08:39 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội không đề nghị hạ cốt đê sông Hồng

16:24 16/02/2017

(THPL) - Hà Nội không kiến nghị hạ cốt đê của sông Hồng mà chỉ kiến nghị thay kết cấu đê đất thành đê bê tông, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định tại hội nghị công tác phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội sáng nay.

Ông Chung cho hay: "Hà Nội không kiến nghị hạ cốt đê của sông Hồng mà chỉ kiến nghị thay kết cấu đê đất thành đê bê tông đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Như thế, kiến trúc cầu An Dương sẽ đẹp và sẽ cân".

Hà Nội không đề nghị hạ cốt đê sông Hồng và Bộ NN&PTNT cũng không đồng ý chủ trương nào về hạ đê sông, Hà Nội chỉ đề nghị thay đổi kết cấu đê đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. 

Hà Nội không kiến nghị hạ cốt đê của sông Hồng. Ảnh: Internet

“Nếu chuyển đê đất sang đê bê tông, chúng ta mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7m nữa. Khu vực từ khách sạn Thắng Lợi cho đến An Dương, chúng tôi đã xin ý kiến toàn bộ dân cư và họ đồng tình rất cao là khi làm con đường như vậy thì giao thông sẽ thuận lợi, lưu thông tốt hơn. Đặc biệt, người dân đi từ đê xuống 2 khu vực ven đê sẽ tốt hơn khi hạ được độ dốc” -  Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.

Cũng theo ông Chung, khu vực này ở ngoài đê, người dân đã xây nhà kín dọc theo đê. Mặt đê bê tông này không chịu áp lực trực tiếp của mực nước và sóng nước khi nước nâng cao.

“Với công nghệ hiện nay chúng ta làm đê bê tông hoàn toàn có thể chịu lực được. Chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT sớm có ý kiến để có thể triển khai dự án này” -  lãnh đạo TP đề xuất.

Còn theo ông Trần Quang Hoài, vừa qua qua thông tin báo chí đưa tin, nhiều người dân, chuyên gia, các cán bộ lão thành trong lĩnh vực thuỷ lợi đều rất bức xúc trước thông tin Hà Nội đề xuất hạ cốt đê đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

“Hà Nội chỉ đề xuất thay đổi kết cấu đê chứ không phải hạ cốt đê” - ông Trần Quang Hoài cho biết. Tuy nhiên, gần đây, một số báo đồng loạt đưa tin Hà Nội đề xuất hạ cốt đê khiến dư luận phản ứng, bởi từ vị trí đê đó vào trung tâm rất gần, cụ thể là trung tâm hành chính Ba Đình chỉ 1 km, sẽ tiềm ẩn thảm họa khi hồ Hoà Bình xả lũ.

Theo ông Hoài, các phương tiện thông tin đại chúng cần phản ánh chính xác thông tin, nếu không sẽ gây bức xúc dư luận.

Về công tác quản lý đê điều của TP. Hà Nội, ông Trần Quang Hoài đánh giá cao việc quản lý, nâng cấp đê điều của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, trong 5 năm từ 2011-2016, Hà Nội có tổng số 1.649 vụ vi phạm hành lang đê điều. Đến nay mới giải quyết dứt điểm được 162 vụ, tức là 10%. Vì vậy TP. Hà Nội cần quan tâm giải quyết vấn đề này hơn nữa bởi có một số phản ánh, khi lập biên bản các trường hợp vi phạm, Sở NN&PTNT đã gửi đến lãnh đạo quận, huyện nhưng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.

Hiện nay, Hà Nội có các sông lớn chảy qua như sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Cầu... Tổng số chiều dài đê là 626,124 km, trong đó đê Hữu Hồng (đê cấp đặc biệt) dài trên 37 km, trên 249 km đê cấp I, trên 45 km đê cấp II, trên 72 km đê cấp III... ngoài ra còn 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với chiều dài 132 km.

 Trung Hiếu (T/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu