16:10 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm ban hành nhiều văn bản trái luật khi còn là Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm

02:18 18/05/2017

(THPL) - Từ ngày 24/2 đến ngày 8/5/2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 2 kết luận, trong đó chỉ rõ nhiều sai phạm tại huyện Từ Liêm cũ có liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo của huyện này đang đảm nhiệm các vị trí chủ chốt hiện tại ở quận mới Bắc Từ Liêm. Đặc biệt, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm trước đây là ông Lê Văn Thư – hiện là Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm đã ban hành nhiều văn bản trái quy định pháp luật.

Từ Quyết định giao thầu sai tại chợ Cầu Diễn làm 11 người bị bắt tạm giam và thu sai quy định pháp luật hơn 826 triệu đồng

Ngày 24/2/2017, UBND TP Hà Nội ban hành kết luận số 19/KL-UBND trong đó tại trang 4 và 5 có nêu: "Đối với nội dung tố cáo ông Lê Văn Thư – nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (trước đây) đã ban hành quyết định số 12185/QĐ-UBND ngày 29/12/2009 về việc bàn giao chợ Cầu Diễn cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội là không đúng quy định".

Kết quả xác minh cho thấy nội dung công dân tố cáo đã được UBND TP Hà Nội kết luận tại Thông báo số 39/TB-UBND ngày 13/3/2014 về việc giải quyết tố cáo của một số hộ kinh doanh tại chợ Cầu Diễn, huyện Từ Liêm với nội dung: Công dân tố cáo UBND huyện Từ Liêm ban hành quyết định số 12185/QĐ-UBDN ngày 29/12/2009 về việc bàn giao chợ Cầu Diễn cho Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội quản lý, kinh doanh khai thác không đúng quy định là có cơ sở. Qua kiểm tra Quyết định số 12185/QĐ-UBND  ngày 29/12/2009 về việc bàn giao chợ Cầu Diễn là do ông Lê Văn Thư – Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (trước đây) ký. Như vậy công dân tố cáo là đúng.

Bản kết luận nội dung tố cáo của công dân phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Theo kết luận 19 cho biết, ông Lê Văn Thư cùng UBND quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện nhiệm vụ của UBND Thành phố giao tại Thông báo số 39/TB-UBND ngày 13/3/2014 về việc giải quyết đơn tố cáo của đại diện một số hộ kinh doanh tại chợ Cầu Diễn, huyện Từ Liêm.

Tuy nhiên, thực tế với tư cách là người trực tiếp ký văn bản và là người đứng đầu, ông Lê Văn Thư lại không bị xem xét kỷ luật trong khi việc ban hành quyết định sai gây ra hậu quả rất lớn và mang tính chủ quan rất rõ ràng.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 13/4/2009, UBND huyện Từ Liêm ban hành Quyết định số 1770/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng chợ Cầu Diễn, trong đó nêu rõ các nội dung đáng chú ý như sau:

Tên dự án là Đấu thầu lựa chọn nhà thầu đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ Cầu Diễn; Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội; Tiền cam kết hoàn trả giá trị tài sản còn lại cho ngân sách huyện là 2.493.900.000đ; Tiền hỗ trợ ngân sách huyện: 500.000.000 đồng; Công ty TNHH Nhà nước MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền hỗ trợ ngân sách và số tiền hoàn trả giá trị trên đất còn lại của chợ Cầu Diễn vào ngân sách huyện trong thời gian  07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ); các đơn vị liên quan của huyện Từ Liêm có trách nhiệm: (i) Phối hợp và giám sát Nhà đầu tư trúng thầu đảm bảo tuân thủ theo những nội dung đã dược phê duyệt và các quy định tại quyết định 15/2007/QĐ-UBND ngày 23/1/2007 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội; (ii) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ về tài chính của Nhà đầu tư trúng thầu theo quy định…

Tuy nhiên, bất chấp việc nhà đầu tư không nộp đủ tiền, không nộp đúng thời hạn vi phạm nghiêm trọng quyết định phê duyệt trúng thầu thì đáng nhẽ ra UBND huyện Từ Liêm phải ban hành quyết định hủy thầu theo quy định tại khoản 6, Điều 28 của Quyết định 15/2007/QĐ-UBND ngày 23/1/2007 về việc ban hành Quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội (áp dụng cho trường hợp đấu thầu chợ Cầu Diễn) có nêu rõ: “Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc tiền hoàn trả kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất của cấp có thẩm quyền, nếu đơn vị trúng thầu không nộp tiền sử dụng đất thì coi như bỏ kết quả trúng thầu và không được nhận lại tiền bảo đảm dự thầu”. 

Thông báo kết luận tố cáo số 39/TB-UBND ngày 13/3/2014 của TP Hà Nội đã nêu rõ việc bàn giao cho Công ty trong khi chưa hoàn thiện một loạt những nội dung như chưa nộp số tiền hơn 1,4 tỷ đồng trong tổng số hơn 2,4 tỷ tiền hoàn trả giá trị còn lại của chợ Cầu Diễn, chưa hoàn thiện thủ tục trình UBND TP thu hồi, giao đất; chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở tài nguyên môi trường thì trách nhiệm đó thuộc về UBND huyện Từ Liêm và một loạt đơn vị tham mưu trực thuộc huyện này.

Bất chấp quy định của pháp luật và thực tế là công ty trúng thầu vi phạm nghiêm trọng quyết định phê duyệt trúng thầu nhưng ông Lê Văn Thư vẫn ký Quyết định số 12185/QĐ-UBND ngày 29/12/2009 đề bàn giao chợ Cầu Diễn cho Công ty TNHH Nhà nước MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội để thực hiện cái gọi là “quản lí, kinh doanh khai thác” trong khi đó việc lựa chọn nhà thầu là để đầu tư xây dựng rồi mới được kinh doanh khai thác. UBND huyện Từ Liêm đã giao tài sản cho một đơn vị theo đúng quy định pháp luật hiện hành lúc đó là phải tuyên bố trượt thầu do không thực hiện đúng yêu cầu trong quyết định phê duyệt trúng thầu; rồi lại rất bất thường là được thực hiện giao thầu với một nội dung trái với mục đích đấu thầu được phê duyệt.

Hệ lụy nhãn tiền của Quyết định sai trái này là đơn thư khiếu nại, tố cáo liên tục nổ ra dẫn đến 11 người kinh doanh buôn bán ở chợ Cầu Diễn đã bị bắt tạm giam do khiếu kiện đông người và va chạm với những người thi hành công vụ khi cố gắng vào gặp ông Phạm Quang Nghị - Nguyên Bí thư Thành ủy khi ông Nghị xuống làm việc tại trụ sở huyện ủy Từ Liêm cũ để đưa đơn tố cáo. Công ty TNHH Nhà nước MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội thì “thừa thắng” làm bừa, bất chấp quy định đã tự ý thu sai số tiền hơn 826 triệu đồng trong thời gian dài suốt gần 2 năm tại chợ Cầu Diễn mà không bị các cơ quan quản lý của UBND huyện Từ Liêm "tuýt còi" dù người dân có ý kiến liên tục.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Nhà nước MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội thời kỳ đó do ông Phan Minh Nguyệt làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ông Nguyệt là người vừa bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thiện cáo trạng truy tố về hai tội tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp một loạt 114 gian nhà, 14  ki ốt trên địa bàn phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (trước đây là xã Minh Khai, huyện Từ Liêm) để cho thuê từ đó trục lợi bất chính.

… Đến chuyển đổi đất trái thẩm quyền tại Tây Tựu làm tăng bồi thường lên hơn 16 tỷ - gấp 5 lần dự toán ban đầu

Ngày 08/5/2017, UBND TP Hà Nội ban hành kết luận số 39/KL-UBND trong đó có nêu rõ: "Dự án xây dựng cụm văn hóa thể thao xã Tây Tựu là công trình nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Từ Liêm, được triển khai trong điều kiện xã Tây Tựu và huyện Từ Liêm chưa hoàn thành việc giao đất nông nghiệp cho các hộ theo phương án đã được phê duyệt theo Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định 64-CP), khi tính đến thời điểm thực hiện dự án toàn xã Tây Tựu còn gần 1.000 hộ chưa được giao đủ đất theo phương án";

"Diện tích 15.528m2 để xây dựng Cụm văn hóa thể thao xã Tây Tựu nằm trong diện tích 17,05ha đất công ích do UBND phường Tây Tựu  đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1793/QĐ-UBND ngày 24/4/2000 về việc phê duyệt tỷ lệ (%) đất dành cho nhu cầu công ích khi thực hiện giao đất theo Nghị định 64-CP. Nhưng trên thực tế, tại Dự án Cụm văn hóa thể thao xã Tây Tựu có 25 hộ sử dụng đất liên tục từ thời điểm khoán 100 (1981) với diện tích 14.707,9m2/15.528m2 cho đến khi thực hiện giải phóng mặt bằng (năm 2012), trong đó, có 18 hộ sử dụng đất nông nghiệp thực tế còn thiếu so với phương án giao được giao theo Nghị định 64-CP". 

Ngày 26/12/2011, UBND huyện Từ Liêm có Quyết định số 12315/QĐ-UBND (do ông Lê Văn Thư ký-NV) về việc chuyển vị trí đất nông nghiệp công ích tại xã Tây Tựu với nội dung: “Chuyển 14.707,9m2 đất nông nghiệp công ích do UBND xã Tây Tựu quản lý thuộc phạm vi GPMB thực hiện dự án xây dựng cụm Văn hóa Thể thao Tây Tựu sang vị trí đất nông nghiệp không giao do UBND xã quản lý. Lý do chuyển: Để thực hiện cân đối đất nông nghiệp bổ sung cho 36 hộ gia đình thường trú tại xã Tây Tựu hiện đang thiếu đất so với phương án giao đất”.

Căn cứ các quy định: Khoản 7, điều 107, luật đất đai năm 2003; Văn bản số 3227/HD-TNMTNĐ ngày 16/8/2005 của Sở Tài nguyên và Môi trường; Văn bản số 4980/UBND – TNMT ngày 02/6/2009 của UBND TP Hà Nội về hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giải quyết tồn tại trong việc giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ; Chỉ thị 03/CT-BTNMT ngày 01/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho thấy: Sau khi UBND Thành phố có Quyết định 5416/QĐ-UBND ngày 20/10/2009 (về việc thu hồi 15.528m2 đất tại xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm; giao cho UBND huyện Từ Liêm để xây dựng Cụm văn hóa thể thao Tây Tựu), thì các đối tượng sử dụng đất trong chỉ giới giải phóng mặt bằng sẽ phải bàn giao đất cho UBND huyện Từ Liêm. UBND xã Tây Tựu, UBND huyện Từ Liêm không được điều chỉnh, giao đất cho các hộ bị thiếu đất nông nghiệp tại vị trí đất đã được UBND Thành phố có quyết định thu hồi. 

Do đó UBND huyện Từ Liêm ban hành Quyết định số 12315/QĐ-UBND ngày 26/12/2011 về việc chuyển vị trí 14.707,9m2 đất nông nghiệp công ích tại xã Tây Tựu để thực hiện cân đối đất nông nghiệp bổ sung giao đất cho 36 hộ gia đình thiếu đất so với phương án giao đất theo Nghị định 64-CP là thực hiện không đúng với Quyết định 5416/QĐ-UBND ngày 20/10/2009 của UBND TP Hà Nội; Chỉ thị 03/CT-BTNMT ngày 01/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quá trình thực hiện UBND huyện Từ Liêm chưa báo cáo và chưa được UBND thành phố chấp thuận, thực hiện chưa đúng sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND thành phố tại văn bản 4980/UBND-TNMT ngày 02/6/2009.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 20/10/2009, ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định số 5416/QĐ-UBND thu hồi 15.528m2 đất tại xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm; giao cho UBND huyện Từ Liêm để xây dựng Cụm văn hóa thể thao Tây Tựu. Đất này là đất do UBND xã Tây Tựu quản lý, các hộ dân đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp. 

Tại quyết định số 5044/QĐ-UBND ngày 29/7/2009 của UBND huyện Từ Liêm do Chủ tịch Nguyễn Cao Chí ký đã xác định rõ nguồn gốc đất: “Tổng diện tích đất thực hiện dự án dự kiến: 15.528m2 . Trong đó: +Đất nông nghiệp không giao theo NĐ 64/CP do UBND xã quản lý: 15.115m2; + Đất chuyên dùng giao thông, thủy lợi (mương, đường) : 413m2”. Từ đó chi phí bồi thường dự kiến giải phóng mặt bằng chỉ mất có 3.348.630.000đ (ba tỷ ba trăm bốn mươi tám triệu sáu trăm ba mười ngàn đồng).

Tuy nhiên, bất chấp thẩm quyền không được phép, ngày 26/12/2011, ông Lê Văn Thư – Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ký Quyết định số 12315/QĐ-UBND để chuyển vị trí đất nông nghiệp công ích tại xã Tây Tựu trong đó thực hiện việc chuyển 14.707,9m2 đất thuộc dự án Xây dựng cụm văn hóa thể thao Tây Tựu sang vị trí khác nhằm biến đất công ích thành đất có thể giao cho các hộ thiếu đất theo nghị định 64/CP để thực hiện cái gọi là “cân đối”- một khái niệm mơ hồ không hề có trong quy định.

Điều này nhằm mục đích biến đất công không phải bồi thường về “đất cân đối 64” – một “miếng thịt chín” để thông qua các hộ dân thiếu hiểu biết và tham lam rút ruột tiền đền bù giải phóng mặt bằng của Nhà nước. Nếu cân đối tại sao không cân đối vào các vị trí không giao kia để dân có đất sản xuất như mong muốn mà Nghị định 64/CP đặt ra mà lại cân đối vào dự án?

Câu trả lời có ngay sau đó khi ngày 31/12/2011, huyện Từ Liêm ban hành quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 15, 438 tỷ đồng (số làm tròn) lên 29,157 tỷ đồng (số làm tròn). Đặc biệt đáng lưu ý là chi phí GPMB tăng từ 3,348 tỷ (số làm tròn) lên 16,041 tỷ (số làm tròn), rồi tiếp tục tăng lên 17,887 tỷ đồng - tăng hơn 5 lần dự toán ban đầu.

Trong số gần 1.000 hộ còn thiếu đất do chưa rút bù được thì tại sao Tây Tựu lại chỉ chia cho 36 hộ? Điều đơn giản chính là các hộ này từng nhóm có mối quan hệ thân thiết với nhau (hàng xóm, bố con, dâu rể) nhằm khép kín để rút ruột ngân sách.

Trong số 36 hộ được nhận tiền thì nhiều hộ chỉ là người đứng tên nhận hộ tiền rồi được chia lại cho vài chục triệu, còn cục tiền lớn đều phải nộp lại cho những hộ gốc, trong khi những hộ này đáng ra chỉ được nhận tiền bồi thường về hoa màu vì đang canh tác trên đất công ích, nhưng nhờ có Quyết định trái thẩm quyền 12315/QĐ-UBND mà tự nhiên có một khoản tiền khổng lồ.

Danh sách đứng tên hộ rút tiền ngân sách nhà nước tại dự án xây dựng cụm văn hóa thể thao xã Tây Tựu.

Nếu là được hưởng “cân đối” thì làm sao phải nộp lại tiền cho người khác, thậm chí những người cuối cùng được cầm số tiền rất lớn đó có rất nhiều người không hề có trong danh sách 36 hộ (tức là mượn tên người khác hoàn toàn)? "Thế lực ngầm" nào đã khiến ông Lê Văn Thư phải ký quyết định trái thẩm quyền chuyển đổi vị trí đất một cách vô lý và rồi lại bất chấp thẩm quyền ký tăng tổng mức đầu tư khiến tiền bồi thường vọt lên hơn 5 lần so với ban đầu? 

"Thế lực ngầm" nào đã khiến những người nông dân Tây Tựu may mắn được lọt vào danh sách “cân đối” rồi tự nhiên sau khi nhận được tiền lại “cun cút” mang tiền đến đưa cho những người khác, thậm chí những người này không hề có tên trong danh sách 36 hộ nêu tại Quyết định 12315/QĐ-UBND ngày 26/12/2011? Cụ thể là ông Bùi Trung Chức (kiểm tra theo số ĐT của ông Chức là: 01666835611) phải đưa lại tiền cho ông Chu Văn Hòa (người không hề có tên trong danh sách 36 hộ). Những đồng tiền này có dừng lại ở những người dân không hay còn đi đâu nữa?

Theo tìm hiểu của PV, theo quy định của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn Luật đất đai 2003 và Thông tư 01 ngày 13/4/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 cũng như văn bản 4980/UBND-TNMT ngày 02/6/2009 của UBND TP Hà Nội, đất công ích và đất nông nghiệp không giao do UBND xã quản lý đều thuộc loại đất không được dùng để giao cho các hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/CP mà chỉ được dùng vào việc xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng và cho thuê để làm nông nghiệp, khi thu hồi chỉ được bồi thường về hoa màu.

Những sai phạm này của ông Lê Văn Thư đã được nêu lên cùng một loạt các vi phạm khác trước kỳ bầu cử nhiệm kỳ 2016-2021. Tuy nhiên, ông Lê Văn Thư vẫn “ung dung” lọt qua các vòng hiệp thương để trúng cử HĐND ở cả cấp quận và cấp Thành phố.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục đưa tin về vấn đề này và một số khuất tất trong những dự án của Công ty TNHH Nhà nước MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (thời kỳ ông Phan Minh Nguyệt làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc) trên địa bàn huyện Từ Liêm (trước đây) liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của một số lãnh đạo cấp huyện, xã thuộc địa bàn huyện Từ Liêm, nơi có dự án mà chúng tôi đang có hồ sơ trong tay.

>>> UBND TP Hà Nội xác nhận sai phạm của Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm

Nhóm PVPL

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu