22:12 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề truyền thống: Hướng đi nào trong mùa dịch Covid-19?

09:59 24/03/2020

(THPL) - Diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra, đã ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực đời sống - xã hội. Đặc biệt, các làng nghề truyền thống trong cả nước đang chịu ảnh hưởng rất lớn khi đầu ra cho sản phẩm khó khăn, lượng khách thăm quan giảm nên sức mua sắm cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Làng nghề truyền thống đìu hiu

Buôn bán ế ẩm dẫn đến tâm trạng lo lắng, chán nản là thực trạng của nhiều hộ kinh doanh sản xuất và buôn bán tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội.

Theo khảo sát của PV Thương hiệu và Pháp luật, tại một số cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín thời điểm này khá ảm đạm, ế ẩm. Những mẫu bàn ghế, giường tủ với nhiều mẫu mã đẹp được bày bán tràn lan song chỉ thấy lác đác khách hàng đến hỏi rồi lại đi.

Dịch bệnh Covid -19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất tại các làng nghề 

Tiếp xúc một số hộ kinh doanh tại làng nghề Vạn Điểm, chúng tôi được nghe rất nhiều tâm sự của các hộ kinh doanh, hầu hết là tâm lý lo lắng, bất an vì việc kinh doanh ế ẩm ảnh hưởng tới kế sinh nhai của gia đình.

Ông Trần Văn Đô – một nghệ nhân có thâm niên sản xuất và kinh doanh đồ gỗ hơn 20 năm chia sẻ: “Sau khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, việc buôn bán quá khó khăn. Chưa khi nào mà giá rớt thảm hại đến vậy nhưng cũng không có khách tới mua hàng...”.

Kể về việc kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ khó khăn, chị Phạm Thị Huế buồn rầu cho biết: “Nếu như trước đây, mỗi ngày tôi có thể bán được vài bộ bàn ghế, nay cả ngày dài cổ cũng không bán nổi được một bộ…”. 

Nhiều hộ kinh doanh sản xuất tại các làng nghề chia sẻ, dù buôn bán khó khăn, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng lớn, song họ cũng không thể bỏ nghề, bởi họ đã gắn bó với công việc này hàng chục năm.

Rời làng nghề Thường Tín, chúng tôi tìm về làng gốm Bát Tràng, tình trạng lượng khách mua sắm cũng giảm không kém. Làng gốm nổi tiếng lâu đời này,  không còn tấp nập như trước, hầu như không có du khách tới thăm quan và mua sắm. Đến thời điểm hiện tại, số lượng người tới đây chỉ lác đác, bằng 1/4 so với trước kia.

Cũng theo nhận định của nhiều hộ kinh doanh tại làng gốm Bát Tràng cho hay, do người dân lo sợ về tình trạng lây lan của dịch bệnh Covid - 19 nên sự lựa chọn an toàn của số đông người dân thời điểm này chính là tạm ngừng tới nơi đông người, tập trung mua sắm.

Cơ hội mới cho làng nghề

Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)…

Mặc dù sản phẩm các làng nghề phục vụ khách du lịch tương đối phong phú nhưng mẫu mã còn đơn điệu, việc kết nối giữa các làng nghề đến du khách chưa đồng bộ, hạ tầng tại các làng nghề còn nhiều bất cập… Bởi vậy, mức độ tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng.

Ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội họp với nghệ nhân các làng nghề bàn cách phối hợp phát triển du lịch làng nghề

Tại thời điểm hiện tại, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề truyền thống đang “đau đầu” khi sản phẩm xuất sang Trung Quốc bị tắc lên tới hàng nghìn đơn. Đây là bối cảnh chung của nhiều doanh nghiệp, ngành nghề giữa thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhưng càng trở nên khó khăn hơn với các làng nghề truyền thống.

Trước bài toán đầu ra cho sản phẩm tại các làng nghề, Sở Du lịch Hà Nội đã ra mắt ứng dụng giới thiệu sản phẩm làng nghề bằng công nghệ 3D, cho phép du khách có thể xem chi tiết các sản phẩm, thông tin về nghệ nhân, làng nghề cũng như quá trình thực hiện sản phẩm đó.

Ứng dụng này được kỳ vọng là kênh quảng bá sản phẩm của hơn 300 làng nghề cũng như tiếp nhận ý kiến phản hồi một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng mức chi tiêu của du khách trong và ngoài nước khi tới Thủ đô.

Cũng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định: “Nguồn cung nguyên liệu cho các sản phẩm quà lưu niệm đang bị hạn chế, vì vậy cần thúc đẩy hợp tác để phát triển tốt hơn hoạt động du lịch làng nghề. Cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi nghệ nhân, của các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để đề ra kế hoạch hợp tác hợp lý".

Bên cạnh đó, ông Trần Đức Hải cho rằng các nghệ nhân là đại sứ truyền tải thông điệp về Hà Nội đến với du khách. Các nghệ nhân cần chủ động hơn trong đánh giá lại những mẫu sản phẩm đã triển khai, nghiên cứu tạo ra các mẫu sản phẩm mới ấn tượng và thu hút khách hơn.

Đại Thuỷ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu