu dẫn đến tình trạng nạn mỹ phẩm giả còn tăng lên trầm trọng hơn trước. Ngoài ra, chúng ta cần tăng mức xử phạt, tăng tính răn đe. Hiện nay mức xử phạt của chúng ta vẫn còn quá nhẹ, dẫn đến việc cơ sở nhờn luật. Sản xuất mỹ phẩm giả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người không thể chỉ xử lý hành chính mà phải xử lý bằng hình sự. Để chống mỹ phẩm giả thì chúng ta phải chống những con người giả trong các lực lượng chức năng".

Nhóm PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu