11:03 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Vì sao chung cư D2 Giảng Võ vẫn chưa có Ban quản trị nhà?

00:17 17/08/2017

(THPL) - Gần 3 năm đi vào hoạt động với hơn 200 hộ dân, song đến nay chung cư D2 Giảng Võ vẫn chưa có Ban Quản trị nhà và có nhiều sai phạm được cư dân nơi đây chỉ ra.

Tòa nhà chung cư D2 Giảng Võ.

Trong những năm gần đây, việc công khai minh bạch phí bảo trì nhà chung cư luôn là một chủ đề nóng và gây nhiều tranh cãi. Mặc dù, từ ngày 10/12/2015, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực với nội dung kinh phí bảo trì nhà chung cư buộc phải giao cho Ban quản trị tòa nhà và nếu dự án nào không thực hiện sẽ phải cưỡng chế, nhưng đến thời điểm này vẫn còn nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện.

Điển hình là chung cư D2 Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội), hơn 200 hộ dân tại đây đến nay vẫn đang sốt sắng, không hiểu vì sao chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Gia Bảo (Công ty Gia Bảo - một đơn vị trong liên danh chủ đầu tư) lại cố tình trì hoãn không thành lập Ban quản trị tòa nhà.

Ông N.H.C (62 tuổi, cư dân D2) cho biết: “Chúng tôi cho rằng căn cứ pháp lý để thành lập Ban quản trị rất cụ thể, rõ ràng, tại sao phía chủ đầu tư trì hoãn việc thành lập ban quản trị?”.

Việc chủ đầu tư cố tình kéo dài thời gian tổ chức hội nghị nhà chung cư và thành lập Ban quản trị không những gây bức xúc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của cư dân. 

Ông N.L.H (80 tuổi, cư dân D2) bức xúc cho biết thêm: "Công ty Gia Bảo đã không bàn giao kinh phí bảo trì, không công khai kinh phí bảo trì, không công khai số tiền đã sử dụng kinh phí bảo trì, không bàn giao hồ sơ thiết kế xây dựng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt về phần sở hữu chung để dân cư có căn cứ nghiệm thu kiểm tra, đánh giá các hạng mục kỹ thuật, có biện pháp bảo trì thay thế các hạng mục đặc biệt xuống cấp nghiêm trọng gây nguy hiểm, mất an toàn…". 

Đứng trước việc quyền lợi chính đáng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các quyền giám sát và tự quyết bị phía chủ đầu tư làm ngơ, cư dân D2 đã phản ánh nhiều lần tới UBND phường Giảng Võ đề nghị được hỗ trợ tổ chức hội nghị nhằm bầu ra Ban quản trị nhà chung cư.

Qua đó, đến ngày 12/8, Công ty Gia Bảo đã đứng ra tổ chức hội nghị bầu Ban quản trị nhà D2 Giảng Võ. Tuy nhiên, trái với mong đợi, hội nghị nhanh chóng “vỡ trận” do cách thức tổ chức “khác lạ” của chủ đầu tư.

“Đời thủa nhà ai chủ đầu tư vừa ngồi ghế đoàn chủ tịch, vừa giữ vai cư dân để tham gia bầu cử Ban quản trị? Đòi hỏi những người tham gia ứng cử phải có kinh nghiệm quản lý Nhà nước thì làm gì cư dân nào có thể trúng cử”, cư dân L.T.M.T (69 tuổi, nhà D2) bức xúc nói.

“Chủ đầu tư tự làm biên bản rồi tự đọc, tự sắp xếp thành phần tham dự không đúng quy định. Phiếu bầu cũng không đúng quy định, khi ghi rõ số từng căn hộ, ai bầu cho ai chủ đầu tư đều nắm rõ. Như vậy là vi phạm dân chủ, áp đặt để theo dõi các hộ dân, chúng tôi kịch liệt phản đối”, ông N.X.H (60 tuổi, nhà D2) nói thêm.

Trong khi đó, theo thông tin trên báo Tầm nhìn, đại diện UBND phường Giảng Võ cho biết, hội nghị bầu Ban quản trị ngày 12/8 được tiến hành khi chưa đủ các điều kiện theo quy định, nguyên nhân do Công ty Gia Bảo chưa bàn giao một số hồ sơ nhà chung cư và không đủ số lượng đại diện chủ sở hữu căn hộ theo quy định.

Được biết, chung cư D2 Giảng Võ được xây dựng làm toà nhà văn phòng cửa hàng, chung cư tái định cư và thương mại 21 tầng nổi, 2 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật. Diện tích xây dựng sàn được cấp phép là 54.892m2, diện tích tầng 1 là 2.952m2, chiều cao công trình là 77,1m2, số căn hộ được xây dựng là 242 căn.

Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động, tòa chung cư này cũng để lại không ít tai tiếng. Đặc biệt là vấn đề sai phép, “phù phép” thế nào mà khi đi kiểm tra, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội phát hiện số căn hộ thực tế lên tới 254 căn, vượt 12 căn so với giấy phép.

Ngoài ra, theo cư dân phản ánh, nhà sinh hoạt cộng đồng quá chật chội lại bị “xẻ thịt” cho thuê làm mặt bằng kinh doanh. Toà nhà có 242 căn hộ được phê duyệt, theo quy định, nhà sinh hoạt cộng đồng phải rộng trên 200m2, nhưng hiện chỉ có 60m2, lại đang bị chiếm dụng cho thuê để kinh doanh.

Vậy những việc làm này của Công ty Gia Bảo có vi phạm vào những điều luật đã được quy định cụ thể tại Luật Nhà ở? Trong bài viết kỳ sau, Thương hiệu và Pháp luật sẽ phản ánh những nhận định, ý kiến dưới góc nhìn của Luật sư về vấn đề này.

Nhóm PVPL

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu