05:16 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hiệu trưởng Đại học Sài Gòn bị tố điều động, bổ nhiệm nhân sự vô tội vạ và trái pháp luật?

20:57 04/06/2017

(THPL) - Sau khi trở thành Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn, chỉ trong vòng 9 tháng, ông Phạm Hoàng Quân đã thực hiện bổ nhiệm, điều động và cách chức đến 99 trường hợp!? Điều đáng nói, nhiều quyết định liên quan đến công tác nhân sự của ông Quân được xem là chưa hợp tình hợp lý, dẫn đến đơn thư khiếu nại, gây mất đoàn kết nội bộ cũng như tâm lý hoang mang cho đội ngũ giảng viên nhà trường.

Bỗng dưng bị điều chuyển!?

Theo quyết định số 148/QĐ-UBND-TC của UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Hoàng Quân được bổ nhiệm chính thức làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn (ĐHSG) từ ngày 13/7/2016. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

Theo đơn tố cáo của cán bộ, giáo viên nhà trường thì sau khi chính thức trở thành người có quyền lực cao nhất tại trường, ông Phạm Hoàng Quân đã thực hiện bổ nhiệm mới 24 trường hợp, bổ nhiệm lại 65 trường hợp và luân chuyển đến 10 trường hợp.

Nhiều quyết định trong số đó được xem là sai cả về trình tự và nội dung, trái với các quy định của pháp luật về công tác cán bộ. Việc ban hành những quyết định nhân sự có "vấn đề” như trên của Hiệu trưởng Phạm Hoàng Quân gây nhiều mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, khiến dư luận hoài nghi có hay không những hành vi lạm dụng chức vụ và quyền hạn trong việc quản lý và điều hành tại trường ĐHSG để phục vụ cho mưu đồ, dụng ý cá nhân?

Trường Đại học Sài Gòn - nơi ông Phạm Hoàng Quân làm Hiệu trưởng.

Điển hình như việc ban hành Quyết định số 683/QĐ-QĐ-ĐHSG-TCCB ngày 14/4/2017 về việc điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Long Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành Sài Gòn sang giữ chức vụ Trưởng Phòng Công tác sinh viên thuộc ĐHSG nhiệm kỳ 2016 – 2021, và Quyết định số 710/QĐ-ĐHSG-TCCB ngày 17/4/2017 điều động và bổ nhiệm ông Ngô Tấn Tạo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành Sài Gòn sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng trường ĐHSG nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Một trong những căn cứ để ông Quân ký 2 quyết định nói trên là dựa vào Quyết định số 2149/QĐ-ĐHSG-TCCB ngày 19/9/2016 về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm viên chức quản lý các đơn vị trực thuộc trường ĐHSG. Tuy nhiên, trong quy chế này, không có quy định nào nói về việc điều động và bổ nhiệm!? Tại Điều 10 và Điều 11 của Quy chế cũng chỉ quy định về “Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ” và “Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ đơn vị khác”, tuyệt nhiên không thấy nhắc đến cụm từ “điều động và bổ nhiệm”?

Hơn nữa, khi ký 2 quyết định số 683 và 710 nói trên, ông Quân chỉ căn cứ vào kết luận tại cuộc họp của Đảng ủy và Ban Giám hiệu chứ không căn cứ vào hồ sơ biên bản đề nghị bổ nhiệm từ hai đơn vị là Phòng Công tác sinh viên và Văn phòng nhà trường theo như quy chế đã quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Long Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy thường trực trường ĐHSG, Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành Sài Gòn cho biết: “Tôi hoàn toàn bất ngờ với quyết định điều động nói trên. Bởi theo quyết định bổ nhiệm trước đây thì nhiệm kỳ Hiệu trưởng trường Trung học Thực hành Sài Gòn của tôi sẽ kết thúc vào ngày 30/10/2020. Tôi chỉ được biết thông tin điều động tôi tại cuộc họp vào buổi sáng ngày 14/4/2017. Và ngay trong chiều cùng ngày, ông Quân đã ký quyết định số 683 điều động và bổ nhiệm tôi về phòng công tác sinh viên, mặc dù tôi là Phó Bí thư Đảng ủy thường trực nhưng chưa bao giờ được mời trao đổi ý kiến, cũng không có dịp trao đổi ý kiến cá nhân với Đảng ủy về việc điều động này”.

Tôi hoàn toàn bất ngờ với quyết định điều chuyển đột ngột, vô căn cứ này. Quyết định này vi phạm nghiêm trọng Quy chế Dân chủ cơ sở, không đúng tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-TW về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý. Hơn nữa, tôi là công chức, chiểu theo Điều 36 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định: Việc luân chuyển công chức chỉ thực hiện đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và trong quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn. Trong khi đó, tôi không nằm trong danh sách quy hoạch của Đảng ủy trường ĐHSG nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng nghĩa với việc tôi sẽ không được quy hoạch vào chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn. Vậy, việc điều chuyển như vậy có phải do yêu cầu công việc hay vì động cơ cá nhân, khuất tất và lợi ích nhóm nào chăng?”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Nhiều trường hợp bổ nhiệm có “vấn đề”?

Không chỉ dừng lại ở việc điều chuyển, nhiều quyết định bổ nhiệm do ông Phạm Hoàng Quân ký cũng bị xem là có “vấn đề” rất cần được làm rõ? Như trường hợp bổ nhiệm ông Phạm Hùng Dũng (sinh tháng 12/1958) vào chức vụ Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa giáo dục Tiểu học thuộc trường ĐHSG. Vào thời điểm bổ nhiệm, ông Dũng đang là Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo Quận 3, TP Hồ Chí Minh và chỉ còn 16 tháng nữa đến tuổi về hưu. Hơn nữa, ông Dũng chưa có thâm niên giảng dạy trong môi trường đại học, nhưng bỗng được “ưu ái” trở thành giảng viên cơ hữu, giữ chức vụ quản lý một khoa chuyên môn quan trọng tại trường.

Hay như trường hợp ông Lê Khoa Huân là giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Hợp tác Quốc tế. Điều đáng nói, ông Huân vừa mới được kết nạp Đảng năm 2016 và còn chưa hết thời gian Đảng viên dự bị nhưng vẫn được ông Phạm Hoàng Quân và Ban thường vụ Đảng ủy nhà trường đưa vào diện Đảng viên nguồn, phát triển cơ cấu vào BCH Đảng ủy của Đảng bộ ĐHSG giai đoạn 2020 - 2025…

Ngoài ra, việc ông Quân bổ nhiệm một số cá nhân khác cũng để lại nhiều điều tiếng, như Thạc sĩ Lê Chí Cường được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Thanh tra pháp chế; Cử nhân Nguyễn Thị Thu Hương được bổ nhiệm chức danh Chánh văn phòng của trường; Thạc sĩ Hồ Văn Bình được bổ nhiệm Phó khoa Ngoại ngữ kiêm Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ ĐHSG; Thạc sĩ Võ Văn Thật làm Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên; Thạc sĩ Đỗ Xuân Tịnh làm trưởng Khoa Mỹ thuật và hàng loạt nhân sự trong Khoa Toán ứng dụng… đều được bổ nhiệm trưởng phó các phòng, khoa chức năng quan trọng trong nhà trường.

Những trường hợp bổ nhiệm này hầu hết đã và đang vi phạm nghiêm trọng Luật Giáo dục đại học 2012, Quyết định số 70/2014 QĐ-TTg về Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 10/12/2014. Cụ thể tại khoản 2 điều 15 quy định: “Trưởng khoa phải có trình độ tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa, Phó trưởng khoa phải có trình độ thạc sĩ trở lên, riêng phó trưởng khoa phụ trách hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ phải có trình độ tiến sĩ. Trưởng khoa, phó trưởng khoa phải có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ trưởng khoa, phó trưởng khoa thì sau khi bổ nhiệm, trưởng khoa, phó trưởng khoa phải là giảng viên cơ hữu của nhà trường…”.

Bên cạnh các quyết định bổ nhiệm còn “điều tiếng”, trường hợp cách chức trưởng khoa Luật của Tiến sĩ Hồ Xuân Thắng để bổ nhiệm nhân sự do ông Phạm Hoàng Quân “đạo diễn” cũng rất cần được làm rõ. Sau khi ông Thắng bị “hạ bệ”, hai nhân sự mới được giới thiệu vào chức danh trưởng khoa Luật trường ĐHSG là Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình và Tiến sĩ Hoàng Thị Việt Anh.

Liên quan đến hai cá nhân được giới thiệu này, một số giảng viên của nhà trường cho rằng, cả hai trường hợp này chưa đủ điều kiện để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo khoa như quy định của pháp luật nhưng lại được ông Quân “ưu ái” cho cán bộ giảng viên Khoa Luật bỏ phiếu đến 2 lần để đủ điều kiện bổ nhiệm, vì lần thứ nhất số phiếu không đạt?

Những “lình xình” liên quan đến công tác nhân sự cùng những dấu hiệu khuất tất trong điều hành, quản lý và bổ nhiệm của Hiệu trưởng trường ĐHSG Phạm Hoàng Quân sẽ được Thương hiệu & Pháp luật  tiếp tục phản ánh tới bạn đọc trong bài viết tiếp theo.

Nhóm PVĐT

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu