16:06 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Về trường Tiểu học Phú Lãm học cách 'lạm thu'?

07:46 21/10/2019

(THPL) – Tình trạng thu và trả tiền đang có dấu hiệu mập mờ đã và đang diễn ra tại trường Tiểu học Phú Lãm, gây ra nhiều hoài nghi về việc 'lạm thu' ở mái trường này.

Vừa qua, Thương hiệu và Pháp luật nhận được phản ánh về tình trạng ‘lạm thu’ diễn ra tại trường Tiểu học Phú Lãm (Q. Hà Đông, Hà Nội). Theo thông tin phản ánh, tại mái trường này đã xảy ra việc thu quỹ phụ huynh là 700 ngàn (trong đó, 400 ngàn nhà trường thu, 300 ngàn hội phụ huynh thu) nhưng mới đóng học kỳ 1 là 350 ngàn (200 ngàn nhà trường thu, 150 ngàn hội phụ huynh giữ).

Trường Tiểu học Phú Lãm.

Việc thu này không có biên lai thu tiền mà tất cả phụ huynh của lớp chỉ ký vào tờ giấy đã nộp tiền. Chúng tôi không biết băn bản nào cho phép thu như vậy? UBND quận và Sở GD&ĐT có chỉ đạo việc thu này hay không?..., phụ huynh bày tỏ nghi ngờ.

Theo thông tin từ quý phụ huynh, sau khi thu số tiền là 350 ngàn được một thời gian ngắn thì bị cha mẹ học sinh phản đối. Lúc này nhà trường yêu cầu hội trưởng hội phụ huynh của lớp phải đi xin chữ ký xác nhận của chúng tôi là ‘đã nhận lại tiền’ hay nói cách khác là ‘trả lại tiền’.

Để có những chữ ký của cha mẹ học sinh thì vào mỗi buổi chiều tan trường, các hội trưởng Hội phụ huynh của các lớp đều có mặt để đi xin chữ ký của cha mẹ học sinh và tờ giấy nhằm xác nhận đã nhận lại tiền. Để sau đó, nộp văn bản này cho Ban giám hiệu nhà trường.

Trước những phản ánh đó, PV Thương hiệu và Pháp luật đã có mặt tại cổng trường Tiểu học Phú Lãm (Q. Hà Đông, Hà Nội). Tại đây PV được tận mắt chứng kiến cảnh phụ huynh khi tới đón học sinh thì được một số người đưa ra cho tờ giấy để đặt bút viết họ tên của con mình, họ tên và số điện thoại của bản thân (phụ huynh đón con-PV).

Theo phụ huynh, tờ giấy họ được đặt bút viết tên nói trên là văn bản ký đã nhận lại tiền, nhưng thực tế chúng tôi có được nhận đồng nào đâu. Thậm chí, PV cũng không hề thấy việc giao dịch nào bằng tiền trước và sau khi đặt bút viết vào tờ giấy kia.

Những hình ảnh phụ huynh đến đón con và viết họ tên, số điện thoại của bạn thân vào tờ giấy, mà theo cha mẹ học sinh là tờ danh sách nhận lại tiền đã được PV ghi nhận tại cổng trường Tiểu học Phú Lãm.

Ngoài ra, PV Thương hiệu và Pháp luật ghi nhận được cảnh một người phụ nữ đưa cho cha mẹ học sinh viết và ký vào tờ giấy mạnh mồm nói: “Em trao đổi với phụ huynh luôn này. Hôm trước mình họp ở lớp, mình triển khai thu quỹ, một nửa trích về cho nhà trường, một nửa mình làm quỹ lớp. Giờ nhà trường không nhận cái quỹ này nữa và trả lại cho lớp.

Nhưng khi mà bên phòng hay Sở (tức Sở Giáo dục và Đào tạo-PV) gọi điện về kiểm tra nhà trường đã trả lại tiền chưa thì các bố, các mẹ cứ xác nhận giúp cho nhà trường là đã trả lại tiền. Lớp mình có đóng là 350 ngàn, sau đó trích một nửa để phục vụ cho công tác của trường. Nhà trường vẫn muốn là phải có giấy xác nhận rằng đã nhận lại tiền. Để khi Sở hay ở đâu gọi về hỏi”.

Một phụ huynh bày tỏ bức xúc với PV: “Bây giờ ý họ là thu quỹ hội, nhưng không để lọt tin ra ngoài. Chẳng ai muốn tham gia quỹ hội theo kiểu như thế cả. Quỹ này chủ yếu nhất là quà cho các thầy cô thôi, chứ còn sử dụng cho học sinh thì rất là ít. Hiện tại đóng nữa kỳ là 350 ngàn, trong đó nhà trường giữ 200 ngàn, còn lại quỹ hội phụ huynh”.

Trao đổi về những phản ánh trên, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường TH Phú Lãm cho biết: “Các văn bản chỉ đạo của Sở GD thì nhà trường cũng đã nắm bắt được tinh thần. Khi chuẩn bị họp phụ huynh đầu năm, tôi cũng triệu tập đại diện phụ huynh tất cả các lớp để triển khai các nội dung kế hoạch, chỉ tiêu phương hướng của nhà trường”.

Thậm chí, giờ tan trường cũng là thời điểm để cán bộ trường Tiểu học Phú Lãm thực hiện giao dịch trao đổi tờ giấy xác nhận đã nhận tiền với hội phụ huynh.

Vị Hiệu trưởng này nói: “Còn đến phần thu quỹ hội cha mẹ học sinh, phụ huynh xin phép tôi là để cho họp riêng nhưng tôi cũng nói rằng nhà trường không thu quỹ học sinh. Nhà trường tổ chức các hoạt động trong năm thì kêu gọi sự ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất của phụ huynh, cái này thì tùy tâm chứ tôi không cào bằng. Học sinh nào khó khăn miễn 100% hoặc giảm tuỳ theo phụ huynh”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà nói thêm: “Và tôi gợi ý cho phụ huynh là trong các buổi họp phụ huynh của các lớp thì nhà trường sẽ chủ động mua ít phong bì để phát cho cha mẹ học sinh. Và phụ huynh tùy tâm ủng hộ, ủng hộ bao nhiêu thì ủng hộ, cái đấy là không cào bằng.

Một vài lớp cũng báo cáo tình hình là phụ huynh ủng hộ hết mọi hoạt động của nhà trường. Còn về phần quỹ hội cha mẹ học sinh thì phụ huynh hoàn toàn tự nguyện. Thực tế, cho tới thời điểm tôi yêu cầu trả lại là mới chỉ có 9 lớp báo cáo đã thu”.
Tôi yêu cầu cô văn thư lập danh sách tên học sinh, tên phụ huynh học sinh và có số điện thoại. Để chính tôi là người xác minh xem là phụ huynh có thực tế nộp tiền hay không? Ngoài ra, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và hội trưởng hội phụ huynh làm văn bản cam kết, bà Hà thông tin.

Thế nhưng khi được hỏi về các văn bản cam kết của giáo viên chủ nhiệm và hội trưởng hội phụ huynh, thì người đứng đầu trường Tiểu học Phú Lãm ‘từ chối khéo’ bằng việc cô văn thư kiêm kế toán trường đi chuyển lương nên không ở nhà. PV Thương hiệu và Pháp luật đã liên hệ với UBND quận Hà Đông nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Qua những phản ánh của phụ huynh thì việc thu chi tại trường Tiểu học Phú Lãm đang có dấu hiệu mập mờ, thậm chí họ cũng không biết số tiền đã nộp sẽ vào túi ai, đang nằm ở đâu? Nhằm tránh xôn xao dư luận, hơn ai hết UBND TP. Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý nếu có sai phạm?

(Còn tiếp)

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Báo cáo đề cập đến nhiều lĩnh vực cử tri còn ý kiến bức xúc, trong đó có lĩnh vực giáo dục với rất nhiều vấn đề như gian lận thi cử, lạm thu…

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, mặc dù Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhưng hiện tượng thu trái quy định vẫn diễn biến phức tạp (đặc biệt là khoảng thời gian đầu mỗi năm học). Xuất hiện nhiều hình thức mới để vận động tiếp nhận tài trợ từ phụ huynh dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, “ép” phụ huynh tự nguyện tài trợ qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, qua các thầy cô giáo.

Mục đích tài trợ thường không rõ ràng, như yêu cầu sửa sang cơ sở vật chất, làm mái che, sân chơi, sửa cổng trường, nhà vệ sinh, hệ thống điện, mua máy chiếu, lắp điều hòa, mua mực in,.... Việc chi tiêu, quản lý số tiền này trong một số trường hợp còn chưa minh bạch, gây bất bình trong dư luận phụ huynh. Đặc biệt là gây lo lắng, áp lực lớn đối với những gia đình người lao động, làm công ăn lương, hoặc có thu nhập thấp, không ổn định vì số tiền đóng góp trong một số trường hợp không phải là nhỏ.

Đây là hiện tượng đã tồn tại quá lâu, cử tri liên tục kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành, phối hợp chặt chẽ với địa phương phát hiện xử lý nghiêm, tập thể, cá nhân vi phạm, trường hợp cần thiết kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra chuyên đề nội dung trên

UY VŨ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu