02:48 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đông Hưng, Thái Bình: Giá thu mua lợn thịt giảm mạnh, người nuôi lỗ nặng

11:15 05/01/2017

(THPL) – Những ngày cận Tết này, nhiều người làm nghề nuôi lợn ở Đông Hưng, Thái Bình đang phải trải qua những ngày tháng "cam go" nhất. Chưa bao giờ giá thu mua lợn thịt của thương lái lại xuống thấp kỷ lục như hiện nay, kéo theo đó là bao nhiêu hệ luỵ.

Không cho lợn ăn thì chết, cho ăn...chắc chắn lỗ!

Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Đông Hưng, Thái Bình có khoảng 60 trang trại, 1.256 gia trại và các cơ sở kinh doanh do nông dân làm chủ. Một hộ nuôi lợn cỡ vừa có khoảng 100 đầu lợn thịt, 20 đầu lợn nái. Những trang trại lớn quy mô lên tới cả ngàn con cũng không phải là hiếm thấy ở nơi này.

Những năm từ 2012 đến đầu 2016 là thời gian phong trào nuôi lợn ở đây lên đến đỉnh điểm với nhiều tấm gương như hộ gia đình bà Phạm Thị Thuận (thôn Vinh Quan, xã Trọng Quan) hay gia đình anh Phan Văn Cảnh (thôn Thuần Túy, xã Đông La)… Nghề nuôi lợn nơi đây thực sự đã giúp người nông dân làm giầu chân chính, thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở địa phương theo hướng tích cực.

Một con lợn giống siêu nạc giá mua khoảng 1,6 triệu đồng, để lợn đạt trọng lượng 100 kg, đủ tiêu chuẩn xuất chuồng cần thời gian khoảng 5 tháng với khoảng 1,9 triệu đồng tiền cám. Chưa tính chi phí khác mà chỉ tính rủi ro lợn ốm chết (khoảng 10%) thì giá thành gốc ra một con lợn xuất chuồng đã vào khoảng 3,7 triệu đồng.

Với các hộ có nuôi lợn nái thì đỡ được tiền giống, nhưng việc đầu tư vào lợn nái cũng không dễ, đòi hỏi phải có kinh nghiệm lâu năm và dày vốn. Một con lợn nái nặng ngót 3 tạ, mỗi lứa đẻ trung bình 12 con cũng tiết kiệm được cho chủ nuôi ngót 20 triệu đồng tiền lợn giống. 


Các hộ chăn nuôi lợn nái như hộ ông Hơn (Đông Xá) thì đỡ được tiền giống.

Cách đây tròn một năm, vào đúng dịp giáp Tết, giá lợn được thương lái thu gom rất ổn định ở mức 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Với mức giá đó, xuất một đàn lợn 100 con, người nuôi lợn thu lãi chừng trên 100 triệu đồng. Một năm hai lứa lợn xuất chuồng, thu nhập của người chăn nuôi cỡ vừa khoảng 300 triệu/năm.

Thế nhưng từ gần một tháng qua, giá thu mua lợn trên thị trường đột nhiên giảm mạnh, từ mức 48.000 đồng tụt hẳn xuống còn 32.000 rồi 30.000 đồng/kg. Chưa bao giờ giá lợn giảm mạnh, xuống nhanh đến thế, giảm một lúc 18.000 đồng/kg chỉ trong vòng một tháng. 

Với mức giá trên, cứ một con lợn 100 kg thì người chăn nuôi đã lỗ ngót một triệu đồng. Càng làm lớn, càng lỗ "khủng", nhiều gia đình lỗ hàng tỷ đồng. Không chỉ những người chăn nuôi, cả những người liên quan đến chăn nuôi như người bán cám, vận chuyển…đều bị ảnh hưởng, cả thôn, cả xã nháo nhác như lâm vào "khủng hoảng".

Giàu vì lợn, khốn đốn cũng vì lợn

Gặp chúng tôi trong buổi chiều muộn cuối năm, anh Phan Văn H. chia sẻ một câu chuyện buồn về gia đình anh. Bắt tay vào nuôi lợn cách đây 10 năm với số vốn vỏn vẹn 50 triệu đồng tích góp được. Làm được 3 lứa, xác định nuôi có lãi, anh mang nhà cầm cố vay ngân hàng nuôi quy mô lớn hơn tại gia đình. Có thời điểm nhà anh nuôi tới hơn 100 con lợn và lần liều lĩnh này của anh đã thành công lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm. Ngôi nhà cấp 4 ngày xưa, nay đã thành nhà 3 tầng nguy nga, tráng lệ, anh chị còn mua được căn chung cư ở Hà Nội cho con học đại học.

Cuối năm 2015, anh H. quyết định làm lớn, lại mang hết sổ đỏ đi cầm cố, gom toàn bộ tiền tích luỹ được hơn 5 tỷ đồng, chuyển đổi 9 sào lúa sang 9 sào đất ven đường liên xã, mua thêm đất các hộ bên cạnh, dựng trang trại lợn quy mô lớn. Lứa đầu tiên với 500 con lợn thịt, anh lãi gần 600 triệu đồng. Lứa sau, anh nâng gấp đôi số lợn lên 1000 con.

Đến lúc các đầu lợn thịt đủ tiêu chuẩn xuất chuồng thì giá lợn tụt xuống còn 30,000 đồng/kg, lỗ gần một tỷ đồng. Nguy hiểm hơn, thương lái vì làm ăn không có lãi, sức thu mua ngày càng giảm sút. Thời điểm này, cả tháng mới có một thương lái về đánh một chuyến hàng vài trăm con, chia đều cho các hộ, mỗi hộ mua vài chục con, chủ yếu là để giữ mối. Muốn bán tống bán tháo lợn đi để cắt lỗ cũng không bán được. 


Mỗi một con lợn thịt ăn hết 20,000 đồng tiền cám/ ngày.

Mỗi một ngày, một con lợn ăn hết 20.000 đồng tiền cám. Mỗi sáng thức dậy là anh sẽ mất đi 20 triệu đồng tiền cho lợn ăn, chưa kể các loại chi phí nhân công, chuồng trại, điện sưởi ấm. Không cho lợn ăn thì lợn sẽ chết nhưng cho ăn thì càng lỗ nặng. Thời gian không chờ đợi ai, thời gian là tiền bạc. Mới đây nhất, anh H. đã phải bán đi căn nhà trên Hà Nội để mua cám cho lợn ăn trong khi chờ thương lái tới mua. Khổ nỗi, lợn càng to lên, càng khó bán. Tiền mặt không còn, cám mua chịu mãi không xong, ngân hàng không cho vay thêm, cùng quẫn, anh H. phải vay “nóng” để cầm cự qua ngày. “Chuyến này có khi tôi mất hết chú ạ” đôi mắt anh H. ảm đạm, tuyệt vọng.

Chị Nguyễn Thị Liễu chuyên bán cám cho các hộ chăn nuôi lại rơi vào một hoàn cảnh "nguy hiểm" khác. Mấy năm nay, giá lợn cao, các hộ chăn nuôi có lãi, họ mua gối đầu nhưng bán lợn xong thì luôn thanh toán sòng phẳng. Cứ xuất lợn đi hôm trước là hôm sau qua thanh toán ngay. “Gay go quá chú ạ, mỗi hộ gối đầu của tôi 50 triệu tiền cám, tính đến giờ tiền nợ đã lên đến gần 3 tỷ đồng. Hơn 10 ngày nay, các hộ đến tiếp tục xin mua chịu, tôi không bán không được, mà bán thì nếu họ vỡ nợ thì mình mất trắng” chị Liễu cho biết. Cuối cùng chị đành ngừng nhập cám về, chấp nhận để cửa hàng trống không, và nói với các hộ chăn nuôi là do không có tiền nên không mua được cám về. Chị cũng là nạn nhân gián tiếp của tình trạng giá lợn khủng hoảng, chưa tìm thấy lối thoát. 


Những trang trại mới, đầu tư hàng tỷ đồng đang lỗ hàng chục triệu mỗi ngày

Có lẽ lúc này, lãnh đạo UBND huyện Đông Hưng cần bắt tay ngay vào tìm hiểu vụ việc và có sự quan tâm hỗ trợ đến những người chăn nuôi trên địa bàn. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra xem có hay không một “cú bắt tay tiền tỷ" giữa các thương lái để "dìm giá" lợn thịt, kiếm lợi bất chính trên công sức của người chăn nuôi ở Đông Hưng.

Sơn Tùng 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu