01:13 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự thảo Nghị định của Bộ Công an chồng chéo và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân

09:47 15/04/2017

(THPL) - Bộ Công an đã dự thảo lần 2 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị đang lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận. Để làm rõ một số điều khoản và nội dung dự thảo, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến phân tích của Luật sư về vấn đề này.

Tạo ra cơ chế xin - cho, thêm thủ tục hành chính và đi ngược tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh! Đó là ý kiến của Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên. Cụ thể, Luật sư Phú phân tích:

Việc Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo lần 2 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị để chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, trong đó Điều 4 dự thảo đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. 

Luật sư Lê Lưu Phú


Để bảo vệ cho đề xuất này Bộ Công an cho rằng, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước.

Lý do này của Bộ Công an là không có cơ sở bởi lẽ: Tự thân thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị không gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước hay gây ra những  bức xúc trong xã hội mà chỉ có người sử dụng chúng có mục đích xấu thì mới gây hại cho đất nước, cho xã hội. Nhưng cũng với những thiết bị này nếu trong tay những công dân có mục đích tốt như để phục vụ đời sống cá nhân, phục vụ cho cộng đồng hay phục vụ cho đất nước thì tại làm sao phải cấm?

Đặc biệt, nếu Bộ Công an cho rằng: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng” được phép sử dụng những thiết bị này là vi phạm quyền của công dân, bởi lẽ theo Điều 32, của Hiến pháp 2013 quy định:  

1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.  

2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Ngoài ra, việc hạn chế này của Bộ Công an còn vi phạm Khoản 2 Điều 25 của Luật Báo chí 2016, quy định Quyền và nghĩa vụ của Nhà báo:

2. Nhà báo có các quyền sau đây:

a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp.

b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.

Bởi lẽ: Phương tiện ghi âm và ghi hình là phương tiện không thể thiếu được của phóng viên. Bằng các phương tiện này mà phóng viên mới có thể thực hiện được việc khai thác thông tin phục vụ cho hoạt động báo chí. Nhiều vụ án đã được làm sáng tỏ do phóng viên sử dụng phương tiện nghe nhìn ngụy trang. Hiện nay, tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp và rất tinh vi bởi lẽ khung hình phạt cho tội danh này là rất cao. Ví dụ như tội tham ô hay tội nhận hối lộ có mức hình phạt cao nhất đến tử hình. Chính vì khung hình phạt cao như vậy nên các tội phạm trong nhóm tội này hoạt động rất tinh vi do vậy nếu như không sử dụng các thiết bị nghe nhìn ngụy trang thì rất khó có thể phát hiện.

Đề xuất của Bộ Công an đưa kinh doanh thiết bị nghe, nhìn, ngụy trang vào nhóm kinh doanh có điều kiện và nhóm đối tượng được kinh doanh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và nhóm kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhưng phải được Bộ Công an chấp thuận bằng văn bản. Như vậy, vô hình chung việc này lại vô tình tạo ra cơ chế xin cho, tạo ra thêm thủ tục hành chính và đi ngược tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện và tạo ra sự cạnh tranh không công bằng. Theo Luật đầu tư, tại Khoản 4 Điều 5 đã quy định về "Chính sách về đầu tư kinh doanh” như sau:

Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm.

Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.

Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.

Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.

Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư kinh doanh mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo Khoản 1 Điều 5 Luật doanh nghiệp quy định về việc "Bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp". Cụ thể:

Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật này; bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh.

Từ các lập luận, phân tích đã trình bày ở trên cho thấy: Thay vì đề xuất một điều khoản vi hiến, vi phạm Luật đầu tư, Luật cạnh tranh, Luật doanh nghiệp thì nên chăng Bộ Công an nên ra những quy định về sử dụng phương tiện nghe nhìn ngụy trang, đề xuất tăng mức hình phạt về việc sử dụng phương tiện nghe nhìn ngụy trang sai mục đích dẫn đến việc dư luận xã hội bức xúc hay đe dọa đến an ninh quốc gia, đồng thời bỏ ý định đưa kinh doanh thiết bị nghe nhìn ngụy trang vào nhóm kinh doanh có điều kiện.

Chồng chéo, trái với Bộ Luật tố tụng Hình sự, Dân sự!

Đó là nhận định về dự thảo Nghị định do Bộ Công an dự thảo của Luật sư Khương Tân Phương (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), Luật sư Phương nhận định:

Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, có nội dung đề xuất tại Khoản 3, Điều 4:

"Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng."
Như vậy là dự thảo nghị định không cho phép người dân, phóng viên nhà báo và tổ chức khác được sử dụng các thiết bị để ngụy trang, ghi âm, ghi hình.

 Luật sư Khương Tân Phương

Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định tại Khoản 1 Điều 94: Nguồn chứng cứ là “tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử” được thu thập. Theo tinh thần của điều luật trên ta có thể hiểu là tổ chức cá nhân có quyền thu thập tài liệu chứng cứ bằng những biện pháp: Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử làm nguồn chứng cứ cho mình để giải quyết vụ án.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (tới đây sẽ có hiệu lực) có quy định mới về dữ liệu điện tử về chứng cứ tại Điều 99 như sau:

1. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.
2. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.
3. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Như vậy, việc người dân thu thập các dữ liệu điện tử làm phương tiện chứng minh, chứng cứ để giải quyết các vụ việc, vụ án dân sự, hình sự là quyền đã được pháp luật quy định trong các bộ luật và văn bản luật chuyên nghành khác. Trên thực tế có rất nhiều vụ việc đã được làm sáng tỏ từ dữ liệu do các thiết bị này ghi lại.

Thiết nghĩ, dự thảo Nghị định trên của Bộ Công an chỉ nên điều chỉnh về điều kiện kinh doanh của loại  hình này chứ  không nên điều chỉnh cả vấn đề đối tượng sử dụng, như vậy mới không bị chồng chéo và ảnh hưởng  đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Trần Quang Chiến

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu