09:43 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Cảnh sát giao thông trong lòng dân

22:08 05/05/2017

(THPL) - Khi nói về Cảnh sát giao thông (CSGT), có thể nhiều người sẽ có cái nhìn không mấy thiện cảm. Tuy nhiên, Thượng úy CSGT Trương Tấn Thương, được mệnh danh là “khắc tinh” của kẻ cướp trên đường phố, đã cùng đồng đội tạo nên những hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an áo vàng trong mắt của người dân cả nước.

Làn da ngăm ngăm, rám nắng, dũng cảm trong công việc, nhân hậu trong đời thường, đó là những ấn tượng khó quên khi tiếp xúc với chiến sỹ CSGT Trương Tấn Thương, 36 tuổi, đội CSGT Phú Lâm - Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt Công an TP.HCM.

Bằng những việc làm dù là nhỏ nhất, đặc biệt thấy kẻ cướp ra tay với người dân trên phố là anh Thương không thể bỏ qua, từ phóng xe, chạy bộ truy đuổi hay phải nhảy từ trên cầu xuống sông Sài Gòn truy bắt.

Anh Thương chia sẻ: "Hôm đó tôi được bạn đồng nghiệp chở từ quận Thủ Đức về trung tâm thành phố. Khi xe đến cầu Rạch Chiếc, tôi nhìn thấy một phụ nữ bị giật túi xách, tăng tốc đuổi theo tên cướp đến giữa cầu thì tên cướp nhảy tùm xuống sông. Không do dự, tôi nhảy theo sau từ độ cao 20m. Cuối cùng tôi và đồng nghiệp tóm gọn, bàn giao cho công an phường".

Anh cười tươi và nói: “Thật ra không phải tôi liều mạng, mà hồi nhỏ ở dưới quê tôi nhảy cầu xuống sông tắm hoài”.

Anh Thương lái xe đặc chủng để tuần tra bắt cướp.

Có lần vì làm nhiệm vụ nên sự việc không may mắn đã xảy đến với thượng úy Trương Tấn Thương. Trưa 22/7/2015, trong lúc cùng tổ tuần tra kiểm soát đội CSGT Phú Lâm tại giao lộ Trần Văn Giàu - Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), phát hiện một phụ nữ hô “cướp” và cố gắng đuổi theo một chiếc xe máy, anh Thương lái xe đặc chủng phóng nhanh áp sát khiến tên cướp buộc phải chạy trong hẻm nhỏ tìm đường thoát thân. Tổ tuần tra cùng lực lượng dân phòng chặn bắt, tên cướp ngã xuống, bị thương cố đứng dậy chạy trốn. Khoảng cách hơn 3m, anh Thương lao đến khống chế dẫn đến máu từ vết thương của tên cướp dính lên nhiều chỗ trên người anh.

Đưa tên cướp bàn giao cho công an xã, nhìn thấy anh Thương bị dính máu, vợ tên cướp nói tên cướp bị nhiễm HIV từ lâu lắm rồi. 

Trước thông tin trên, anh Thương rửa sạch các vết máu bị dính trên hai cánh tay và phát hiện một vết rách dài, dính máu của tên cướp. Ngay sau đó, công an xã đưa anh đến trạm y tế, sơ cứu và chuyển lên tuyến trên điều trị dự phòng chống phơi nhiễm HIV…

Anh chia sẻ về lần bắt cướp đáng nhớ nhất: “Năm 2010, khi đang ở đội CSGT Công an Q.6, một lần đang đứng chốt gần giao lộ Kinh Dương Vương - Đặng Nguyên Cẩn (Q.6) thì phát hiện tên cướp giật điện thoại của người đi đường rồi bỏ chạy.

Tôi liền lên xe đặc chủng rượt theo, tên cướp hoảng quá quăng xe, chạy bộ nhảy qua nhảy lại dải phân cách khiến tôi không thể nào bắt được.

Bực mình, tôi xuống xe chạy bộ đuổi theo hơn cây số, hắn mệt quá ngồi phịch xuống bức tường gần công viên Phú Lâm, giơ tay ra dấu hiệu đầu hàng. Còn tôi thì khống chế bắt hắn". 

Sinh ra tại vùng quê xã Mỹ Thạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, anh Thương tâm sự, từ thuở nhỏ sống nơi miền quê, đã chứng kiến nhiều vụ trộm cướp của người nghèo mà bức xúc. Anh tự hứa nếu gặp trộm cướp là sẽ theo tới cùng.

Đồng nghiệp của anh chia sẻ rằng khi bắt được cướp thì anh cương quyết bảo vệ, không để cho họ bị người dân đánh đập.Thậm chí anh từng nhiều lần đỡ cho những tên cướp khỏi những trận đánh đấm của người dân.

Nhắc đến anh Thương, nhiều anh em đồng nghiệp tại đội CSGT Phú Lâm còn kể một chuyện “ngược đời” khi anh cho tiền người vi phạm luật giao thông.

Trong lúc kiểm tra nồng độ cồn, anh phát hiện có một trường hợp vi phạm nên lập biên bản tạm giữ phương tiện. Làm nhiệm vụ hồi lâu, anh thấy người đàn ông vi phạm cứ ngồi ủ rũ tại một góc đường, anh đến hỏi chuyện và được biết ông hiện không mang theo tiền mà nhà lại ở xa, anh Thương móc trong túi còn 120.000 đồng đưa cho ông và gọi xe ôm gần đó chở ông về nhà trong đêm.

Chứng kiến các chiến sĩ Cảnh sát giao thông phơi mình dưới cái nắng chang chang để điều tiết giao thông, chúng ta hãy tự nhắc mình và cả những người thân, bạn bè chấp hành nghiêm luật lệ giao thông để các anh bớt phần vất vả.

Những hình ảnh đó thật đẹp. Bởi vậy, đừng bao giờ chỉ nhìn vào một số cái tiêu cực để đánh giá về một con người hay một lực lượng. Mỗi người chúng ta cần biết cảm thông và chia sẻ hơn, đặc biệt là đối với những người chiến sĩ Công an Nhân dân luôn có mặt trên mọi nẻo đường để đảm bảo an toàn giao thông cho tất cả mọi người.

Diệu Huyền

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu