02:17 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hai hãng hàng không Pháp phá sản, hàng chục nghìn hành khách bơ vơ

15:09 01/10/2019

(THPL) - Aigle Azur, hãng hàng không lớn thứ hai ở Pháp, sụp đổ khiến 19.000 hành khách bị ảnh hưởng. Hãng giá rẻ XL Airways cũng chịu chung số phận.

Theo báo Giao thông, sau khi công ty lữ hành Anh Thomas Cook (thành lập từ năm 1841) đóng cửa ngày 23/9, toàn bộ các chuyến bay đưa đón hành khách bị huỷ, đẩy hơn 600.000 khách hàng ở nước ngoài bao gồm 150.000 công dân Anh vào cảnh bơ vơ, buộc chính phủ và các công ty bảo hiểm phải thực hiện hoạt động đưa người hồi hương trên quy mô lớn, được nhận định là lớn nhất từ Thế chiến II.

Cơ quan Hàng không dân dụng Anh đã tổ chức một loạt máy bay từ nhiều nhà khai thác khác nhau để đưa người dân về nước. Song Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps cảnh báo hoạt động này khó có thể diễn ra êm xuôi vì sự cố này vô cùng lớn.

Hành khách chờ ngoài quầy của Thomas Cook tại sân bay Heraklion, đảo Crete, Hy Lạp sau thông tin hãng này phá sản. (Ảnh: Internet)

Tại các sân bay trên khắp châu Âu, trong vài ngày qua, hành khách chờ đợi được giải cứu liên tục gặp tình trạng chậm trễ. Điển hình ở Hy Lạp, khoảng 50.000 khách bị kẹt; Trong khi đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải cảnh báo các khách sạn từng hợp tác với Thomas Cook không được phép đuổi khách ra ngoài… Các điểm check-in của Thomas Cook tại sân bay trên toàn nước Anh từng nhộn nhịp thì nay im ắng không bóng người.

Đặc biệt, theo BBC, trong khi các hành khách chờ chính phủ và công ty bảo hiểm cứu trợ, được đưa về miễn phí thì một số lữ khách của Thomas Cook tự đặt vé về nước đã phải đối mặt với tình trạng nhiều hãng hàng không tăng giá vé lên gấp 3.

Bên cạnh đó, theo Reuters, ngày 30/9 XL Airways thông báo dừng tất cả các hoạt động bay cho đến khi có thông báo mới vào ngày 3/10. Trước đó, XL Airways đã ngừng bán vé từ ngày 19/9 do khó khăn về tài chính. 

XL Airways vận hành 4 máy bay Airbus, khai thác các đường bay kết nối nhiều thành phố ở Bắc Mỹ và cũng bay tới vài địa điểm tại Trung Quốc. Năm ngoái, XL Airways phục vụ khoảng 730.000 hành khách. 

Sau quãng thời gian dài khó khăn, XL Airways thừa nhận: "Các điều kiện thị trường hiện tại không cho phép chúng tôi đảm bảo hoạt động lâu dài của công ty". Sự cạnh tranh của các đối thủ giá rẻ tại thị trường Bắc Mỹ là nguyên nhân đẩy XL Airways vào khủng hoảng.  

Trước đó CEO Laurent Magnin cho biết XL Airways cần được bơm khoảng 35 triệu euro (38 triệu USD) để tồn tại. Ông kêu gọi đại gia Air France giải cứu hãng hàng không và 570 nhân viên. Tuy nhiên CEO Air France Benjamin Smith tuyên bố "không thấy có lợi ích gì" từ việc cứu XL Airways.

Trước XL Airways, Aigle Azur - hãng hàng không lớn thứ hai tại Pháp sau Air France - đệ đơn xin bảo hộ sản hồi tháng 9 và hủy toàn bộ các chuyến bay của hãng, khiến 19.000 hành khách bị ảnh hưởng. Hơn 1.000 nhân viên Aigle Azur có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. 

Aigle Azur phục vụ khoảng 1,9 triệu hành khách hồi năm 2018, khai thác các chuyến bay từ Pháp đến Algeria. Ngoài ra hãng cũng có một số chặng bay tới Nga, Trung Quốc và Brazil. Cổ đông lớn nhất của Aigle Azur là tập đoàn Trung Quốc HNA Group. 

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu