11:02 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội đứng trước nguy cơ trở thành "Bắc Kinh thứ 2" vì ô nhiễm không khí

12:53 08/10/2019

(THPL) - AQI (Air Quality Index) - chỉ số chất lượng không khí của thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua luôn ở mức độ báo động, gây nguy hại đến sức khỏe của con người.

Luôn nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Ngày 26/9, thông qua ứng dụng quan trắc không khí Airvisual - hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới, người dân Việt Nam hoang mang trước thông tin ghi nhận Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Các ngày sau đó, Hà Nội luôn nằm trong top 10 các thành phố có chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu với chỉ số AQI thường xuyên lên ngưỡng trên 200. Tiếp đó, hàng loạt những cảnh báo được đưa ra về mức độ nguy hiểm đến sức khỏe của không khí. TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo rằng chất lượng không khí ở Hà Nội rất ô nhiễm, người già và trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài.

Chỉ số AQI tăng cao gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân (Ảnh: Internet)

Đầu tháng 10 năm 2019, các phép đo chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội vẫn tiếp tục ghi nhận mức độ đáng báo động về ô nhiễm không khí tại thủ đô. Thậm chí, các chuyên gia còn cảnh báo người dân không nên tập thể dục buổi sáng vì mức độ ô nhiễm đã tăng từ ngưỡng đỏ lên ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người). Thêm vào đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng đã có thời điểm cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia và lớn hơn 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề chất lượng không khí sụt giảm nghiêm trọng

Nhiều thông tin cho rằng, nguyên nhân của ô nhiễm không khí thời gian vừa qua là do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng như tình trạng đốt rơm rạ ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, hai hiện tượng kể trên đều diễn ra hằng năm, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh và không hoàn toàn tập trung tại khu vực thủ đô. Vì vậy, không thể “kết tội” cho các hoạt động kể trên trên trở thành “thủ phạm” chính của sự ô nhiễm không khí Hà Nội. Các chuyên gia nhận định, việc AQI tăng cao có nguyên nhân chính từ lưu lượng giao thông quá tải và hoạt động công nghiệp tăng cao.

Tại Hà Nội, xe máy và ô tô là phương tiện di chuyển chủ yếu của người lao động. Cùng với đó, các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của một trong những thành phố đông dân nhất cả nước.

Theo Cảnh sát giao thông Hà Nội, trung bình 19.000 phương tiện cá nhân mới được đăng ký mỗi tháng tại thủ đô. Như vậy, bài toán đặt ra về lượng khí thải quá lớn mỗi ngày từ phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là vào giờ cao điểm đến hiện tại vẫn chưa có lời giải thuyết phục.

Cách đây 4 năm, Hà Nội ghi nhận 4,9 triệu xe máy và hơn nửa triệu ô tô hoạt động trong thành phố. Như vậy, tính đến năm 2019, chỉ bằng phép tính đơn giản, chúng ta có thể nhận thấy rằng, phương tiện cá nhân tại Hà Nội tăng lên hơn 1 triệu xe trong một thời gian ngắn. Trao đổi với báo Lao Động, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết rằng 6,6 triệu phương tiện, trong đó xe máy là  5,7 triệu chiếc thải khói ra môi trường mỗi ngày. Mặt khác, nhiều phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt, trở nên “già nua” và thải ra nhiều khói độc hại hơn bình thường, dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng chất lượng không khí.

Lượng xe lưu thông quá tải giờ cao điểm tại Hà Nội (Ảnh: Vietnamnews)

Song song với đó, hơn 1.000 dự án xây dựng đang được triển khai biến Hà Nội trở thành một thành phố đang phát triển nhanh chóng, tuy nhiên cũng mang đến những hệ lụy khôn lường. Các nhà máy bị ô nhiễm đã được chuyển ra khỏi nội thành nhưng  tốc độ cải cách và thay đổi cách xử lý khí thải còn quá chậm. PGS.TS Lê Thị Trinh - Trưởng khoa Môi trường (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng ô nhiễm không khí ở thủ đô chủ yếu do bụi từ nguồn phát thải dân sinh, phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng các công trình. Đồng thời, nhiều luồng ý kiến từ người dân cũng cho rằng, việc chặt hàng loạt cây xanh thủ đô vào năm 2015 đã góp phần vào quá trình ô nhiễm không khí tại thành phố “nghìn năm văn hiến”.

Nguy cơ trở thành “bản sao” của Bắc Kinh

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 2.5 triệu bệnh nhân chữa trị các bệnh về đường hô hấp chỉ tính riêng tại Hà Nội. Điều này gợi cho chúng ta nhớ về Bắc Kinh một thời, với tiêu chuẩn “phát triển trước, làm sạch sau”, Bắc Kinh trở thành thành phố phát triển chóng mặt về kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn, đồng thời cũng “leo” lên vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với màn “bụi sương mù” bao phủ toàn thành phố. Thậm chí, để giải quyết vấn đề bụi mịn, dân cư Bắc Kinh phải đeo mặt nạ chống độc khi ra đường. Nhiều thông tin trên Weibo (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc) cũng đề cập rằng lớp “sương bụi” dày đến nỗi dù có đứng đối diện cũng không thể nhìn thấy người trước mặt.

Người dân Bắc Kinh đeo mặt nạ chống độc trong lớp sương dày đặc (Ảnh: Internet)

Nhiều chuyên gia lo ngại, sự phát triển của Hà Nội sẽ theo “vết xe đổ” của Bắc Kinh khi sự ô nhiễm không khí đang tăng cao và chất lượng không khí chưa được cải thiện nhiều trong thời gian qua. Chỉ số AQI cao “ngất ngưởng” vẫn đặt ra nỗi quan ngại sâu sắc về sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội. Mặc dù theo bảng xếp hạng thành phố ô nhiễm nhất thế giới do AirVisual và Greenpeace thống kê năm 2018, Hà Nội chỉ đứng vị trí thứ 209, 2019 cũng được nhận định là một năm đầy biến động với môi trường Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.

Hoàng Vân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu