02:22 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Iran điều tàu chiến đến Oman giữa lúc vùng Vịnh căng thẳng

09:19 12/06/2017

(THPL) – Hai tàu chiến Iran hôm 11/6 đã lên đường đến Oman trước khi bắt đầu các nhiệm vụ tại vùng biển quốc tế gần Yemen, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar chưa kết thúc.

Hãng thông tấn Tasnim dẫn thông báo từ lực lượng hàng hải của Quân đội Iran cho hay: "Một đội tàu hải quân Iran rời cảng để tới Oman vào ngày 11/6, sau đó sẽ tới phía bắc Ấn Độ Dương và Vịnh Aden".

Vịnh Aden là tuyến vận tải hàng hải chiến lược nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đỏ và Kênh Suez.

Tàu khu trục Alborz của Iran. Ảnh: TimesofIsrael

Đây cũng là nơi chứng kiến nhiều mối đe doạ an ninh. Cuộc xung đột đang diễn ra tại Yemen giữa chính phủ do Saudi Arabia hỗ trợ và phiến quân Houthi được Iran chống lưng khiến nhiều tàu trong khu vực bị tấn công. Hải tặc ở Somalia cũng lợi dụng tình hình hỗn loạn để tấn công các tàu thương mại đi qua khu vực, một trong những tuyến hàng hải chở dầu tấp nập nhất thế giới.

Các tàu rời cảng ở thành phố Bandar Abbas, phía nam Iran sau một buổi lễ có sự tham gia của Chuẩn Đô đốc Habibollah Sayyari, tư lệnh hải quân. Đội tàu gồm tàu khu trục Alborz và tàu hậu cần Bushehr.

Những năm gần đây, hải quân Iran tăng cường hiện diện tại vùng biển quốc tế, tuần tra ở Vịnh Aden từ tháng 11/2008, bảo đảm an toàn cho các tàu chở dầu và tàu thương mại do Iran thuê hoặc sở hữu cũng như tàu các nước khác.

Động thái của Iran diễn ra sau khi Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Yemen, Bahrain, Lybia và Maldives ngày 5/6 bất ngờ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và cáo buộc nước này tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Doha kịch liệt bác bỏ các cáo buộc này.

Sau đó, Mauritius và Mauritania là hai quốc gia tiếp theo tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, nâng tổng số nước "từ mặt" Doha lên 9 quốc gia. Sự kiện này được đánh giá là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất khu vực Trung Đông kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trong một diễn biến khác, trong phát biểu cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã kêu gọi các nước nới lỏng phong tỏa với Qatar, cho rằng diễn biến khủng hoảng ngoại giao chưa từng có này sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu. Việc các nước phong tỏa Qatar sẽ cản trở hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, khi hơn 11 nghìn binh sĩ thuộc lực lượng liên quân đang đóng tại căn cứ không quân Udeid của Qatar.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cảnh báo về những hậu quả về nhân đạo khó lường bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar. Theo đó, Qatar đã ngay lập tức đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhiều gia đình bị chia tách, trẻ em không được tiếp tục tới trường…

Trong khi đó, đồng tình với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng các biện pháp phong tỏa Qatar phải được dỡ bỏ ngay lập tức. Đề cập phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Qatar. Ông Erdogan yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa, đồng thời hối thúc Saudi Arabia khẳng định vai trò của mình nhằm thúc đẩy các quan hệ tốt đẹp trong khu vực.

Trong diễn biến mới nhất, Kuwait - nước đang nỗ lực trong vai trò hòa giải, ngày 11/6 cho biết, Qatar sẵn sàng lắng nghe những lo ngại của các nước Arập và vùng Vịnh.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Marốc cũng ra thông cáo báo chí tuyên bố nước này hết sức quan ngại trước căng thẳng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh và sẵn sàng làm trung gian giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Lan Anh (T.H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu