13:45 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Grab nói gì sau kết luận vi phạm vụ mua Uber?

18:27 13/12/2018

(THPL)- Sau kết luận của Bộ Công Thương nhận định Grab mua lại Uber có dấu hiệu phạm luật cạnh tranh, đại diện Grab đã lên tiếng phản hồi.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) mới đây cho rằng giao dịch giữa Grab và Uber có dấu hiệu vi phạm hành vi không thông báo tập trung kinh tế và thuộc hành vi tập trung kinh tế bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh. 


Grab ngay lập tức đã có thông tin phản hồi. Công ty cho biết đã tiến hành giao dịch mua lại Uber Đông Nam Á với sự tin tưởng rằng việc thực hiện giao dịch này là không vi phạm pháp luật về cạnh tranh sau khi tham vấn cẩn thận với các chuyên gia pháp lý.

"Điểm mấu chốt có thể nằm ở sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và của chúng tôi về thị trường liên quan cũng như những đặc điểm cấu thành một thị trường cạnh tranh", Giám đốc Grab Việt Nam viết trong thông báo.

Để đáp lại kết luận của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng vụ thâu tóm vi phạm hành vi tập trung kinh tế, Grab khẳng định các công ty taxi đang hoạt động vẫn là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của những đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab ở tất cả các quốc gia mà Grab đang hoạt động.

Ngoài ra, bên cạnh ứng dụng gọi xe Grab và Uber, khách hàng luôn có thể xem xét quyết định, lựa chọn sử dụng các hình thức vận chuyển khác để di chuyển từ điểm này đến điểm khác, bao gồm gọi xe taxi, vẫy xe taxi trên đường, hay sử dụng các ứng dụng gọi xe khác, và các tài xế cũng có quyền chuyển sang tham gia các công ty khác nếu các điều kiện phổ biến như giá cả và thu nhập không còn phù hợp với họ.

Grab cũng nêu vấn đề cho rằng, các công ty taxi như Mai Linh hay Vinasun luôn coi các đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ là đối thủ của họ. Vinasun và Mai Linh là hai trong số các công ty taxi lớn nhất Việt Nam, và cũng đã đầu tư vào loại hình xe hợp đồng và ứng dụng gọi xe để cạnh tranh, và họ cũng có số lượng xe taxi lớn nhất ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Nêu vấn đề này, có lẽ Grab muốn chứng minh rằng thị trường có nhiều lựa chọn gọi xe, thương vụ Grab mua lại Uber không khiến Grab “một mình một chợ” tại Việt Nam mà còn nhiều đối thủ với hoạt động kinh doanh tương tự.

Theo đại diện của Grab Việt Nam: "Chúng tôi cũng mong đợi Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng theo hướng tích cực, phù hợp với tính năng động của thị trường, thúc đẩy môi trường cạnh tranh, vốn đang ngày càng phát triển nhờ vào ứng dụng khoa học công nghệ và sáng tạo".

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, cục đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm, bao gồm: hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại điều 20 Luật cạnh tranh; và hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại điều 18 Luật cạnh tranh.

Hiện nay, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm: trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh; hoặc mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Nam Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu