05:44 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

"Làng Việt thời hội nhập": Cuộc thi viết truyện ngắn đề tài nông thôn với loạt giải thưởng khủng

09:02 27/04/2019

(THPL) - Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo điện tử Dân Việt đã phối hợp tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn “ Làng Việt thời hội nhập”, với sự đồng hành của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải – nhà tài trợ kim cương.

Cuộc thi nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm Báo Nông thôn Ngày nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984-7/5-2019) nhằm mục đích tìm kiếm, chọn lọc và trao giải cho các truyện ngắn xuất sắc phản ánh đời sống hiện thực của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; Tôn vinh người nông dân, cổ vũ tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng tạo ở nông thôn mới; Bảo vệ, phát huy các phong tục, văn hóa, nét đẹp của làng quê, nông thôn, đồng thời phê phán những mặt trái, những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa đối với làng quê Việt Nam.

Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt.

Công bố phát động cuộc thi, Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt, đồng trưởng ban tổ chức phát biểu: “Nông thôn là một đề tài rộng lớn, nhất là bối cảnh nông thôn mới hôm nay đang có sự biến đổi ghê gớm, có rất nhiều chất liệu, nhiều vấn đề người ta sáng tác khai thác. Nhưng đáng tiếc là mảnh đất màu ấy dường như đang bị bỏ quên, khi văn học Việt thời gian gần đây đang dần thiếu vắng các sáng tác hay về nông thôn, các nhà văn dường như ngày càng ít quan tâm đến đề tài này.

Việc văn học thiếu các tác phẩm hay về nông thôn khiến người dân không được thừa hưởng văn hóa nói về mình, thiếu đi một nguồn động viên to lớn để bà con nông dân như toàn xã hội tham gia vào xây dựng đời sống nôn thôn mới.

Vì thế, Báo nông thôn Ngày nay/ Dân Việt có sáng kiến phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài nông thôn Việt Nam mang tên “Làng Việt thời hội nhập” , với tinh thần chung sức phát động một chặng đường sáng tác, đánh thức mảng văn học về nông thân dường như đang ngủ quên”.

Nhà văn Trần Đăng Khoa – Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam

Tại buổi lễ phát động cuộc thi, nhà văn Trần Đăng Khoa – Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cũng đánh giá rất cao khi Hội nông dân Việt Nam, báo Nông thôn Ngày nay đã quyết định tổ chức cuộc thi viết truyện “Làng Việt thời hội nhập”.

Nhà văn cho biết, từ khi nền văn học Việt Nam hiện đại xuất hiện, ngay từ những truyện ngắn đầu tiên của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên cho tới những tác giả sau này như Nguyễn Khắc Trường, Trương Hướng, hay tới những tác giả trẻ hơn như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư thì tác phẩm xuất sắc nhất của họ đều là về nông thôn. Ông nghĩ rằng, đây là đề tài có sức hút mạnh mẽ, có vô vàn yếu tố để khai thác và thể hiện. Chính vì vậy khi tổ chức được một cuộc thi về nông dân, ông tin rằng sẽ có nhiều tác phẩm đặc sắc.

“Những tác phẩm nổi tiếng trong văn đàn những năm qua đều viết về thời trước cách mạng, thời đổi mới nhưng người nông dân 4.0 chưa có là bao. Với cuộc thi này, tôi hi vọng chúng ta sẽ có những tác phẩm đặc sắc về nông thôn, để lại dấu ấn với công chúng. Chính bởi vây, tôi đánh giá rất cao khi báo Nông thôn ngày nay phối hợp với Hội nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi này”.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà – tác giả truyện ngắn Lúa hát.

Chia sẻ thêm, nhà văn Võ Thị Xuân Hà – tác giả truyện ngắn Lúa hát cũng mong muốn các tác giả có thể viết những câu chuyện ngắn đặc sắc không chỉ là những dẻo lúa ở đồng bằng mà còn là những dẻo lúa vùng cao, trung du miền núi. “Tôi không phải là nhà văn đến từ nông thôn, cuộc đời của tôi chỉ sống ở thành phố, tôi biết tới nông thôn là do đi sơ tán, dạy học. Tôi luôn nghĩ như thế này, không phải ở nông thôn thì mới viết về nông thôn hay, mà khi ta đi qua một vùng đất, ta thấy yêu quý thì ta đều có thể cầm bút. Khi tôi viết “Lúa hát”, tôi đã viết rất nhanh bởi những hình ảnh về cánh đồng, về người nông dân cứ thế lần lượt hiện về.

Sau đó, tôi có viết hàng loạt truyện khác như ngày hội hát, đất lặng lẽ…nhưng có lẽ với độc giả, “Lúa hát” là truyện ngắn ấn tượng nhất.

Tôi cầu mong rằng tôi và các tác giả sẽ có những phút thăng hoa để chúng tôi có thể viết những câu truyện ngắn đặc sắc về nông thôn. Đó không chỉ là những dẻo lúa ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long mà còn là những dẻo lúa trên vùng cao, trên trung du miền núi”.

Nhà văn Đào Duy Anh cũng cho biết: “Khi trao đổi với nhà văn Lưu Quang Định, tôi có nói, tên cuộc thi là “Làng Việt thời hội nhập”, nhưng thật ra đây là cuộc thi về nước Việt thời hội nhập. Bởi những thứ giúp nước ta trường tồn và phát triển ra với thế giới đều xuất phát từ làng. Ở thời đại chúng tôi, khi chúng tôi còn niên thiếu, làng là một không gian nhỏ hẹp với mọi người, bước ra khỏi làng là một thế giới khác. Nhưng hiện tại thì khác, làng của chúng ta có hình ảnh của làng ở những nơi khác, trong làng này có hình ảnh ở làng kia. Trong một thế giới phẳng, chúng ta gần nhau hơn bao giờ hết. Làng đã thay đổi về hình thù, về cơ sở vật chất, quan trọng hơn, bền vững hơn là những biến đổi về tinh thần, về văn hóa. Tôi cũng đã thể hiện hầu hết chúng trong tác phẩm của mình.

Tôi mong qua cuộc thi này, các nhà văn sẽ phản ánh phần nào để tôn vinh văn hóa làng, cảnh báo xã hội về sự tan nát, sự nhiễm độc của các vùng quê. Sự ô nhiễm về tinh thần ấy không được ngăn chặn thì chúng ta sẽ trở nên bế tắc”.

Đối với nhà văn Đỗ Tiến Thụy – tác giả Màu rừng ruộng, cuộc thi sẽ kích cầu, tôn vinh nhiều nhà văn nhiệt huyết viết trở lại và chắc chắn khi 2 nguồn cảm hứng gặp nhau chắc chắn sẽ đem lại thành công lớn.“Tôi nghĩ, đa phần nhà văn Việt Nam đều sinh ra ở nông thôn, đó là lĩnh vực họ am hiểu nhất, gắn bó nhất. Bản thân tôi cũng vậy. Trong phóng sự vừa được phát sóng, tôi đã được nhắc tới như một nhà văn viết về nông thôn. Tôi sống ở nông thôn 18 năm sau khi thoát ly, và giờ dù có 20 năm sống ở thành phố, tôi vẫn gắn bó với quê hương. Khi viết, chỉ với đề tài nông thôn, làng quê, ngòi bút của tôi mới có rung động mạnh mẽ".

Buổi lễ phát động có sự tham gia của 100 nhà văn, nhà thơ. 

Được biết, cuộc thi sẽ được tổ chức trong 2 năm, từ tháng 4/2019- 4/2021, với sự chủ trì tham gia của BTC, BGK của đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Ban biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt cùng các nhà văn nổi tiếng, có uy tín và có tiếng nói, sức ảnh hưởng xã hội lớn. Cuộc thi dành cho tất cả các công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Dự kiến cuộc thi sẽ kết thúc và trao giải vào tháng 5/2021 – đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày xuất bản số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên với giải thưởng cuộc thi cao nhất trong số các cuộc thi viết truyện ngắn từ trước đến nay, gồm: 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng; 2 giải nhì trị giá 20 triệu đồng/ giải; 3 giải 3 trị giá 10 triệu đồng/ giải và 10 giải khuyến khách trị giá 3 triệu đồng/ giải.

Ngoài ra, tác giả sẽ có nhiều tác phẩm dự thi nhất sẽ được trao giải thưởng trị giá 5 triệu đồng. BTC cũng sẽ trao tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm hưởng ứng cuộc thi có chất lượng cao.

Ngân An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu