13:03 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Liên kết vùng: Câu chuyện bó đũa trong phát triển bền vững du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ

09:08 14/08/2019

(THPL) - Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch biển đảo nổi trội, hoàn toàn có khả năng phát triển thành những thương hiệu xứng tầm quốc tế nhưng thời gian qua du lịch các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) lại chưa có được sự phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Giàu tài nguyên, thiếu liên kết

Vùng DHNTB gồm 8 tỉnh từ Đà Nẵng tới Bình Thuận, giữ vị trí là mặt tiền phía Đông của Việt Nam, nơi hội tụ đa dạng các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, di tích lịch sử của cả nước.

Là vùng có đường bờ biển dài nhất Việt Nam (hơn 1.300km), DHNTB sở hữu nhiều đảo, vịnh, bãi tắm đẹp như Mỹ Khê, Lý Sơn, Quy Nhơn, Vĩnh Hy,... có mặt trong danh sách những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do các trang du lịch uy tín như Lonely Planet, Condé Nast Traveller, Travel & Leisure bình chọn. 

Nét độc đáo về tài nguyên của DHNTB còn thuận lợi cho việc khai thác nhiều loại hình du lịch như khu bảo tồn thiên nhiên, cồn cát, ghềnh đá ven biển... Vùng cũng là nơi tập trung của nhiều di sản được Unesco công nhận như Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), di tích lịch sử văn hóa như Khu di tích Vạn Tường (Quảng Ngãi), các công trình tháp Chăm (Ninh Thuận, Bình Thuận…)

Mỗi tỉnh trong vùng DHNTB đều có các tiềm năng du lịch rất đặc sắc, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách nếu biết khai thác đúng. Tuy nhiên, bên cạnh những cái tên như Đà Nẵng, Quảng Nam hay Khánh Hòa vẫn duy trì lượng khách tăng ổn định qua từng năm; hay như Bình Định có sự đột phá bắt đầu từ khoảng giữa 2016, thì sự phát triển ngành du lịch của các địa phương còn lại trong vùng vẫn còn hạn chế.

Lý Sơn (Quảng Ngãi) là một trong những điển đến được check-in nhiều nhất tại DHNTB

Chỉ trong quý 1/2019, Đà Nẵng đã đón hơn 4,3 triệu lượt khách, tăng 15,1% so với cùng kỳ 2018. Quảng Nam “bám sát” với gần 4 triệu lượt khách nhờ khai thác hiệu quả dòng khách tới tham quan các di sản văn hóa. 

Trong khi đó, cũng sở hữu hàng loạt thế mạnh với đường bờ biển đẹp, di tích lịch sử, thắng cảnh văn hóa đồ sộ, ẩm thực biển độc đáo…, lại nằm ngay sát Quảng Nam và Bình Định – những địa phương đang có sự tiến bộ nhanh chóng về diện mạo ngành du lịch, Quảng Ngãi vẫn chưa có được những thành tích tương xứng.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tỉnh chưa có được các sản phẩm du lịch đặc trưng để tận dụng nguồn khách từ hai địa phương trên và còn thiếu vắng các hệ thống hạ tầng, tuyến du lịch đồng bộ, có tính kết nối với các địa phương khác trong vùng.

Có nhiều điểm tương đồng, nhiều năm qua du lịch DHNTB tồn tại thực trạng sản phẩm du lịch đơn điệu, có sự trùng lặp giữa các địa phương. Ngay cả với Đà Nẵng, Nha Trang, phần lớn hoạt động của du khách mới chỉ dừng lại ở nghỉ dưỡng, tắm biển… mà thiếu những hoạt động vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa vùng miền. Đây là nguyên nhân khiến số ngày lưu trú của du khách ngắn, dẫn đến doanh thu du lịch tỷ lệ nghịch với lượng khách.

Phát triển chuỗi sản phẩm du lịch

Theo “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, định hướng vùng DHNTB là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam. Giải pháp được Chính phủ và nhiều chuyên gia trong ngành đề ra là phải hình thành được câu chuyện có tính liên kết giữa các sản phẩm nổi bật, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của các tỉnh, nhân rộng hình thức một hành trình nhiều điểm đến.

Thời gian gần đây, việc gắn kết, cùng phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng đã bắt đầu được được triển khai và có nhiều sự thuận lợi hơn nhờ “chiếc áo mới” của cơ sở hệ thống cơ sở hạ tầng và sự tham gia của các nhà đầu tư với các sản phẩm du lịch mới mẻ, thể hiện qua tính thống nhất về tiêu chuẩn dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi, giải trí. 

Với chiến lược xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp, hiện đại và đồng bộ, góp phần vào tăng tính liên kết du lịch vùng cho khu vực DHNTB, ngay sau thành công của FLC Quy Nhơn tại Bình Định, cuối tháng 6/2019, Tập đoàn FLC đã tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi với diện tích hơn 1.000ha.

Thành công của FLC Quy Nhơn là động lực để Tập đoàn FLC tiếp tục triển khai các dự án nghỉ dưỡng tại DHNTB

Tận dụng lợi thế của Quảng Ngãi – Bình Định với vị trí nằm cạnh nhau, có các đặc điểm về tự nhiên, văn hóa tương đồng nhưng vẫn có bản sắc riêng, việc phát triển hệ thống quần thể nghỉ dưỡng ở hai địa phương này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá cùng lúc 2 vùng đất đẹp, có tính kết nối về văn hóa – lịch sử để hình thành câu chuyện hành trình, cộng thêm việc có thể tối ưu hóa các combo dịch vụ như vé máy bay – phòng khách sạn mà FLC đã và đang triển khai.

Ngoài ra, tuyến du lịch đồng bộ liên kết nối 2 tỉnh sẽ giúp khai thác nguồn khách mới cho cả hai. Bình Định sẽ thu hút thêm được nhóm khách là các chuyên gia nước ngoài, kỹ sư làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của Quảng Ngãi (chủ yếu tập trung tại KKT Dung Quất). Trong khi đó, Quảng Ngãi cũng sẽ trở thành điểm đến cho các du khách đã khám phá và yêu thích Quy Nhơn, Bình Định. 

Thực tế, thương hiệu “Con đường di sản miền Trung” và “Thiên đường du lịch biển - đảo miền Trung” là một hướng đi đã tương đối rõ ràng để các định phương DHNTB xây dựng tính liên kết trong vùng và với các vùng lân cận nhằm quảng bá nơi đây như một thiên đường du lịch biển của Việt Nam và thế giới. “8 cây chụm lại, có thành núi cao?” Sự liên kết bền chặt chính là đáp án, là khởi nguồn cho quá trình hình thành thương hiệu du lịch bền vững cho cả vùng và cho từng địa phương. 

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu