12:46 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngành đường sắt không muốn di dời ga Hà Nội

11:13 10/08/2017

(THPL) - Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng theo quy hoạch của Chính phủ, ga Hà Nội vẫn nằm trong trung tâm, việc di dời ra khỏi nội đô sẽ gây bất tiện cho người dân.

Trước đó, ngày 8-8, tại hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông bảy tháng đầu năm 2017 trên địa bàn Hà Nội, thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải di dời tuyến đường sắt và ga Hà Nội ra khỏi nội đô để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đây không phải lần đầu tiên việc di dời ga Hà Nội khỏi khu vực trung tâm được đặt ra.

Theo Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, hiện nay Hà Nội có khoảng 10 km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm với rất nhiều đường ngang giao cắt. Việc này gây ra nhiều xung đột và là tác nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) trên đường sắt trở nên phức tạp, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị. Đồng thời khi ga Hà Nội di dời sẽ giúp loại bỏ những xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm. Đặc biệt là hạn chế TNGT đường sắt trên địa bàn thủ đô.

Đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm bị phản đối.

Địa điểm di dời, theo ông Bình, có thể là xuống huyện Thường Tín hoặc qua bên kia sông Hồng. 

Trước đề xuất này, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho rằng đường sắt có lợi thế lớn là an toàn, đa số các ga đều nằm trong nội đô để đáp ứng thuận tiện cho nhu cầu đi lại của người dân. Không chỉ đường sắt quốc gia, mà đường sắt đô thị đều nằm trong nội đô, để tạo thuận lợi nhất cho đi lại.

Cũng theo nhận định của ông Minh, nếu ách tắc, xung đột giao thông là lý do để chuyển ga ra khỏi nội thành thì sẽ có giải pháp để giải quyết, đó là các phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao tại các điểm xung đột, còn nếu chuyển ga ra ngoại thành, bài toán ách tắc không hề được giải quyết.

Chưa kể, nếu đường sắt không ở trung tâm mà di chuyển ra bên ngoài sông Hồng hay khu vực huyện Thường Tín (Hà Nội) như đề xuất, thì lượng phương tiện từ trung tâm vận chuyển hành khách ra ngoại thành và ngược lại còn làm tăng nhu cầu đi lại lên rất nhiều.

“Vấn đề quan trọng là trong quy hoạch của Hà Nội cũng như quy hoạch quốc gia, theo quyết định 214 của Chính phủ, đến 2020, ga Hà Nội vẫn là ga trung tâm. Việc quy hoạch cân đối hài hòa phát triển lợi ích các bên, quan trọng nhất là tạo thuận lợi cho người dân”, ông Minh nói.

Diệu Huyền

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu