19:55 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề trước thách thức của thời đại 4.0

20:51 31/01/2020

(THPL) - Cả nước hiện có khoảng 5.407 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 11 triệu lao động và mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những cơ hội và nhiều thách thức đối với các làng nghề, nhất là các cơ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm tụt hậu và chất lượng lao động thấp.

Làng nghề Việt tiếp tục phát triển bền vững

Lâu nay, làng nghề Việt luôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là tại khu vực nông thôn. Tính riêng Hà Nội, theo báo cáo của Sở Công thương, các làng nghề có sự tăng trưởng mạnh cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua nhiều năm.

Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động tại các làng nghề

Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh số từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề ổn định ở mức từ 4 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Đặc biệt, tại các làng nghề đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, mô hình sản xuất hộ gia đình có chiều hướng giảm, thay vào đó là doanh nghiệp và hợp tác xã có xu hướng tăng lên. Tỷ trọng của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng đáng kể, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống. Phát triển làng nghề đã gắn với việc xây dựng nông thôn mới, phát triển hệ thống làng nghề với chuỗi đô thị nhỏ văn minh, lành mạnh.

Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: “Thực tế hơn 10 năm qua cho thấy sản phẩm của làng nghề có nhiều tiến bộ cả về chất lượng và mẫu mã. Tuy nhiên, làng nghề tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong những năm gần đây, đặc biệt là sự biến động của thị trường trong và ngoài nước do tác động của nền kinh tế toàn cầu, sự gia tăng của giá trị nguyên liệu đầu vào, của nhiên liệu, lao động, của lãi suất ngân hàng… Nhất là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay”. 

Nhìn lại năm 2019 có thể thấy, việc tổ chức sản xuất và phân công lao động tại các làng nghề tương đối hợp lý. Các hình thức sản xuất kinh doanh phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp hơn. Trên địa bàn cả nước đã hình thành hệ thống doanh nghiệp thương mại sản xuất làm nòng cốt, có tác dụng mở rộng thị trường, góp phần tăng khối lượng hàng hóa xuất khẩu, hoạt động dịch vụ du lịch của cả nước, được nhiều người nước ngoài biết đến và ưa thích, nhất là đối với người tiêu dùng châu Âu và một số nước tại châu Á…

Thách thức nào trong năm 2020?

Thực tế, các làng nghề Việt trên cả nước còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp tại làng nghề Việt đều có hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít những khó khăn như: Thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiếu thiết bị máy móc…

Khả năng cạnh tranh của làng nghề  còn thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo ra thương hiệu hàng hoá, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm truyền thống còn có nguy cơ bị mai một, suy giảm.

Thực tế, các làng nghề Việt trên cả nước còn tồn tại nhiều hạn chế

Mặt khác, các làng nghề truyền thống vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, như: Công trình phục vụ khách du lịch đến tham quan, mua sắm sản phẩm; các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, bãi thu gom rác thải, nhà hàng, khách sạn, hệ thống đường giao thông, chiếu sáng, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các làng nghề cũng chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, chuyên môn và ngoại ngữ.

Các cơ sở sản xuất chủ yếu là hộ kinh doanh gia đình, vì vậy, cũng ít quan tâm tới việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề dẫn tới khả năng cạnh tranh không cao, chưa gây được ấn tượng sâu sắc và thu hút khách trở lại tham quan du lịch.

Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, các cơ quan quản lý Nhà nước và các làng nghề phải có trách nhiệm và hành động để tận dụng triệt để cơ hội mà tương lai mang lại.

Với việc Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động tại các làng nghề; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và làng nghề đổi mới cách thức hoạt động, sản xuất và kinh doanh sản phẩm…thì việc hỗ trợ các làng nghề trong việc tìm kiếm thị trường, tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng thị phần và tăng cường sức mạnh thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, có vai trò hết sức quan trọng.

Để các làng nghề và làng nghề truyền thống có sự chuẩn bị tốt nhất trước CMCN 4.0 thì không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, mà ngay bản thân các làng nghề cũng phải có trách nhiệm với vận mệnh của mình. Trong đó, cùng với việc học hỏi nâng cao tay nghề, chủ động tìm kiếm thị trường, thì việc nắm bắt xu hướng người tiêu dùng, cũng như nhận biết thế mạnh và hạn chế của mình trong bối cảnh mới là điều hết sức cần thiết.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu