06:12 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Mỹ phẩm giả, kém chất lượng tràn ngập thị trường Hà Nội

09:21 07/09/2017

(THPL) - Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp mua bán, kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Tuy nhiên, những loại hàng hóa này hiện vẫn đang tràn ngập tại các khu chợ, tuyến phố lớn của thành phố Hà Nội.

Thị trường mỹ phẩm trôi nổi với giá ‘siêu bèo’

Từ lâu, tại các khu chợ, tuyến phố lớn của thành phố Hà Nội như: Hàng Ngang, chợ Xanh, chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, chợ Nghĩa Tân... đã được biết tới là những địa chỉ chuyên buôn bán mỹ phẩm giá "bèo". Cũng vì thế mà tại những địa điểm này luôn nhộn nhịp “kẻ bán, người mua”.

Theo chân những “thượng đế” có nhu cầu mua sắm tại các khu chợ chuyên buôn bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng, chỉ cần bỏ ra từ 50.000 - 70.000 đồng là đã có thể sở hữu ngay những sản phẩm chăm sóc da như phấn nền, nước hoa hồng, son môi, kem dưỡng... của các hãng như Essance, Ohui, Pond’s, Chanel, Mac... với đủ màu sắc, kiểu dáng phong phú.

Trong vai một khách hàng có nhu cầu cần mua các sản phẩm làm đẹp, PV Thương hiệu & Pháp luật đến một cửa hàng mỹ phẩm tại chợ Sinh Viên (Cầu Giấy – Hà Nội).

Khách hàng đang lựa chọn mỹ phẩm tại chợ Sinh Viên, Cầu Giấy, Hà Nội

Vừa đi qua thì chủ cửa hàng đã nhanh nhảu: “Mua mĩ phẩm hả em ? Em tìm đúng địa chỉ rồi đấy? Chỗ chị đây, nhiều loại mỹ phẩm lắm, tha hồ mà chọn, giá lại mềm nữa”.

PV tỏ ra quan tâm: “Mỹ phẩm bên mình có chuẩn không chị gái, hàng xuất xứ từ đâu thế chị?”.

Không đợi hỏi gì thêm, chị chủ cửa hàng chỉ tay vào các loại mỹ phẩm đang bày trên cửa hàng và bảo: “Ở đây, mỹ phẩm nào cũng có, em muốn mua hàng bình dân chị có hàng bình dân, em muốn mua loại thương hiệu chị có thương hiệu’’.

Đặc biệt, bà chủ cửa hàng còn tiết lộ giá của những mặt hàng mỹ phẩm ở đây cực mềm là do tiền thuê mặt bằng rẻ, phục vụ các bạn sinh viên, người có thu nhập thấp là chính…


Các cơ quan chức năng không thể kiểm định được những sản phẩm mỹ phẩm bán qua mạng 

Khi được hỏi thêm về nguồn gốc, xuất xứ của các loại mỹ phẩm đang bày bán, chị chủ cửa hàng nói“Toàn hàng Hàn Quốc thôi, dùng cực thích luôn”.

Bên cạnh việc bày bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng tại các khu chợ, tuyến phố lớn của thành phố Hà Nội thì hình thức bán hàng online cũng là một trong những kênh tiêu thụ mỹ phẩm trôi nổi. 

Nhiều loại mỹ phẩm bán online không rõ nguồn gốc, giá thì “trên trời”, kể cả khi người đăng bán khẳng định có hóa đơn thật. Nhưng các cơ quan chức năng thì không thể kiểm định hết được những sản phẩm này.

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cũng được gắn mác và tem chống hàng giả!

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 19.057 vụ vi phạm hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, xử lý 12.162 vụ, tăng 1.033 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, khởi tố hình sự 42 vụ đối với 48 bị can. Tổng thu nộp ngân sách hơn 1.569 tỷ đồng, tăng 172,53 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, đầu tháng 7/2017, Đội quản lý thị trường số 26 phối hợp cùng Phòng PA65 Công an TP Hà Nội và Công an quận Hà Đông phát hiện, bắt giữ hơn 13.000 lọ mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc xuất xứ tại tầng 27, chung cư 210 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội.

Đội quản lý thị trường số 26 niêm phong nhiều mỹ phẩm bán online không rõ nguồn gốc.

Toàn bộ số hàng trên đều có gắn mác và tem chống hàng giả, nhưng số tem, mác này cũng là giả. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.

Được biết, tất cả các sản phẩm trên được quảng cáo trên fanpage Spa Venus với nhiều công dụng làm trắng da giữ ẩm, trị tàn nhang, mụn, sẹo… Fanpage này thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên facebook và giá của mỗi sản phẩm là 150.000 đồng.

Trao đổi với PV Thương hiệu & Pháp luật, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch Quỹ chống hàng giả và gian lận thương mại (ACF) cho biết: “Đối với mỹ phẩm giả nhãn mác không khác gì hàng thật, đây cũng là vấn đề thách thức người tiêu dùng, vì vậy cần mua hàng tại các cửa hiệu, cửa hàng uy tín - tất nhiên không phải cửa hàng nào cũng đều là hàng thật nhưng phần lớn họ gây dựng kinh doanh lâu dài nên cũng hạn chế làm ăn kiểu chộp giật".

Có thể thấy, mỹ phẩm giả, kém chất lượng hiện nay chủ yếu được bày bán, phân phối tại các chợ truyền thống, bán online... nếu chỉ trông chờ từ việc quản lí của thị trường nội địa thì không thể giải quyết được tận gốc. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt tăng cường kiếm soát từ biên giới, kiểm soát thường xuyên chất lượng mọi mặt hàng mỹ phẩm và xử lý nghiêm vi phạm, có sức răn đe.

Còn với chị em phụ nữ có nhu cầu làm đẹp, cần nâng cao ý thức tiêu dùng, không nên ham rẻ mà mua và sử dụng mỹ phẩm giả, kém chất lượng, vô hình chung giúp cho hàng lậu, hàng giả hoành hành, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu