11:21 ngày 19/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

EVFTA thúc đẩy FDI từ EU vào Việt Nam tăng mạnh

15:01 18/02/2020

(THPL) - Triển vọng thu hút FDI từ EU trong bối cảnh hai bên đã ký kết EVFTA là rất tích cực, hứa hẹn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực doanh nghiệp EU có thế mạnh, như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính…

Các cam kết này sẽ là động lực để Việt Nam cải cách thể chế và khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đầu tư thuận lợi và an toàn hơn cho các nhà đầu tư. Các cam kết cắt giảm thuế quan và thuận lợi hóa thương mại trong EVFTA ở mức độ rất cao là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy FDI vào Việt Nam.

Theo báo Tài chính, nhóm sản phẩm xuất khẩu từ EU sang Việt Nam được giảm thuế nhiều nhất lần lượt là: giày dép, mũ và các sản phẩm đội đầu; sản phẩm bằng đá, thạch cao, thủy tinh; hàng dệt may; thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá; sản phẩm da... Đây là các ngành có thể thu hút FDI theo chiều dọc từ các nước EU, cũng như các nước ngoài EU nhằm tận dụng các lợi thế so sánh của cả Việt Nam và EU.

Bên cạnh đó, các cam kết này sẽ tạo điều kiện thu hút FDI nói chung vào Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất dệt may, da giày, nhất là hoạt động gia công quốc tế khi doanh nghiệp nước ngoài có thể nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ EU sau đó xuất khẩu thành phẩm sang EU với chi phí thấp.

EVFTA có hiệu lực, dự báo FDI từ EU vào Việt Nam có thể tăng mạnh (ảnh minh họa)

Đối với thu hút FDI chất lượng cao, EVFTA chỉ là yếu tố hỗ trợ chứ không có tính quyết định đối với hoạt động đầu tư. Muốn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ.

FDI từ EU có thể tăng vào các phân ngành dịch vụ mà Việt Nam không cam kết trong WTO nhưng lại cam kết trong EVFTA, như dịch vụ hội chợ, triển lãm, dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ bảo hành và sửa chữa tàu  biển, tàu thủy nội địa, máy bay, dịch vụ xếp dỡ công-ten-nơ hàng hải, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa… FDI cũng có thể gia tăng trong các ngành dịch vụ được cam kết mở cửa sâu hơn so với cam kết trong WTO, đồng thời là thế mạnh của các nước EU, như dịch vụ tài chính, logistics, dịch vụ máy tính, dịch vụ môi trường, giáo dục bậc cao, phân phối, viễn thông và y tế.

Theo báo Quốc tế, theo Báo cáo về tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm 2019 của ESP Capital cũng cho thấy, bán lẻ đứng đầu trong các ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, nhờ tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam và dư địa thị trường này còn rất lớn. GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ sớm vượt ngưỡng 10.000 USD với tốc độ tăng trưởng 6 - 7%/năm và cấu trúc dân số hiện nay của Việt Nam.

Còn theo báo cáo gần đây của McKinsey&Company, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và được cân bằng với tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng. McKinsey&Company dự báo, tỷ lệ này sẽ tăng lên tới 26% vào năm 2025 trong bối cảnh thị trường hàng hóa thực phẩm đang trên lộ trình hiện đại hóa đáng kể, dự kiến sẽ tăng từ mức 4 tỷ USD hiện tại lên 20 tỷ USD vào năm 2025.

Theo báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 được Google, Temasek và đối tác mới Bain & Company công bố, quy mô nền kinh tế số của Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 43 tỷ USD năm 2025 với các lĩnh vực tiềm năng như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến.

Việt Nam hiện là một trong 10 nước có số người sử dụng Internet cao nhất toàn cầu với 61 triệu người dùng thường xuyên. Ngoài ra, với dân số trẻ, năng động, Việt Nam dành ưu tiên cao nhất phát triển nền kinh tế số dựa trên đổi mới, sáng tạo.

Mai Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu