07:54 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Để hoa Đà Lạt vươn ra thị trường thế giới

10:05 29/12/2017

(THPL) - Thời gian qua, ngành sản xuất hoa Đà Lạt đang dần được đầu tư thâm canh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thương hiệu hoa Đà Lạt từng bước tạo được uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển chung, ngành hoa Đà Lạt đứng trước nhiều thử thách...

Theo báo Thanh niên, Sở NN-PTNT Lâm Đồng, so với năm 2005, khi tổ chức festival hoa lần đầu tiên, diện tích trồng hoa của tỉnh đã tăng hơn 10 lần, hiện có khoảng 8.400 ha, riêng TP Đà Lạt khoảng 5.960 ha, chiếm hơn 70% diện tích toàn tỉnh.

Sản lượng hoa tăng hơn 5 lần, đạt trên 3 tỷ cành/năm, doanh thu trung bình từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, có những mô hình cho thu nhập từ 2 - 5 tỷ đồng/ha/năm. Thế nhưng, hiện mới chỉ có 5% sản lượng hoa tươi được xuất khẩu trực tiếp ra các nước.
Làng hoa Đà Lạt...
Hoa Đà Lạt đang dần được đầu tư thâm canh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh minh họa)
Theo báo Sài Gòn giải phóng, hiệu quả và giá trị kinh tế từ cây hoa mang lại cao đã thúc đẩy người dân Đà Lạt chuyển đổi phần lớn diện tích một số cây trồng kém hiệu quả khác sang sản xuất hoa. Tuy nhiên, sản phẩm hoa của các nông hộ sản xuất theo hình thức truyền thống không thể xuất khẩu, do diện tích sản xuất nhỏ, chỉ bán được thị trường trong nước, chủ yếu thông qua các chợ đầu mối tại TPHCM. 
 
Theo ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện người trồng hoa Đà Lạt còn gặp nhiều trở ngại về vốn đầu tư, giống bản quyền cũng như thị trường tiêu thụ. Để đầu tư 1.000m² nhà kính theo đúng nghĩa công nghệ cao thì phải mất 3-4 tỷ đồng, giá trị đầu tư trên đất cao, khó thế chấp để vay vốn. Bên cạnh đó, khó khăn trong đóng gói, bảo quản, khiến hao hụt sản phẩm cao. Tính chất nhỏ lẻ, manh mún từng nông hộ nên không đủ khả năng đáp ứng được những hợp đồng xuất khẩu với những yêu cầu nghiêm ngặt về số lượng và chất lượng. 
 
Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm, thông tin: “Muốn xuất khẩu hoa một cách bài bản phải có bản quyền về giống. Phần lớn hoa sản xuất tại Việt Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng không vào được thị trường các nước do “tắc” ở khâu này”.
 
"Xuất khẩu ra thị trường mà không có giấy phép bản quyền, người ta sẽ không nhập khẩu, đây là lý do phần lớn hoa sản xuất tại Việt Nam không vào được thị trường các nước. Mua hẳn bản quyền giống hoa thì chúng ta không đủ tiền, nhưng mua trong khoảng 15-20 năm thì nằm trong khả năng. Việc liên kết giữa người trồng với tổ hợp tác hoặc một đơn vị đứng ra làm đầu tàu cũng sẽ giúp giải quyết được các đơn hàng lớn mà mỗi hộ dân không thể tự đáp ứng được. Bởi vậy, liên kết trong sản xuất là hướng đi tất yếu nếu hoa Đà Lạt muốn mở rộng ra thị trường quốc tế." - ông Bảo nói.
 
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chìa khóa để hoa Đà Lạt có thể thâm nhập thị trường nước ngoài và đứng vững trong nước chính là giống và công nghệ trồng, công nghệ sau thu hoạch. Tỉnh Lâm Đồng đang tập trung hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ giống hoa mới nhất, giống có bản quyền từ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp để tăng sản lượng xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh công nghệ đóng gói bảo quản, truy xuất nguồn gốc các loại hoa (bao gồm hoa cắt cành và hoa chậu). Hiện mới có khoảng 5% sản lượng hoa Đà Lạt xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế, địa phương đặt ra chỉ tiêu tới năm 2020 sẽ có khoảng 20% sản lượng hoa xuất khẩu ra thị trường thế giới.
 
"Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 có thể xuất khẩu khoảng 20% sản lượng hoa ra thị trường thế giới. Do đó, tỉnh đang tập trung hỗ trợ nông dân tiếp cận giống hoa mới, giống có bản quyền từ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp' - ông Sơn cho biết.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu