14:15 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp hàng không Việt Nam chỉ chiếm 12% thị phần logistics

09:46 16/12/2017

(THPL) - Ba doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang chiếm 12% thị phần logistics hàng không, trong khi đó các hãng nước ngoài (58 hãng) chiếm tới 80% trong việc xuất khẩu quốc tế.

Thông tin trên được ông Đỗ Xuân Quang, Tổng giám đốc Vietjet Air Cargo chia sẻ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017 diễn ra ngày 15/12. Ông Quang cho biết thị trường hàng không Việt Nam rất năng động và có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Phát triển vận tải hàng không giúp Việt Nam kết nối với khu vực và thế giới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với khu vực, thế giới. 

Chi phí logistics quá cao!

Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đặt câu hỏi, tại sao cước phí vận chuyển hàng không từ Hải Phòng đi Hồng Kông lại rẻ hơn từ Hải Phòng về Hà Nội?

"Đây là bài toán "con gà quả trứng", chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn, hàng không chưa có đường bay chuyên chở vận tải hàng hoá khiến cước cao. Ngược lại, cước cao khiến doanh nghiệp không sử dụng dịch vụ vận tải hàng không. Vậy thì chúng tôi muốn xem quy hoạch và định hướng dài hạn cho bài toán cước phí hiện tại của hàng không Việt Nam?".

Theo ông Lê Duy Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam) chi phí logistics ở Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20,8% GDP (các nước phát triển từ 9 - 14%), đóng góp khoảng 3% vào GDP. Tỷ lệ thuê ngoài khoảng 35 - 40%, nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự phối hợp, hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với các nhà sản xuất và các nhà xuất nhập khẩu.

Tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP. Trong đó doanh thu của 100 công ty logistics hàng đầu Việt Nam năm 2016 là 8,74 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 15,6%.

studentsweb-adm372-sp10-m002104-images-air-500x500
Doanh nghiệp hàng không Việt Nam chỉ chiếm 12% thị phần logistics. (Ảnh minh họa)

80% "miếng bánh" logistics hàng không nằm trong tay doanh nghiệp ngoại

Hiện vận tải hàng không của Việt Nam chiếm một phần nhỏ trong khối lượng hàng hóa Việt Nam, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Vận tải hàng không đóng góp 3 tỷ USD vào GDP cả nước. Năm 2016, cảng hàng không của Việt Nam thông quan 1,1 triệu tấn hàng hóa, năm 2017 dự kiến là 1,4 triệu tấn. Đến năm 2020, khoảng 2,5 triệu tấn. 

"Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang chiếm 12% thị phần logistics hàng không, trong khi đó các hãng nước ngoài (58 hãng) chiếm tới 80% trong việc xuất khẩu quốc tế. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ", ông Đỗ Xuân Quang lo ngại.

Báo cáo đưa ra tại Diễn đàn cho biết các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này ở Việt Nam như là một xu hướng hiện nay. Có thể kể vài tên tuổi lớn như: DHL Supply Chain, Maersk Logistics, APL Logistics, Nippon Express, Expeditors, Panalpina, Agility, DHL, Global Forwarding, DGF... 

Trong đó, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa, như: dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển... và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế thuê lại.

Xây dựng chiến lược phát triển logistics Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến, nghiên cứu đầy đủ gửi Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, xem xét, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện thành công, phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, từ những phân tích, đánh giá yếu kém, tồn tại của ngành logistics Việt Nam trong thời gian qua, ban tổ chức cần có những biện pháp quyết liệt hơn để đạt mục tiêu trong Quyết định 200 của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Ngoài ra, thời gian tới tiếp tục cắt giảm các thủ tục kinh doanh, điều kiện hành chính thông qua các biện pháp cụ thể. Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải trao đổi, thống nhất với Ngân hàng Thế giới thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá chi phí logistics trong tăng trưởng GDP, chi phí xuất  khẩu hàng hoá Việt Nam và có đề xuất với Chính phủ để giảm thiểu chi phí.

Về dài hạn, Bộ Công Thương cùng Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển logistics Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu