04:25 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đại gia bí ẩn nào thâu tóm Công ty Gang Thép Thái Nguyên?

11:08 05/03/2019

(THPL) – Công ty Thái Hưng là một đại gia bí ẩn, một cái tên mới nổi lên trong ngành thép bất ngờ thực hiện thương vụ mua cổ phiếu tại TISCO để trở thành cổ đông lớn nhất nhì tại doanh nghiệp này.

Ai thâu tóm TISCO?

Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) từng được xem là “cánh chim đầu đàn của ngành luyện kim Việt Nam” và cũng từng là thương hiệu số 1 Việt Nam về thép xây dựng… Nhưng chỉ sau 10 năm, doanh nghiệp này đã đứng trên bờ vực thẳm và phải tính đến khả năng thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại đây.

Để rồi vào cuối tháng 4/2017, Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng (gọi tắt là Công ty Thái Hưng) đã hoàn tất thương vụ mua vào 17.817.900 cổ phiếu TIS từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), với giá bình quân 11.216 đồng/cổ phiếu và mua thêm 290.000 cổ phiếu qua sàn, nâng lượng sở hữu tại Tisco từ 14,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,72%) lên 32,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 17,55%.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hưng được bầu làm Chủ tịch HĐQT TISCO.

Chỉ sau đó ít ngày, đầu tháng 5/2017, Thái Hưng lại tiếp tục mua vào 4,5 triệu cổ phiếu TIS, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 36,8 triệu cổ phiếu, chiếm 20% vốn điều lệ của Tisco.

Lúc này, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) là cổ đông lớn nhất tại Tisco (nắm giữ 42,11% cổ phần) và cổ đông lớn thứ hai là Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng. Tuy nhiên, đại gia Thái Hưng chưa hài lòng với vị trí hiện tại. Và tiếp tục muốn nhòm ngó để ‘nẫng’ nốt số cổ phần của TISCO đang nằm trong đại gia số 1 ngành thép là VnSteel.

Ngày 29/6/2017, tại tỉnh Thái Nguyên, Đại hội đồng cổ đông bất thường TISCO (mã TIS - UpCOM) chính thức khai mạc. Tại đại hội này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hưng được bầu làm Chủ tịch HĐQT TISCO nhiệm kỳ 2014-2019.

Đây là một trong những bước đi để thực hiện phương án tái cơ cấu lại TISCO sau khi SCIC đã hoàn tất thoái vốn. Thế nhưng, mới đây TISCO bị Thanh tra Chính phủ thanh tra chỉ ra một số sai phạm tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của doanh nghiệp này.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại dự án Gang thép Thái Nguyên (TTCP đã chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ngày 14/11/2017).

Ngoài ra, Công ty CP luyện thép Gia Sàng (phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên) đang xôn xao câu chuyện sản xuất thua lỗ. Thế nhưng Công ty Thái Hưng lại thực hiện thương vụ ký kết với doanh nghiệp này.

Cụ thể, năm 2013 với số nợ không có khả năng thanh toán lên tới hơn 120 tỷ đồng, trên 300 lao động mất việc làm, tài sản thì bị mất trộm…Để tìm lối thoát, thép Gia Sàng đã tìm được đối tác lớn - Công ty Thái Hưng. Ngày 22/7/2016, Công ty CP luyện cán thép Gia Sàng và Công ty Thái Hưng đã đã có ký kết hợp tác bàn giao tài sản và hợp tác sản xuất.

Sau khi kiểm kê tài sản của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, đại diện các bên đã có văn bản bàn giao gồm khu đất 22,6 ha với 5 giầy quyền sử dụng đất cùng tất cả tài sản trên diện tích đất.

Đổi lại, Công ty Thái Hưng sẽ tự bỏ tiền đầu tư để tái khởi động sản xuất thép cán tại nhà máy tiếp nhận từ Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng, và từng bước có phương án xử lý khoản nợ không có khả năng thanh toán lên tới hơn 120 tỷ đồng, xử lý những vấn đề doanh nghiệp này không giải quyết được trong thời gian trước, tạo điều kiện việc làm cho 300 công nhân của thép Gia Sàng.

Khu đất của Nhà máy thép Gia Sàng bị điều chỉnh thành nơi xây shophuose, biệt thự. (ảnh: Vạn Xuân)

Không chỉ vậy, TISCO là cổ đông nắm giữ 39,66% cổ phần tại Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng. Sau ký kết, hàng trăm công nhân của thép Gia Sàng vui mừng được trở lại làm việc. Tuy nhiên, sau khi tưng bừng khôi phục sản xuất, từ trung tuần tháng 6/2017 Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng lại tạm dừng mọi hoạt động.

Điều đáng nói là chưa biết bao giờ thép Gia Sàng mới khôi phục sản xuất, thì dư luận lại xôn xoa tiếp chuyện doanh nghiệp Thái Hưng xin chuyển đổi lô đất 22,6ha từ đất công nghiệp sang đất ở để phân lô bán nền.

Việc phân lô bán nền này từng được bà Nguyễn Thị Vinh – Tổng giám đốc công ty Thái Hưng xác nhận với Tạp chí Nhà đầu tư vào cuối tháng11/2017. Vậy Công ty Thái Hưng là ai mà có thể xoay chuyển một doanh nghiệp, một dự án như vậy?

Thái Hưng - đại gia bí ẩn

Công ty Thái Hưng là cái tên mới nổi lên trong ngành thép. Tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ kim khí Thái Hưng được thành lập ngày 22/5/1993 theo Quyết định số 291/QĐ-UB của UBND tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Sau 10 năm hoạt động, năm 2003, Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Kim khí Thái Hưng chính thức chuyển đổi thành mô hình Công ty cổ phần như hiện nay.

Hoạt động chính của Công ty Thái Hưng là sản xuất phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng; kinh doanh thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản; dịch vụ vận tải, khách sạn, nhà hàng… Doanh nghiệp ‘bí ẩn’ này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Công ty Thái Hưng có thể xem là doanh nghiệp gia đình, do ông vợ chồng ông Nguyễn Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Cải sáng lập. Riêng bà Cải được biết đến là người “đàn bà thép” có khả năng làm khuynh đảo thị trường nơi “đất thép”.

Ngoài ông Nguyễn Văn Tuấn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, anh trai và 2 chị gái của ông Tuấn đều là thành viên HĐQT và là Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Công ty Thái Hưng. Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc của Thái Hưng và cũng là chị gái ông Tuấn hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Việt Ý.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

UY VŨ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu