16:37 ngày 19/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Gian nan hành trình 30 năm đi đòi công lý của cụ ông 80 tuổi ở Cần Thơ

11:20 22/07/2019

(THPL) - Ròng rã hơn 30 năm nay, đôi vợ chồng già gần 80 tuổi ở Cần Thơ vẫn miệt mài gõ cửa từng cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương để cầu cứu chỉ với mong muốn nhận lại miếng đất vốn là sở hữu của gia đình mình.

Dành cả thanh xuân đi đòi đất

Ông Nhan Thuỷ Phúc (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cho biết, vào năm 1956, mẹ của ông là bà Lê Thị Kiêu đã mua và được chính quyền cũ cấp sổ địa bộ đứng tên 2 thửa đất thuộc bằng khoán số 424 và 185 với diện tích 6,4 ha tại ấp Thạnh Hòa, xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (cũ), nay thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ.

Sau khi được cấp chủ quyền mảnh đất nói trên, gia đình ông đã sử dụng để xây dựng lò gạch phục vụ cho cư dân quanh vùng.

Năm 1972, bà Kiêu qua đời, để lại toàn bộ diện tích đã được cấp sổ địa bộ nói trên cho ông Phúc. Lúc này, ông Phúc bị chế độ cũ bắt đi quân dịch, phục vụ tại tiểu khu Phong Dinh, vợ của ông là bà Đặng Thị Hòa vẫn tiếp tục điều hành lò gạch xây dựng trên mảnh đất này.

 Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình ông được ban quân quản yêu cầu đóng góp vốn để mở rộng lò gạch. Thế nhưng, do gia đình lúc đó quá khó khăn, ông không hợp tác được mà chỉ sản xuất cầm chừng, đủ chi phí sinh hoạt.

Ngày 29/3/1978, UBND tỉnh Hậu Giang ra quyết định số 192/QĐ.UBT.78 cấp cho Công ty Xây dựng Hậu Giang 26 ha đất để xây dựng xí nghiệp gạch ngói. Điều bất ngờ, trong số 26 ha này có cả 6,4 ha đất của gia đình ông Phúc mà không hề có quyết định thu hồi đất hay thỏa thuận, thương lượng gì với gia đình ông.

Đôi vợ chồng già gần 80 tuổi với "thâm niên" 30 năm đi gõ cửa cơ quan chức năng tìm công lý.

Sau đó, ông đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của tỉnh. UBND tỉnh Hậu Giang đã cho các ban ngành đi kiểm tra, đền bù thiệt hại. Gia đình tôi được xem xét, giải quyết đền bù tiền hoa mầu trên đất và bị buộc phải dời nhà đi nơi khác. Do không còn chỗ ở nên ông đã tự xây dựng một căn nhà cấp 4 trên phần đất mà xí nghiệp gạch chưa sử dụng để có chỗ sinh hoạt trên chính phần đất 6,4 ha của gia đình mình.

Lúc này, Công ty Xây dựng Hậu Giang, các ngành nội chính của UBND huyện Châu Thành đã đến cưỡng chế, thương lượng hỗ trợ cho gia đình ông với chỉ 5.000 đồng, 5.000 viên gạch và 10 bao xi măng.

Thời điểm đó, UBND xã Phú An cũng đề nghị giải quyết cho ông 1 nền đất thổ cư và 4 công ruộng để canh tác. Tuy nhiên cuối cùng, phần đất này ông cũng không nhận được do UBND xã không có đủ thẩm quyền.

Ông Nhan Thuỷ Phúc bên mảnh đất đã bị thu hồi hơn 30 năm của mình.

Hậu quả của việc “đánh trống bỏ dùi” này, đã khiến 10 người trong gia đình ông phải khăn gói vào sống tạm bợ trong một ngôi chùa bỏ hoang ở Vàm Cái Sâu vì không còn chỗ ở.

Quá bức xúc, suốt hơn 30 năm qua, ông đã gửi đơn đến khắp các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình.

Thu hồi đất bằng một quyết định  “ma”?

Trao đổi với chúng tôi, ông Phúc cho biết, trong hơn 30 năm qua, chính quyền tỉnh Hậu Giang, rồi tỉnh Cần Thơ sau này, trong nhiều văn bản, quyết định, luôn bác bỏ việc khiếu nại của ông. Lý do là bởi, theo chính quyền địa phương, quyết định số 192/QĐ.UBT.78 ngày 29/3/1978 của UBND tỉnh Hậu Giang cấp đất cho cho Công ty Xây dựng Hậu Giang 26 ha để xây dựng xí nghiệp gạch ngói, trong đó có 6,4 ha đất của gia đình tôi là đúng.

Thế nhưng, theo ông Phúc, trên thực tế, quyết định này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện quyết định này, ông Phúc phát hiện, các cơ quan chức năng chỉ đưa ra bản sao y do Phó Văn phòng UBND tỉnh ký, ngày sao y là ngày 28/3/1978. Trong khi đó, quyết định nói trên lại được ghi ngày 29/3/1978.

 “Nói cách khác, bản sao y đã có trước ngày ban hành quyết định 1 ngày. Đây rõ ràng là sự vô lý”, ông Phúc nói.

Thêm vào đó, việc ban hành quyết định số 192/QĐ.UBT.78 sai thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Lý do là bởi, ngày 28/3/1978, UBND tỉnh Hậu Giang ký ban hành quyết định 182/QĐ.UBT.78 nhưng khi phát hành văn bản, Văn phòng UBND tỉnh đã phát hiện có lỗi về chủ trương giao đất, nguồn gốc đất được giao chưa đủ cơ sở pháp lý, văn bản được soạn thảo sai về thẩm quyền giao đất (thẩm quyền phải là UBND chứ không phải là Chủ tịch UBND).

Phát hiện điều này, nên Văn phòng UBND tỉnh lúc đó đã tẩy xóa Quyết định 182/QĐ.UBT.78 ngày 28/3/1978 và sửa thành Quyết định số 192/QĐ.UBT.78 ngày 29/3/1978. Vì vậy, ngày sao y do nhân viên văn thư lưu trữ thực hiện vẫn  “hồn nhiên” đóng dấu theo ngày vào sổ, ban hành quyết định là ngày 28/3/1978.

“Như vậy, rõ ràng quyết định số 192/QĐ.UBT.78 là một quyết định không có thực, không được ban hành theo trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định mà đã được sử dụng để tiến hành giao đất cho Công ty Xây dựng Hậu Giang. Về tính pháp lý thì việc sao y một quyết định từ trước đến nay không hề tồn tại để yêu cầu các cơ quan chức năng và người dân thi hành là việc làm vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của gia đình tôi. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà các ngành chức năng của tỉnh Cần Thơ trong rất nhiều năm lại dựa vào một Quyết định không có thậtđó để làm căn cứ để bác bỏ yêu cầu trong đơn khiếu nại của tôi, gây khó khăn cho chúng tôi trong suốt hơn 30 năm trời”, ông Phúc nói.

Thương hiệu pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Minh Đức

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu