20:39 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Gia đình nghệ nhân 5 đời gắn bó với nghề làm nón làng Chuông

10:31 26/03/2019

(THPL) - Sinh ra và lớn lên tại làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội, nghệ nhân Lê Văn Tuy (sinh năm 1969) luôn mang trong mình một tình yêu sâu sắc với chiếc nón lá quê hương, mong muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống và mang nó đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Làm nón bằng cả trái tim

Nghệ nhân Lê Văn Tuy cho biết: Nghề làm nón nơi đây cũng không ai nhớ rõ đã có từ khi nào. Chỉ biết sinh ra đã có nghề. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 đời làm nghề truyền thống, chính vì vậy mà ngay từ nhỏ anh đã được làm quen với khung tre, lá nón…Trước đây rất nhiều hộ gia đình trong thôn làm nón lá, sống bằng nghề làm nón. Nhưng hiện nay, nghề làm nón chỉ còn một số cụ già trong thôn còn gắn bó.

Nón lá được làm từ những nguyên liệu đơn giản và dễ kiếm như: Lá cọ, lá nón, tre…Thông thường nón lá được làm từ lá cọ, người làm nghề có thể chọn lá già hoặc lá non. Khi sử dụng lá non làm nón, nón làm ra sẽ có màu trắng và bóng đặc trưng. Tuy nhiên các công đoạn làm nón bằng lá non đòi hỏi công phu hơn, đặc biệt là ở việc khâu nón. Các nguyên liệu làm nón thường được nhập từ các tỉnh thành khác về: Lá cọ được lấy từ Phú Thọ, Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Bình....

Nghệ nhân Lê Văn Tuy đang thoăn thoắt từng đường kim mũi chỉ
Hiện các sản phẩm nón của gia đình nghệ nhân Lê Văn Tuy đa dạng về mẫu mã và kích cỡ.

Theo kinh nghiệm hơn 40 năm làm nghề đan nón, nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ: Để cho ra đời được một chiếc nón duyên dáng, người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Đầu tiên, lá nón nhập về sẽ được mang phơi khô, đối với lá non có màu xanh đậm, người thợ cần phải tẩy màu cho lá để khi phơi khô lá có màu trắng bạc.

Những chiếc lá sau khi phơi khô sẽ được người làm nghề là phẳng. Tiếp theo tới công đoạn bứt vòng, tùy vào loại nón và kích cỡ mà người thợ sẽ bứt đủ số vòng cho phù hợp. Sau khi đã lên khung người thợ sẽ xếp lá, lớp bên trong là lớp lá cọ, sau đó là lớp mo cau để cố định cho nón có độ cứng, chắc.

Sau cùng là lớp lá cọ bên ngoài, người thợ phải khéo léo xếp để sao cho lớp lá bên ngoài phải thật đều nhau. Sau đó người thợ sẽ khéo léo đan nón, để ra đời được một chiếc nón đẹp, từng đường đan cũng phải đều nhau, nhẹ nhàng tránh làm rách lá. Cuối cùng để tạo ra được một chiếc nón hoàn hảo, người thợ sẽ hoàn thiện khâu vành nón và quai đeo nón bằng chỉ đỏ, khi quay nón người thợ phải khéo léo để không làm hở chóp, lá được xếp tránh bị cộm.

Khâu là một công đoạn rất khó bởi không khéo là rách lá ngay. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt mềm mại từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không mốc, gặp mưa, nắng nón vẫn thẳng, không bị cong, co lại.

Tùy từng loại nón có thể ghép thêm những hình ảnh, đặc biệt đối với nón dùng cho các đám cưới ở làng quê, thông thường khi khâu nón người thợ sẽ lồng ghép vào những hình ảnh tươi vui với ý nghĩa chúc mừng hạnh phúc cho cặp vợ chồng trẻ. Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, người nghệ nhân mỉm cười, rồi kể lại cho chúng tôi về kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh khi làm nghề.

Đó là lần Biên tập viên của Đài Truyền hình Việt Nam mời anh tái hiện lại chiếc nón Triều Nguyễn, nhận cuộc gọi lúc 12h đêm, anh chẳng thể nào từ chối được, rồi anh bắt tay vào làm ngay cho kịp với thời gian của chương trình. Sau khi đã hoàn tất, mọi người không ngớt lời khen ngợi. Đối với anh đó chính là niềm hạnh phúc nhất mà nghề mang lại. Trong suốt quá trình, anh làm nghề bằng cả cái tâm, không chỉ là niềm tự hào, biết ơn với nghề mà đó còn là niềm tự hào về truyền thống của quê hương.

Nghệ nhân Lê Văn Tuy kể: “Mấy năm trước, có cô giáo đặt tôi làm chiếc nón vuông để mang đi Nhật. Không có mẫu, chỉ tự tưởng tượng, thế mà rồi tôi cũng làm xong, khách hàng rất vừa ý. Mới đây, hồi năm ngoái, xưởng phim truyện đặt tôi phục dựng nón thời Nguyễn, cũng lại tự nghĩ tự làm, các anh ấy cũng rất hài lòng ”.

Thoát khỏi lối mòn

Với trăn trở “muốn sống được bằng nghề, sản phẩm phải có nhiều mẫu mã, hướng đến công dụng mới và những đối tượng khách hàng mới”. Năm 1999, với đơn đặt hàng chỉ 1 đơn vị sản phẩm, đã mở ra cho nghệ nhân Lê Văn Tuy một hướng đi mới. Năm đó, anh nhận làm 1 chiếc nón cỡ lớn, đường kính tới 1 m với yêu cầu lá nón không được nối.

Đây là thử thách không nhỏ vì kiếm lá nón dài như yêu cầu rất khó. Để làm chiếc nón, anh còn phải tự thiết kế khung mới với kích thước mới. Việc khâu chiếc nón này cũng vô cùng khó khăn do kích thước quá lớn, 2 vợ chồng cùng làm, mỗi người ngồi khâu 1 phía. Nhạy bén với thị hiếu khách hàng và hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu để nghề nón làng Chuông nói riêng, làng nghề truyền thống nói chung. Người làng Chuông cũng đã khởi đầu mới từ những người tiên phong như nghệ nhân Lê Văn Tuy.

Ngoài tự gia đình sản xuất, nghệ nhân Tuy còn đứng ra mua thu gom nón của các gia đình trong làng để tìm mối khách hàng ngoại tỉnh (Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Bình) và cả phía Nam. Cơ sở của gia đình anh tạo công ăn việc làm cho gần chục nhân công và nhận truyền dạy nghề làm nón với thu nhập ổn định 4.5 – 5 triệu đồng / người / tháng.

Nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ: “Mỗi ngày cơ sở sản xuất của gia đình làm ra 1.000 sản phẩm. Có ngày bán hết, có ngày chỉ vài chục. Khách các tỉnh xa đến đặt hàng mua sỉ thường xuyên với số lượng lớn. Gia đình tôi còn nhận đơn đặt hàng theo mẫu mã của các đoàn nghệ thuật, đoàn làm phim, các nhà thiết kế thời trang. Chúng tôi cũng thường xuyên xuất khẩu hàng đi các nước ".

Với những nỗ lực lưu giữ và phát triển nghề làm nón truyền thống của gia đình, nghệ nhân Lê Văn Tuy nhận được bằng khen của các cấp bộ ngành trao tặng

Với một người đã quyết định gắn bó cả cuộc đời cho làng nghề truyền thống thì sự phát triển đi lên của làng nghề chính là niềm vui và niềm hạnh phúc to lớn nhất đối với anh. Các sản phẩm anh sản xuất ra luôn luôn được chú trọng đến chất lượng, ngay từ những công đoạn để tạo ra chiếc nón lá cũng được anh kiểm tra rất kĩ càng ngay từ khâu chọn nguyên liệu đến việc xếp lá hay khâu nón…

Đối với anh, chất lượng của sản phẩm vô cùng quan trọng, nó quyết định đến uy tín không chỉ của riêng anh mà còn là của cả làng nghề truyền thống nơi đây. Các sản phẩm anh làm ra rất được các khách nước ngoài ưa chuộng. Những vị khách du lịch luôn bị hút hồn bởi nét thanh mảnh, duyên dáng của chiếc nón lá làng Chuông, mỗi vị khách lại mua nón về làm kỷ niệm, làm quà cho những người thân, bạn bè của họ, nhờ vậy mà nón làng Chuông được mang đi khắp nơi trên thế giới.

Không chỉ dừng lại ở việc bán lẻ cho các khách du lịch thăm quan làng nghề, nghệ nhân Tuy còn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sang các nước như: Nhật, Đài Loan và một số nước Châu Âu…Các sản phẩm được xuất sang các nước trên được họ đánh giá cao về chất lượng. Nhờ những thành công này, nghệ nhân Lê Văn Tuy luôn có động lực để phát triển hơn nữa thị trường cho nón lá làng Chuông nói riêng và nón lá Việt Nam nói riêng.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất và kinh doanh nón lá, Nghệ nhân Lê Văn Tuy còn được biết đến là một người truyền nghề tâm huyết. Để gìn giữ và phát triển nghề, nghệ nhân Tuy đã truyền và dậy nghề cho nhiều lao động có nhu cầu học nghề. Bên cạnh đó, để nhiều người trẻ hiểu và yêu hơn hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam, nghệ nhân Tuy còn dạy nghề tại các trường tiểu học, trung học và Đại học….

Nghệ nhân Tuy chia sẻ: anh luôn cảm thấy vui mừng và hào hứng khi nhận được lời mời tới từ các trường, đặc biệt là trường tiểu học và trung học. Có những hôm phải dậy thật sớm để chuyển bị đồ dùng, các nguyên liệu cần thiết để mang tới trường giảng dạy cho các bạn nhỏ những anh không cảm thấy mệt mỏi chút nào. Được mang làng nghề của mình đi khắp nơi, được nhiều người hơn nữa biết tới nghề anh lại quên hết mệt mỏi, hào hứng tiếp tục công việc.

Các bạn nhỏ tiếp thu rất nhanh và học tập rất hăng say, những sản phẩm các bạn nhỏ làm ra nhìn bằng mắt có thể không được hoàn mỹ nhưng nó vẫn luôn đẹp nhất khi ta cảm nhận bằng cả trái tim vì nó chưa đựng những tình cảm cao đẹp của người dạy, người học đối với nón lá truyền thống của Việt Nam.

Cũng theo nghệ nhân Lê Văn Tuy: Một thợ làm nón nhanh nhất cũng chỉ được 2 chiếc / ngày. Mỗi chiếc nón được làm từ những nguyên liệu tốt, tỉ mỉ và khéo léo có thể bán với giá hơn 100.000 đồng. Ngoài ra, những chiếc nón được làm bởi những phụ nữ còn trẻ, khâu khéo cũng có thể bán với giá 70.000 đồng/cái, những chiếc nón mũi khâu kém tinh tế hơn có giá từ 30.000-40.000 đồng.

Chị Lê Thị Hoạt - một thợ làm nón thuê của gia đình anh Tuy cho biết: “ Mặc dù là nghề phụ, nhưng làm nón mang lại tiền mặt để chi tiêu, trang trải nhiều khoản cho gia đình. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết thanh niên học xong phổ thông đều chọn nghề khác để kiếm sống. Trước đây, trẻ con trong làng hầu như cứ lên 6 - 7 tuổi là đã biết khâu nón, thậm chí biết cầm kim khâu nón trước khi cầm bút học chữ, giờ mà không dạy cho bọn trẻ nữa là coi như mất nghề…”.

Trong quá trình dạy nghề, anh không chỉ tiếp xúc với các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam mà còn tiếp xúc với rất nhiều các bạn trẻ nước ngoài. Lần gần đây nhất anh có nhận được lời mời của trường Đại học Ngoại Thương, tại đây đối tượng anh giảng dạy chính là các bạn du học sinh tại Việt Nam, đến từ nhiều đất nước khác nhau: Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hà Quốc…

Họ tỏ ra rất vui mừng và thích thú khi được tìm hiểu về chiếc nón lá Việt Nam và được tự tay thực hiện những công đoạn làm ra chiếc nón. Không chỉ có những lời mời giảng dạy từ các trường, anh còn được nhiều gia đình nước ngoài du lịch tại Việt Nam đến tận nhà nhờ anh hướng dẫn cách làm nón. Anh cảm thấy rất vui mừng vì nón lá ngày càng được nhiều bạn bè quốc tế biết tới, anh lấy điều đó làm động lực, hướng dẫn mọi người làm nghề bằng cả trái tim. 

Huy Khánh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu