23:48 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đằng sau việc Fed lỡ hẹn tăng lãi suất

18:41 23/09/2016

(DNVN) - Tại cuộc họp kéo dài trong hai ngày 20-21/9/2016, các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tranh cãi quyết liệt về cách thức cắt giảm các chính sách hỗ trợ kinh tế và quyết định chưa tăng lãi suất mặc dù đa số thành viên kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Fed - Janet L. Yellen cho biết, kinh tế Mỹ đang tăng nhanh và vững chắc nhưng vẫn còn dư địa để phát triển với tốc độ cao hơn, nên chưa vội thắt chặt tiền tệ. Đa số quan chức cũng có lập luận tương tự khi cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang hưởng lợi nhờ lãi suất thấp, nhất là khi lạm phát tiếp tục tăng chậm. Tuy nhiên, một số quan chức lo lắng khi cho rằng, Fed đã trì hoãn quá lâu khi cân nhắc đưa lãi suất trở lại trạng thái bình thường. Lãi suất thấp sẽ khuyến khích đầu cơ tài chính, bất động sản thương mại và những hậu quả khó lường khác.

Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ được tiến hành vào tháng 11 tới đây, khoảng một tuần lễ trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất sẽ được xem xét tại cuộc họp vào giữa tháng 12, chủ yếu dựa trên diễn biến của các chỉ số kinh tế chủ chốt.

Các quan chức cũng lo ngại những bất ổn bắt nguồn từ sự kiện “Brexit”, và đây cũng là một lý do cơ bản khiến Fed chưa tăng lãi suất. Hơn nữa, các quan chức Fed cũng muốn duy trì môi trường ổn định trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và cho rằng, quyết định tăng lãi suất có thể gây ra những tác động lớn trong nền kinh tế.

Tại cuộc họp này, các quan chức Fed đã đưa ra nhận định và dự báo khác nhau về xu hướng lãi suất trong tương lai. Trong đó, hầu hết các quan chức Fed dự báo, lãi suất sẽ đạt 1,9-2,9% vào cuối năm 2018, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng tới 3,4% vốn được Fed đưa ra trước đó ít ngày.

Các quan chức Fed cũng lo ngại, xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu hiện nay sẽ cản trở những nỗ lực của Fed trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế, lạm phát sẽ khó chạm ngưỡng 2% như mục tiêu đề ra. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường giảm cũng nghĩa là, mức lãi suất “bình thường” mà Fed hướng tới sẽ thấp hơn so với lãi suất bình thường trong thời kỳ trước khủng hoảng.

So với nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) tại những nước phát triển khác, Fed vẫn có nhiều cơ hội để tăng lãi suất. Cụ thể là, một số NHTW hiện đang phải vật lộn với khó khăn trong việc thúc đẩy lạm phát trong bối cảnh lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế yếu ớt.

Ngày 21/9/2016, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo tiếp tục các biện pháp đầy gian nan nhằm hỗ trợ tăng lạm phát lên trên mục tiêu 2% như đề ra hiện nay. Tuy nhiên, đây là mục tiêu khó khăn và thị trường còn nghi ngờ vào tính khả thi của giải pháp đề xuất. Trong thời gian gần 12 tháng qua, giá cả tại Nhật Bản giảm tới 0,5%, bất chấp các biện pháp của chính phủ về kích thích tăng trưởng. Tại cuộc họp gần đây, NHTW châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong năm nay và năm sau. Các quan chức NHTW Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều cho rằng, thị trường dựa dẫm quá mức vào chính sách tiền tệ, cần tăng cường phối hợp các biện pháp chính sách tài khóa với cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng, đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế độc lập.

Các quan chức Fed cũng lo ngại, quyết định tăng lãi suất sẽ khiến USD tăng giá và nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh, trầm trọng thêm cán cân thương mại vốn đang bị thâm hụt ở mức cao. Trong khi đó, châu Âu đang tìm cách thúc đẩy nhu cầu nội khối để chống lại những tác động bất lợi đến hoạt động thương mại do sự kiện “Brexit” gây ra, điều này cũng khiến nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ giảm đáng kể. Trung Quốc đang điều chỉnh mô hình sang dựa vào tiêu dùng trong nước, nhưng tốc độ chuyển biến rất chậm chạp và quốc gia này vẫn tiếp tục phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu, trong đó Mỹ là thị trường quan trọng nhất.

Vấn đề tăng trưởng chậm chạm của kinh tế thế giới trở nên nan giải hơn với thực tế đáng buồn là, các nhà tạo lập chính sách tiền tệ tại Nhật Bản và Liên minh châu Âu không còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù NHTW Nhật Bản (BoJ) và ECB đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục dưới 0% và bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế, nhưng không mang lại hiệu quả đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. Trong bối cảnh như vậy, chính sách tài khóa sẽ có vai trò lớn hơn. Tuy nhiên, chính sách tài khóa chỉ có thể giúp các nước phát triển duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định như hiện nay mà thôi.

Quyết định chưa tăng lãi suất cũng phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ vọng của thị trường và chính nền kinh tế Mỹ, khiến USD tăng quá cao và các nhà đầu tư trên thế giới đều hướng dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh vào thị trường Mỹ và USD, tiếp tục gây quá tải cho nền kinh Mỹ. Điều này đòi hỏi Fed phải điều chỉnh chính sách theo hướng dẫn dắt thị trường, hạn chế dần những phản ứng bất lợi của thị trường đối với nền kinh tế Mỹ, thậm chí cần rà soát lại cách tính toán các chỉ số kinh tế.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế quốc tế, khi Fed tăng lãi suất cơ bản vào cuối tháng 12/2015, chấm dứt thời kỳ duy trì lãi suất gần bằng 0% trong suốt thời gian 7 năm trước đó, các quan chức Fed về cơ bản đều có chung nhận định, Fed có thể tăng lãi suất tới 4 lần trong năm 2016. Họ nghĩ rằng, kinh tế Mỹ đã phục hồi đáng kể và lạm phát đang tiến sát mục tiêu đề ra - là thời điểm để bắt đầu tăng lãi suất về mức bình thường vốn được duy trì trong thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ không tăng nhanh như kỳ vọng, lạm phát chưa có dấu hiệu tăng vững. Vì thế, Fed không thể tăng lãi suất trong năm nay, dù chỉ một lần. Sau 7 năm phục hồi kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống còn 4,9% - mức bình thường trong lịch sử. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy, kết quả thất nghiệp 4,9% này chỉ tính đến số người đang tìm kiếm việc làm, bỏ sót hàng triệu thanh niên không có việc làm.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu