08:33 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngộ độc thực phẩm: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

09:26 08/09/2017

(THPL) - Dù đã được dư luận phản ánh gay gắt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và có đôi chút có cải thiện nhưng nhìn chung, tình trạng vi phạm vẫn đang ở mức báo động. Mới đây, vụ ngộ độc thực phẩm ở Công ty TNHH LODE STAR, có trụ sở tại khu phố Ông Đông (Bình Dương) làm 15 công nhân có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đỏ da, ngứa…phải nhập viện đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo đến toàn thể các đơn vị tổ chức nấu bếp ăn tập thể, cũng như cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng.

Ngộ độc vẫn tiếp diễn…

Ngày 5/9, Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương đã có kết luận về vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Lode Star có trụ sở tại khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Căn cứ trên triệu chứng lâm sàng của bệnh, kết quả điều tra dịch tễ, kết luận điều tra vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra cho thấy: Có tổng số 15 ca ngộ độc, tác nhân gây ngộ độc là Histamin, có trong cá khô chỉ vàng chiên sốt me do Công ty TNHH MTV TMDV Tôn Hoàng Gia cung cấp. Chi cục ATVSTP tỉnh đề nghị xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV TMDV Tôn Hoàng Gia, yêu cầu Công ty thực hiện lưu mẫu thực phẩm đúng quy định.

Công nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Công ty TNHH LODE STAR (Bình Dương)

Đồng thời, Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đề nghị Công ty TNHH Lode Star thành lập Tổ tự quản an toàn thực phẩm và ký cam kết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; Chủ động tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, thường xuyên quan tâm đến khẩu phần ăn hàng ngày của công nhân, đảm bảo chất lượng bữa ăn và sức khoẻ cho công nhân.

Công ty Lode Star có trên 1.000 người ăn với các món ăn gồm: Cơm, canh rau mồng tơi và mướp, dưa leo xào, cá khô chỉ vàng sốt me, gà kho gừng, đậu hũ chiên. Sau bữa ăn trưa, 15 công nhân có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, một số ít nói rằng họ bị nôn, tiêu chảy, ngứa... Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, Công ty đã chủ động tổ chức cho 399 công nhân đi khám và theo dõi sức khỏe.

Sau khoảng thời gian khám phân loại và theo dõi, 384 công nhân có sức khỏe ổn định đã ra về, 15 công nhân có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm được giữ lại theo dõi điều trị, sau đó đã bình phục.

Tiếp xúc với phóng viên chị N.T.H một công nhân bị ngộ độc nói: “Lúc đầu ăn xong thì chẳng có việc gì, nhưng sau thì thấy toàn thân mệt lừ, không còn sức lực, lại muốn nôn ói nên tôi hô hoán lên để mọi người đưa đi bệnh viện. Được biết, thức ăn mà công nhân ăn là do Công ty TNHH MTV TMDV Tôn Hoàng Gia cung cấp”.

Vụ ngộ độc vừa qua đã không những ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của công nhân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý lo ngại của người dân quan tâm. Em Nguyễn Văn Thanh – sinh viên sống trên địa bàn cho biết: “Trong những ngày qua em rất lo ngại đến tình hình thực phẩm sau khi báo chí đăng tải thông tin công nhân bị ngộ độc, em không biết là cơ sở nào bán cơm cho công ty trên nên chẳng dám ăn ngoài, mấy ngày nay toàn ăn mì tôm và ăn ké mấy đứa bạn nấu”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thủy sống gần chợ Bàu Bàng băn khoăn cho biết: “Tôi đi chợ mà chẳng biết mua thứ gì, bây giờ ăn cái gì cũng sợ, rau thì toàn thuốc, thịt thì không ai biết chất lượng như thế nào mà không ăn thì chết, thế nên cứ mua về ăn đại, nhưng cũng có sự lựa chọn từ mấy chỗ thân quen, đỡ lo ngại hơn. Điều mà tôi đang lo lắng nhất là có cháu nhỏ đang đi học, không biết có ai kiểm tra đầu vào thực phẩm phần ăn của các cháu ở Trường tiểu học không nữa? Công nhân mà còn bị ngộ độc la liệt thì các cháu nhỏ đi học phải ăn uống bữa trưa ở trường học nếu không may bị thì không biết phải làm sao…?! ”.

Cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn

Trong khi nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thành lập cơ quan quản lý về công tác VSATTP, nhưng  dường như chất lượng VSATTP nhìn chung còn rất yếu kém. Nhiều loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng, chưa được kiểm tra chất lượng vẫn được bày bán tràn lan cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất nấu ăn thì chỉ chú tâm vào lợi nhuận mà không nghĩ đến sức khỏe của người sử dụng, dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể đã xảy ra ngày càng nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của công nhân nói riêng và toàn cộng đồng nói chung.

Công nhân tại Công ty TNHH T.O.P OUTDOOR VINA Bàu Bàng bị ngộ độc phải đưa đi cấp cứu

Trước đó, cuối tháng 06/2017 nhiều công nhân tại Công ty TNHH T.O.P OUTDOOR VINA trú đóng Lô A-6A2-CN, KCN Bàu Bàng, Xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng cũng đã có triệu chứng đau bụng, đau đầu, chống mặt, buồn nôn, khó thở phải đưa đi cấp cứu. Một số công nhân cho biết, trưa ngày 28/6, các công nhân ăn cơm tại công ty gồm các món thịt bò xào, canh rau ngót, trứng và bắp cải luộc. Sau giờ ăn, nhiều công nhân đầu giờ chiều vào làm việc thì có triệu chứng như trên. Được biết, Công ty TNHH T.O.P OUTDOOR VINA có khoảng 500 công nhân lao động (CNLĐ). Các ngành chức năng của huyện cũng đã có mặt, tích cực phối hợp cấp cứu, hồi sức cho các công nhân.

Đây thực sự là những hồi chuông cảnh báo rất đáng báo động. Các thức ăn nhiễm hóa chất độc hại, thực phẩm ôi thiu …không chỉ làm suy giảm sức khỏe của CNLĐ, người tiêu dùng hiện nay mà còn ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của người dân đối với cơ quan chức năng.

Trong thời gian tới điều mà người dân quan tâm chính là việc các bộ, ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường quản lý VSATTP, kiểm soát nghiêm ngặt các trường lớp có tổ chức bếp ăn cho học sinh tiểu học, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, để đảm bảo không còn tình trạng ngộ độc tập thể như trên diễn ra.

Để bảo đảm ATVSTP, hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại do an toàn thực phẩm gây ra, trước hết cần tăng cường công tác truyền thông về ATVSTP đến người dân nhằm nâng cao ý thức, hiểu biết về ATVSTP. Đồng thời, ngành chức năng nên nghiên cứu, xem xét chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm, không chỉ ở hình thức nhắc nhở, xử phạt hành chính vì sau khi kết thúc các đợt thanh, kiểm tra, tình trạng vi phạm ATVSTP lại diễn ra.

Được biết hiện nay, Bộ Công Thương đang đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW nghiên cứu, góp ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định số 178/2013/NĐ-CP) để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Tự Ba

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu