18:45 ngày 18/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

John Paul DeJoria: Từ bán dạo dầu gội thành chủ nhân đế chế tỷ "đô"

10:49 18/12/2017

(THPL) - John Paul DeJoria đã đạt được mọi thứ mà một doanh nhân mơ ước. Tuy nhiên, khó có thể hình dung được những gì mà DeJoria đã phải trải qua để có được danh tiếng và tiền bạc như hôm nay.

John Paul DeJoria, 73 tuổi, là nhà đồng sáng lập công ty chuyên sản phẩm chăm sóc tóc John Paul Mitchell Systems, hãng rượu cao cấp Patrón Spirits. Trước khi trở thành tỷ phú với tài sản 3,1 tỷ USD, ông từng là người vô gia cư và phải sống lang bạt trong xe ôtô, theo CNBC.

Vào những năm 80, DeJoria từng phải nhặt chai lọ bán cho các cửa hàng thực phẩm để có tiền nuôi sống bản thân và đứa con trai 3 tuổi. Không nhà cửa, ông sống luôn trong ôtô và đi gõ cửa từng nhà để bán dầu gội đầu cũng như nhiều thứ khác cùng cộng sự Paul Mitchell.

Sau đó, cả hai đã biến 700 USD vốn ban đầu trở thành một trong những công ty sản phẩm chăm sóc tóc lớn nhất thế giới. Không lâu sau khi thành lập công ty, Mitchell chết về bệnh ung thư, do đó DeJoria tiếp quản mọi việc trong công ty.

ty-phu
Tỷ phú John Paul DeJoriaTỷ phú John Paul DeJoria. Ảnh: Internet

Hiện nay, mỗi năm John Paul Mitchell Systems mang về doanh thu 1 tỷ USD. Còn công ty rượu Patrón Spirits sản xuất tại Mexico cũng bán được hơn 2 triệu chai mỗi năm.

Tuy nhiên, với DeJoria, thành công không được đo bằng tiền bạc hay quyền lực.

DeJoria lớn lên trong một túp lều tại một khu dành cho người nhập cư cạnh thành phố Los Angeles, Mỹ. Bố mẹ là người châu u chuyển sang Mỹ sinh sống. Họ chia tay lúc cậu bé mới 2 tuổi. DeJoria và anh trai sống với mẹ. Sau này khi đã giàu có, DeJoria thường kể rằng ngôi nhà tuổi thơ nơi mình lớn lên có diện tích chỉ bằng một phần tư phòng khách của ông hiện nay.

Cậu bé DeJoria bắt đầu phải lao động từ năm 9 tuổi với công việc chuyển thiệp giáng sinh. Lên 10, cậu cùng anh trai đi đưa báo buổi sáng. Hai anh em sáng nào cũng thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, đưa báo xong là về chuẩn bị đi học. Song công việc khó khăn nhất nhưng cũng cho DeJoria nhiều kinh nghiệm quý giá nhất là việc giao bán sách tại nhà. Cậu bé từng gõ cửa hơn 30 nhà để rồi bị đuổi ra với cánh cửa đóng sập trước mặt trước khi có một khách hàng chịu đứng nghe cậu nói và mời cậu vào nhà. Sau thời gian này, tất cả các công việc khác đối với cậu đều trở nên dễ dàng hơn.

DeJoria từng bị cảnh bơ vơ không nhà cửa 2 lần. Lần đầu tiên lúc 22 tuổi, khi cô vợ chán cảnh nhà và bỏ đi, bỏ mặc người bố trẻ và đứa con trai 2 tuổi. DeJoria đã phải vật lộn để kiếm việc làm nuôi con. Thậm chí anh phải đi nhặt vỏ coca bán và hai bố con phải sống trên hè phố vì không có tiền trả tiền thuê nhà. Được một thời gian, hai bố con về ngủ nhờ một người bạn của anh. Lần thứ hai là khi DeJoria thành lập Công ty John Paul Mitchell Systems vào năm 1980. Lại là do xích mích với người vợ lúc đó, DeJoria đã bỏ đi và để lại tất cả tiền cho vợ. Do đánh cược nửa triệu USD đầu tư cho Paul Mitchell Systems song bị thất bại trắng tay, ngài giám đốc DeJoria lại phải lấy ô tô làm nơi nương náu qua đêm. 

Thành lập John Paul Mitchell chỉ với 700 USD, rất nhiều người cho rằng DeJoria suy nghĩ không bình thường. Ông vay mẹ 350 USD và Paul Mitchell góp một nửa còn lại. Mẹ ông không bao giờ biết rằng việc kinh doanh của con trai khởi đầu tồi tệ đến mức nào. Sau khi mất 2 tuần để làm sản phẩm, họ chỉ có 2 tuần còn lại bán hàng để lấy tiền thanh toán các hóa đơn chi phí. DeJoria đã phải đến từng nhà, gõ cửa từng trung tâm chăm sóc sắc đẹp… để bán hàng. Nhưng chỉ sau 2 năm họ đã có thể trả mọi hóa đơn đúng hạn. Và lần đầu tiên ông có thể vào nhà hàng, tự thưởng cho mình những món ăn mình thích mà không phải quan tâm đến cột giá trên thực đơn.

Đam mê làm từ thiện nên DeJoria đã ký cam kết "The Giving Pledge" cùng với Bill Gates và Warren Buffett vào năm 2011, cho đi một nửa tài sản của mình để giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, ông cũng thành lập quỹ từ thiện của riêng mình mang tên JP's Peace Love & Happiness Foundation, tập trung vào những sứ mệnh phản ảnh giá trị cốt lõi của công ty do ông sáng lập: bảo vệ môi trường, giúp đỡ người nghèo và bảo vệ quyền của động vật.

Thông qua tổ chức của mình, DeJoria đã quyên góp hàng triệu USD để ủng hộ cho 163 tổ chức từ thiện trên thế giới, trong đó có Grow Appalachia - chương trình cung cấp hạt giống và công cụ để giúp đỡ các gia đình nghèo tại 6 bang ở miền trung Appalachia, để họ tự trồng lương thực và chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng.

Hiện tại ở thị phần tequila cao cấp thì Patrón đang giữ vị trí số 1 về doanh số bán ra. Nó chỉ đứng sau thương hiệu José Cuervo có giá bán thấp hơn. Patrón vẫn đang lập thêm các chi nhánh mới và gần đây đã mua lại thương hiệu rượu vodka Ultimat của Ba Lan. Dù khủng hoảng kinh tế, doanh thu của Patrón trong quý đầu tiên năm 2009 vẫn tăng.

Chia sẻ về quá trình xây dựng đế chế mỹ phẩm khổng lồ của mình, DeJoria cho biết một trong các nguyên tắc dẫn đề sẽ thành công của ông là luôn sẵn sàng cho "sự từ chối".

Trong suốt cuộc đời, một người sẽ phải trả qua nhiều lần bị từ chối. "Bạn gõ cửa các căn nhà và nhiều trông số đó sẽ đóng cửa trước mặt bạn. Sẽ có nhiều người không thích sản phẩm của bạn, công ty bạn hay chính bản thân bạn", DeJoria nói.

"Để thành công, bạn phải luôn giữ sự tự tin và nhiệt tình ở cánh cửa số 59 giống như ở cánh cửa số 1. Nếu luôn ghi nhớ điều đó, thì việc bị từ chối sẽ không còn là vấn đề lớn và khiến bạn chán nản", ông nói.

"Bằng cách giúp đỡ người khác, bạn đang tạo ra các khách hàng tương lai và tạo cảm hứng cho sự trung thành của nhân viên", DeJoria giải thích. "Khách hàng thích những con người và doanh nghiệp dành thời gian để giúp đỡ người khác, cứu giúp trái đất và tạo ra sự khác biệt".

DeJoria cho biết kể từ khi Paul Mitchell ra đời vào năm 1980, ông có tổng số gần 100 nhân viên và hiện chỉ có 2 người trong số đó về hưu.

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu