20:45 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Tĩnh: Cá nuôi lồng bè chết hàng loạt do thiếu ôxy

09:47 16/09/2019

(THPL) - Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa có báo cáo nhanh về hiện tượng thủy hải sản nuôi trong lồng bè trên sông bị chết bất thường trên địa bàn.

Theo báo Dân sinh, sau khi nhận được thông tin về hiện tượng thủy, hải sản chết bất thường tại khu vực bara Đò Điệm thuộc xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà; xã Cẩm Lĩnh huyện Cẩm Xuyên; xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh và nhiều địa phương khác trong tỉnh, ngày 9/9, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã trực tiếp đến hiện trường khảo sát nắm tình hình, phối hợp với chính quyền địa phương tìm nguyên nhân hiện tượng trên.

Qua đó, Trung tâm Quan trắc Môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã lấy 17 mẫu nước tại 9 vị trí, gồm: Phía dưới bara Đò Điệm (trên sông Đò Điệm); lấy 13 mẫu tại 7 vị trí (giữa dòng lấy tại 3 vị trí với 9 mẫu ở các tầng (mặt, giữa, đáy) hai bên bờ sông ở khu vực nuôi lồng bè; lấy 4 mẫu (tầng mặt) tại 4 vị trí đối xứng nhau; phía trên bara Đò Điệm lấy 4 mẫu tại 2 vị trí: 1 vị trí giữa sông (cách bara khoảng 30m) lấy 3 mẫu (tầng mặt, giữa, đáy) và trên sông Nghèn cách bara Đò Điệm khoảng 3 - 4km lấy 1 mẫu ở tầng mặt.

Hà Tĩnh: Cá nuôi lồng bè chết hàng loạt do thiếu ôxy. (Ảnh: SGGP)

Bước đầu, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh có một số nhận định về nguyên nhân hiện tượng thủy hải sản chết bất thường: Có thể thời gian qua, trên sông có rất nhiều bèo tây, đặc biệt trước đợt mưa lũ vừa qua bèo tây phủ gần kín mặt sông, quá trình sinh trưởng đã làm tăng hàm lượng các chất hữu cơ trong nước.

Do hạn hán nên bèo tây bị chết và phân hủy, tích tụ, lắng xuống sông. Sau lũ lụt, lượng bèo tây trên mặt và phần tích tụ lâu nay bị cuốn đi, kết hợp thời tiết nắng nóng sau lũ làm tăng nhanh quá trình trao đổi nhiệt trong nước; nhiệt độ trong nước tăng làm cho quá trình phân hủy hữu cơ trong nước tăng mạnh, đặc biệt là phân hủy tầng đáy, làm cho lượng ô xy hòa tan trong nước giảm nhanh, có một số loại khí độc xuất hiện, chủ yếu là Metan (CH4), hydro sunfua (H2S)… làm cho nước có mùi.

Theo báo SGGP, bên cạnh đó, nước lũ từ các khu vực đổ về, bị tích tụ lại làm tăng hàm lượng cặn lơ lửng, kết hợp chất hữu cơ dẫn đến hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giảm nhanh, gây ra hiện tượng thủy hải sản bị thiếu ôxy chết bất thường và đồng loạt.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh), kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng 3, cho thấy, tất cả các mẫu cá được lấy tại các hộ nuôi lồng bè trên sông ở xã Thạch Sơn đều không phát hiện virus gây bệnh và không phát hiện ký sinh trùng hay vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm kiểm tra.

UBND thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cơ quan chức năng địa phương đang phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thu thập mẫu, phân tích nhằm làm rõ nguyên nhân khiến khoảng 100 tấn cá nuôi lồng trên sông Đại Giang bị chết.

Cá bị chết chủ yếu là cá trắm, cá mè và cá leo (loài cá da trơn giống cá chạch), được bà con thả nuôi từ 5 tháng trước và chuẩn bị thu hoạch với trọng lượng trung bình 1,5 - 3kg/con. Thời điểm cá chết nhiều nhất vào sáng 13-9 với số lượng khoảng 60 tấn. 

Qua kiểm tra ở đoạn sông khu vực xảy cá chết, có thể do nắng nóng kéo dài, bèo tây phủ dày mặt sông, khiến nước không lưu thông khi có mưa lớn đột ngột đã làm cá thiếu ôxy. Hiện các địa phương đang thống kê, rà soát các hộ dân bị thiệt hại để lập các thủ tục đề nghị xem xét hỗ trợ. 

Tuấn Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu