05:32 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đồng Nai xuất khẩu hơn 800 tấn hồ tiêu sang thị trường Đức, Hà Lan

21:14 14/12/2017

(THPL) - Trong năm 2017, chuỗi liên kết sản xuất tiêu sạch tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai do Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San tổ chức đã xuất khẩu được 800 tấn hồ tiêu sạch sang thị trường Đức và Hà Lan.

Theo TTXVN, so với năm 2016, lượng hồ tiêu xuất khẩu của hợp tác xã cao gần gấp 3 lần so với con số 300 tấn của năm 2016.

Ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San cho biết, năm 2015, đơn vị bắt đầu xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường châu Âu. Để ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn, hợp tác xã phải có nguồn cung hồ tiêu lớn, đạt chuẩn an toàn. Từ yêu cầu này, hợp tác xã đã liên kết với 1.500 hộ, thành lập các tổ, nhóm hợp tác. 

Điểm yếu lớn nhất của sản phẩm tiêu Việt Nam là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Do đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San đã trang bị cho nông dân kiến thức nông học (đất, nước, cây trồng), kỹ thuật canh tác mới, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón một cách khoa học. 

hồ tiêu, Đồng Nai xuất khẩu hồ tiêu
Đồng Nai xuất khẩu hơn 800 tấn hồ tiêu sang Đức, Hà Lan. Ảnh: Thời báo Kinh Doanh

Sau này, biết cách phòng ngừa sâu bệnh bằng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng phân vi sinh, hữu cơ thay cho phân hóa học. Việc áp dụng kỹ thuật canh tác mới giúp vườn tiêu sinh trưởng khỏe mạnh hơn, năng suất mỗi ha tăng từ 3 tấn/vụ lên trên 4 tấn/vụ. Ngoài ra, mỗi tấn tiêu sạch có giá bán cao hơn 10 triệu đồng so với tiêu bình thường. 

Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San đang thương thảo với đối tác từ châu Âu, dự kiến năm 2018 sẽ ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 1.500 tấn hồ tiêu sang Hà Lan và Đức.  Theo Thời báo Kinh Doanh, sau khi thu mua tiêu của nông dân, hợp tác xã dán mã số của từng hộ trên mỗi bao tiêu. Các mã số này sẽ tổng hợp các thông tin như: Tên hộ trồng; địa chỉ hộ trồng; ngày thu mua; một số chỉ tiêu cơ bản được xét nghiệm. Nếu tiêu xuất khẩu không đảm bảo chất lượng, hợp tác xã sẽ truy được nguồn gốc của lô hàng. Quy định này giúp nâng cao ý thức của người sản xuất, nông dân thấy được trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra.

Gia đình anh Hoàng Đình Hồng (ấp 2, xã Lâm San) có 1ha hồ tiêu. Năm 2015, anh Hồng gia nhập tổ hợp tác sản xuất tiêu sạch ở ấp 2, từ đây, anh được tham dự các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất hồ tiêu. Nắm được kiến thức nên anh Hồng thay đổi cách chăm sóc tiêu, chú trọng dùng phân hữu cơ, phân sinh học để bón.

Theo anh Hồng, việc sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học có tác dụng trong thời gian dài, cây phát triển đều, hạt tiêu cũng đều và đẹp hơn. Đặc biệt, nhờ áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, cây tiêu của gia đình anh ít bị sâu bệnh hơn trước. Từ khi áp dụng cách trồng mới, vườn tiêu nhà anh Hồng phát triển mạnh hơn, năng suất tiêu cũng tăng lên đáng kể. “Trước đây, mỗi vụ tôi thu hoạch khoảng gần 3 tấn tiêu. Sau 2 năm áp dụng cách trồng mới, năng suất đều trên 4 tấn”, anh Hồng cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Đồng Nai có giống hồ tiêu tốt, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nếu nông dân nắm vững kỹ thuật canh tác thì chất lượng hồ tiêu ngày càng được nâng lên, việc xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để xuất khẩu, ngoài chất lượng thì yếu tố số lượng cũng phải đảm bảo, nếu nông dân sản xuất manh mún, hợp tác xã không thể có đủ hàng, gây khó khăn cho việc ký hợp đồng dài hạn. Với thị trường xuất khẩu tiêu sạch tiềm năng như vậy, những năm tới, Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San sẽ đẩy mạnh liên kết với nông dân, phát triển thêm diện tích tiêu sạch tại nhiều xã ở huyện Cẩm Mỹ và các địa phương khác trong tỉnh. 

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 15.000 ha hồ tiêu, tập trung ở các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Thống Nhất. Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu được hồ tiêu sang thị trường châu Âu. 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu