20:28 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đồng Nai: Ngành điều xuất khẩu đang gặp thách thức lớn

10:11 31/10/2017

(THPL) - Là một trong những loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Đồng Nai, nhưng ngành điều đang gặp phải thách thức lớn khi sản lượng xuất khẩu liên tục giảm trong gần một năm nay. Dù giá thu mua tăng, nhưng diện tích vườn điều thì đã hao hụt nhiều do nông dân chặt bỏ.

Theo bà Trần Thị Diệu Cương, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Nghĩa Thịnh (huyện Xuân Lộc), việc chế biến điều năm nay không bằng năm ngoái, số lượng đơn hàng khách đặt cho mùa cuối năm giảm hơn.

Doanh nghiệp ngành điều cũng phải cân nhắc nhiều khi nhận đơn hàng, vì chưa năm nào giá nguyên liệu đầu vào lại tăng cao như hiện nay. Tuy giá nhân điều xuất khẩu cũng như hạt điều rang muối cung cấp cho thị trường nội địa cũng tăng, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp chế biến điều thì không tăng.

dieu
Một dây chuyền sản xuất của Cty TNHH Minh Nghĩa Thịnh toạ lạc tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Thực tế, chưa bao giờ giá hạt điều tăng kỷ lục như hiện nay. Cụ thể, giá xuất khẩu hạt điều nhân trong tháng 10 đạt bình quân trên 10 ngàn USD/tấn, tăng khoảng 63% so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao nên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất bị giảm.

Chuẩn bị cho vụ sản xuất cuối năm nay, doanh nghiệp chế biến điều phải tất bật, ngược xuôi nhiều hơn để chuẩn bị nguyên liệu sản xuất. Doanh nghiệp cũng vất vả hơn dù sản lượng, đơn hàng kém sôi động hơn mọi năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với diện tích khoảng 38 ngàn hécta, cây điều là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Nhằm giữ diện tích và nâng cao giá trị sản xuất của cây điều, nhiều địa phương đã chọn giải pháp trẻ hóa và nâng cao năng suất cho cây bằng phương pháp ghép chồi trên cây điều già.

Ngoài ra, mô hình trồng xen canh cây ca cao, cây tiêu trong vườn điều, đặc biệt dự án cánh đồng lớn trồng ca cao xen canh trong vườn điều với quy mô cả ngàn hécta tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom) cũng sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất.

Tuy nhiên, nông dân vẫn không mặn mà với cây trồng này. Chỉ tính riêng trên địa bàn Đồng Nai, diện tích điều đã giảm hàng ngàn hécta trong vài năm trở lại đây, và khi có điều kiện nông dân sẵn sàng chặt bỏ cây điều để chuyển sang cây trồng khác.

Vụ thu hoạch vừa qua điều mất mùa, giảm mạnh về sản lượng khiến ngành chế biến gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, giá hạt điều thô tăng cao, doanh nghiệp buộc phải chuẩn bị nguồn vốn lớn hơn để nhập nguyên liệu. Giá nguyên liệu đứng ở mức cao ngất ngưởng và liên tục biến động khiến thị trường xuất khẩu mặt hàng này cũng rủi ro hơn. Tuy giá trị xuất khẩu điều tăng cao nhưng tình hình sản xuất, chế biến hạt điều lại kém nhộn nhịp hơn mọi năm. Doanh nghiệp chế biến điều gặp khó khăn  vì nguyên liệu chế biến ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Ông Lê Văn Liều, chuyên gia phân tích thị trường, nhận định: Việt Nam mặc dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, nhưng chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

Tốc độ tăng trưởng của nguồn cung điều hàng năm chỉ đạt 3,5%/năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng 6%/năm. Như vậy, ngành điều thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với tình trang cầu vượt, cùng với rủi ro mất mùa khiến giá điều có xu hướng tăng trong 3 năm trở lại đây. Hệ lụy của sự tăng giá là người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm hạt khác thay thế cho điều.

Sau hơn 3 thập kỷ phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu điều nhân số 1, chế biến đứng thứ 2 và đứng thứ 3 thế giới về năng suất và sản lượng.

Năm 2016, ngành điều Việt Nam xuất khẩu 347.000 tấn điều, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới. Tuy nhiên, hạt điều nội địa trong vụ thu hoạch vừa qua do mất mùa nặng cũng “leo thang” ở mức cao ngất ngưởng là 50 ngàn đồng/kg, cao hơn nhiều so với mức trung bình nhiều năm. Doanh nghiệp trong ngành chế biến điều càng lo lắng vì có thể giá hạt điều nguyên liệu còn tiếp tục biến động mạnh vào mùa cao điểm sản xuất cuối năm.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu