23:25 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Khai hội chữ xuân Mậu Tuất 2018 ở Hồ Văn

21:30 09/02/2018

(THPL) – Chiều 9/2, Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đã diễn ra tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Theo báo TTXVN đưa tin, hội chữ Xuân năm nay có 63 ông đồ tham gia viết thư pháp; triển lãm 34 tác phẩm thư pháp tiêu biểu cùng nhiều hoạt động khác như: Tái hiện quang cảnh trường thi, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, giới thiệu các dòng tranh dân gian, tổ chức các trò chơi dân gian, tổ chức các gian hàng ẩm thực, biểu diễn âm nhạc truyền thống… 

2795085516460777388198391910859942o-15181725669971932033727
Ông đồ cho chữ tại hội chữ xuân Mậu Tuất 2018 - Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và phục vụ nhân dân đón Tết. Hội chữ đã được chuẩn bị chu đáo để những người viết thư pháp có điều kiện sáng tác, còn người đi xin chữ có thể yên tâm mang về những bức thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành. 

Tại lễ khai mạc Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018, ông Trần Quốc Chí, Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam đã khai bút chữ “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí” có nghĩa Hiền tài là nguyên khí quốc gia, theo đúng chủ đề của Hội chữ Xuân năm nay. Ông Trần Quốc Chí cho biết, Hiền tài là nguyên khí quốc gia chính là định hướng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám cách đây hàng nghìn năm, đã được lưu lại ở văn bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hiền tài tạo sự nội lực mạnh mẽ cùng nhân dân xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và điều đó còn nguyên giá trị đến ngày nay. 

Cũng tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao hai giải nhất, hai giải nhì, hai giải ba cho các nhà thư pháp có tác phẩm đoạt giải tại Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018. Trong đó giải nhất thuộc về tác phẩm “Kiến học dục tài” của nhà thư pháp Hoàng Anh Diệp (Câu lạc bộ Thư họa UNESCO Hà Nội) và tác phẩm “Hiền tài” của nhà thư pháp Trần Văn Sơn (Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Việt Tâm bút). 

Đặc biệt, Ban tổ chức còn dựng các khung nhà gỗ theo kiến trúc nhà truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, sắp đặt không gian trưng bày nhà cổ, nhà triển lãm tranh, thư pháp… Dưới hồ Văn cũng được sắp đặt các bè kết bằng tre trúc, trưng bày hoa và các vật dụng gắn với đời sống người dân. Cả không gian Hội chữ được trang hoàng đậm chất hoài cổ, phù hợp với tinh thần của Hội chữ Xuân.

Theo báo Tuổi trẻ, công chúng đến tham dự hội chữ xuân sẽ được xem và tham gia làm giấy dó, tranh dân gian, gốm sứ, mây tre đan, cói, thêu dệt, chạm khắc gỗ, nặn tò he, vẽ tranh...

Những ông đồ tham gia cho chữ tại hội chữ xuân năm nay đều đã trải qua kỳ thi sát hạch nghiêm túc. Các ông đồ sẽ viết thư pháp chữ Hán - Nôm và quốc ngữ.

Ban tổ chức đã niêm yết công khai bảng giá cho chữ tại đây. Theo đó, mức giá giấy viết thư pháp đã bao gồm cả công vẽ có giá từ 100.000 - 200.000 đồng.

Số điện thoại đường dây nóng của ban tổ chức được công khai để du khách phản ảnh hiện tượng, hành vi tiêu cực.

Trước đó, tại buổi họp báo công bố hội chữ xuân, ông Lê Xuân Kiêu, giám đốc trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết năm nay việc tuyển chọn ông đồ thông qua các kỳ thi sát hạch được tổ chức chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Trong số 97 ông đồ tham dự kỳ thi tuyển, có 55 người đỗ và đủ điều kiện được cho chữ tại hội chữ xuân, trong đó có 35 ông đồ được tham gia cho chữ liên tiếp 3 năm.

Hội chữ xuân Mậu Tuất 2018 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra từ ngày 9 đến 25-2 (24 tháng chạp đến 10 tháng giêng).

 

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu