23:15 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Mãn nhãn với lễ kỷ niệm “990 năm Thanh Hoá - Tỏa sáng cùng non sông”

16:26 10/05/2019

(THPL) - Tối 8/5, tại quảng trường Lam Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019) với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu và người dân, dù trời mưa nặng hạt.

Tại buổi lễ có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng sự tham gia của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, đông đảo nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. 

Trong diễn văn lễ kỷ niệm, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết với các hội thảo lịch sử, các nhà khoa học khẳng định, vào đời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), vùng đất Ái Châu, Cửu Chân được mang tên Thanh Hóa. Việc kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa nhằm khẳng định một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương Thanh Hóa anh hùng và còn là dịp để mỗi người dân cùng ôn lại truyền thống vẻ vang, những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó cùng vững tin, chung sức chung lòng xây dựng Thanh Hóa nhanh chóng trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Ông chia sẻ: “Bằng những cứ liệu lịch sử khách quan, khoa học đã được kiểm chứng, đến nay chúng ta có thể yên tâm khẳng định, vào thời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), vùng đất Ái Châu này đã chính thức được mang tên Thanh Hóa - cái tên gần gũi, thân thương, nhưng cũng hết sức quật cường, trung dũng, đã gắn liền và khắc sâu vào lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là một sự kiện quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn vị trí, vai trò, giá trị đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Thanh Hóa là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, nơi có nền văn hoá đồ đồng “Trống đồng Đông Sơn”, góp phần cho sự phát triển rực rỡ của kho tàng văn hoá Việt.

“Xứ Thanh là một trong những cái nôi của những giá trị văn hoá phi vật thể của người Việt và của đồng bào các dân tộc thiểu số với hàng nghìn di tích chứa đựng những giá trị văn hoá quý giá và đặc sắc, tiêu biểu, như: huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hoá ẩm thực... Thanh Hoá còn là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam là Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Hồ, nhà Nguyễn.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hoá luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá. Người xứ Thanh xưa và nay đã viết nên nhiều trang sử hào hùng của dân tộc, được lưu danh bởi các anh hùng dân tộc như Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa được xem là thủ đô văn hóa kháng chiến, được Bác Hồ khen ngợi "... Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa đã làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh cùng với toàn dân cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng. Đó là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, nông nghiệp, y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng với trọng tâm là khu kinh tế Nghi Sơn; Tiếp tục thúc đẩy tiến độ các dự án lớn đang triển khai xây dựng như đường ven biển, đường cao tốc, các dự án hạ tầng về du lịch, hàng không, cảng biển; Đến năm 2020 Thanh Hóa đứng trong tốp đầu của 15 tỉnh, TP cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Phát huy tiềm năng, lợi thế của con người xứ Thanh với phẩm chất quý báu, trí tuệ năng động, đoàn kết, tình nghĩa và thủy chung.

Sau phần phát biểu của các lãnh đạo Trung ương và địa phương là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện các thời kỳ lịch sử của vùng đất xứ Thanh với phần nghệ thuật chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”.  Trong tổng thời lượng 90 phút, chương trình được chia làm 3 chương, chương thứ nhất: Địa linh nhân kiệt, chương 2: Truyền thống Anh hùng, chương 3: Hội nhập phát triển.

Buổi lễ được mở đầu bằng màn trình diễn trống hội và pháo hoa kỹ xảo sân khấu. Tiếng trống đồng ngân vang, chuyện kể trống thần đã được tái hiện, tạo điểm nhấn đặc sắc về văn hóa xứ Thanh vừa riêng biệt vừa có tính đại diện cho dân tộc. 

Chương trình nghệ thuật quy mô lớn này có sự tham gia của khoảng 500 nghệ sỹ, diễn viên, có tính chất sử thi làm nổi bật vùng đất và con người trải dài từ thời Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh - Nguyễn cho tới thời đại ngày nay. Đặc biệt, giọng hát của Trọng Tấn, Anh Thơ khiến cho người nghe lắng đọng.

Những tiết mục đỉnh cao khiến khán giả mãn nhãn. 

Những ai có mặt ở quảng trường Lam Sơn xem trực tiếp và xem trên truyền hình cũng sẽ cảm nhận cái hồn của chương trình, là cái đích lớn nhất của lễ hội chứ không chỉ mang tính hình thức.

Có thể nói, Đạo diễn Lê Quý Dương đã rất tài tình khi kết hợp 500 nghệ sĩ, diễn viên trên sân khấu sử thi lớn này mang đến những cảm xúc lắng đọng với người xem khi khắc họa bề dày phát triển của xứ Thanh địa linh nhân kiệt trong suốt 990 năm. Buổi lễ kết thúc với màn bắn pháo hoa tầm thấp rực rỡ sáng bừng cả quảng trường Lam Sơn. Hàng nghìn người dân đã đội mưa theo dõi.

Ngân An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu