16:00 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Trung Quốc tràn sang thu mua gỗ nguyên liệu

08:54 26/12/2016

Trung Quốc sẽ đóng cửa rừng tự nhiên ở 14 tỉnh từ đầu năm 2017 khiến nước này sẽ thiếu hụt khoảng 50 triệu m3 gỗ phục vụ sản xuất. Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc "đổ bộ" vào Việt Nam để thu mua gỗ nguyên liệu với số lượng lớn, gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước.

Tranh mua gỗ cao su

Lệnh cấm của Trung Quốc được thực hiện từ năm 2015 theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1, dừng tất cả việc khai thác gỗ thương mại tại các khu vực rừng tự nhiên trọng điểm. Giai đoạn 2, từ đầu năm 2016, dừng khai thác thương mại ở các khu vực rừng tự nhiên do các lâm trường quản lý. Cuối cùng là giai đoạn 3, ngừng toàn bộ việc khai thác gỗ thương mại rừng tự nhiên từ năm 2017. Lệnh cấm có hiệu lực sẽ làm mất đi một lượng cung gỗ tròn tương đương với 49,94 triệu m3 mỗi năm, tác động trực tiếp tới ngành chế biến gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của Trung Quốc.

Giá gỗ nguyên liệu trong nước đã tăng mạnh trong thời gian qua. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã sang Việt Nam thành lập hệ thống thu mua gỗ cao su và keo tràm từ miền Nam ra đến khu vực miền Trung, đặc biệt là tại Tây Nguyên, tạo ra sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ trong nước. Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết, giá một số loại gỗ nguyên liệu đã tăng 10 - 20%, gây sức ép lên các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ. 

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định chia sẻ: “Một số doanh nghiệp trong hiệp hội phản ánh, 90% lượng nguyên liệu gỗ cao su tại Tây Nguyên đã bị các công ty Trung Quốc thu mua. Họ đặt xưởng xẻ ngay tại địa phương, thuê người dân thu mua gỗ nguyên liệu, trả ngay hoặc ứng trước bằng tiền mặt. Từ tháng 9/2016 tới nay, gỗ cao su ở các khu vực này đã tăng từ 20 - 30%”. 

Về vấn đề này, chuyên gia về rừng Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trend cho rằng: “Với lợi thế địa lý, giá nhân công rẻ, cùng hệ thống cảng nước sâu phát triển, Việt Nam có thể trở thành điểm quan trọng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc. Do vậy, trong tương lai đầu tư của các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng nhanh chóng”.

Tăng thuế xuất khẩu 

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp chế biến gỗ miền Trung và phía Nam đang "đứng ngồi không yên” vì nguồn cung nguyên liệu gỗ cao su ngày càng thu hẹp, cạnh tranh mua bán khốc liệt. 

Ông Nguyễn Tôn Quyền- Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp trong hiệp hội đang rất lo lắng...Nếu thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu sẽ rất gay go cho toàn ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ. Chúng tôi đang tập hợp ý kiến, đến cuối tháng 12/2016 sẽ có một bản tổng hợp kiến nghị gửi lên Chính phủ để chấn chỉnh tình trạng này”.

Còn ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho rằng: “Thuế suất gỗ dày trên 30 mm là 20%, dưới mức này là 10%. Việc quy định này dễ dẫn tới gian lận thương mại. Do vậy, nên quy định chung một mức thuế suất là 20%, góp phần chống gian lận thương mại và giảm bớt xuất khẩu gỗ nguyên liệu đang bị thiếu hụt”.

Bên cạnh đó, “Cần có chính sách khuyến khích giao đất để người dân tăng cường trồng rừng, tăng sản lượng rừng trồng. Cùng với đó là chính sách tăng thuế để hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu, đảm bảo nguồn cung cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam”, ông Bùi Như Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương cho biết.

Theo các chuyên gia của Tổ chức Forest Trend, các cơ quan quản lý và hiệp hội gỗ cần tiếp cận nhanh chóng với các nguồn thông tin về đầu tư của các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Từ đó, phân tích nguyên nhân, động thái và đưa ra giải pháp phù hợp với luật pháp quốc gia và cam kết quốc tế, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực cho ngành gỗ Việt Nam.

 Theo Báo tin tức

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu