18:34 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu

16:09 16/01/2018

(THPL) - Khác với mục tiêu đặt ra ban đầu chỉ khoảng 8,5 tỷ USD trong năm 2018, hiện tại, ngành thủy sản chính thức đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt con số 9 tỷ USD.

Theo kế hoạch, năm 2018, ngành thuỷ sản phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thuỷ sản từ 5,3-5,8% so với năm 2017.

Bên cạnh đó, tổng sản lượng thuỷ sản đạt từ 7 - 7,5 triệu tấn (tăng 3,8% so với năm 2017); trong đó, sản lượng khai thác đạt 3-3,5 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4 triệu tấn. Cụ thể, sản lượng tôm các loại đạt 750.000 tấn; cá tra đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2017... 

xuat-khau
Xuất khẩu thủy sản “nhắm” đến con số 9 tỷ USD trong 2018. Ảnh: HQ

Theo báo Hải quan, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Thủy sản diễn ra sáng nay (16/1) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhìn nhận: Nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản rất nặng nề. Để đạt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 40 tỷ USD, ngành thủy sản cần phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD.

Theo đó, những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay là hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2017; hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục sự cố môi trường biển và hướng dẫn các địa phương khu vực Nam Trung bộ khắc phục hậu quả thiên tai do mưa, bão cuối năm 2017, sớm ổn định sản xuất và cuộc sống.

Về phát triển sản xuất, tiếp tục phát huy lợi thế về các đối tượng nuôi như: Tôm, cá tra để tập trung chỉ đạo các địa phương, đồng thời ưu tiên những mô hình thủy sản theo hướng sạch, nuôi công nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp.

Theo TTXVN, đối với lĩnh vực khai thác, ngành thuỷ sản cần tập trung tăng giá trị gia tăng, giảm sản lượng. Hay đối với con tôm, hiện còn rất nhiều dư địa, do đó phải tập trung phát triển tôm công nghiệp, công nghệ cao; đảm bảo chất lượng, tập trung vào tôm sú; đặc biệt là phải tạo được đột phá trong con giống... Đồng thời, tập trung vào khâu thị trường đối với cá tra... 

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh, từ nay đến 30/6 phải quyết liệt triển khai các giải pháp theo khuyến nghị của EU, để từ đó EU có ghi nhận và tháo gỡ thẻ vàng. Đặc biệt, ngay trong tháng 1/2018 phải phối hợp với các địa phương tổ chức Hội nghị tổng kết sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Liên quan đến tôm giống, đại diện Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I cho biết, năm 2107 đã sản xuất được 15.000 cặp con giống; trong đó, có 10.000 con giống thương mại. Năm 2018, phấn đấu sản xuất 30.000 cặp con giống, gấp đôi so với năm 2017. Hiện, các đơn vị đang mở rộng diện tích sản xuất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để chủ động sản xuất con giống đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng, cần phải đẩy mạnh liên kết với các cơ sở sản xuất con giống, tạo con giống chất lượng. Đồng thời, thanh, kiểm tra đột xuất các vùng có sơ sở sản xuất con giống, công bố thông tin rộng rãi các doanh nghiệp vi phạm.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế cho biết, liên quan đến các giải pháp khắc phục thẻ vàng từ EU, hiện có 5 nhóm giải pháp cần phải làm quyết liệt từ nay đến tháng 4/2018.

Cụ thể, đối với Luật Thuỷ sản cần triển khai ngay và ban hành các văn bản dưới Luật; ban hành các thông tư sửa đổi liên quan đến cảng cá; Hạn chế tàu cá vi phạm trong đánh bắt; tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; công bố hiện trạng, nâng cấp hệ thống thông tin nghề cá; phối hợp với các quốc gia khác có biển trong nỗ lực khắc phục thẻ vàng của EU.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu