12:56 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Công ty Trung Chính “ẵm” nhiều gói thầu “khủng”: Có hay không “thỏa thuận” dự thầu?

13:37 06/01/2020

(THPL) - Ngay trong tháng 12/2019 này, có ít nhất 04 nhà thầu thường “sát cánh song hành”, vừa là “đối tác liên danh”, vừa là “đối thủ cạnh tranh” với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính. Đó là Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long, Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75, Công ty TNHH MTV xây dựng 99, CTCP - Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long. Việc nhà thầu cạnh tranh trước cơ hội trúng thầu là rất bình thường, nhưng sẽ là mối nguy nếu là đây những cuộc bắt tay, dàn xếp hồ sơ để giúp nhau trúng thầu và lúc này việc lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu chỉ là màn kịch mang tính hình thức mà thôi!

Khăng khít

Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính được thành lập năm 2007 (có trụ sở tại đường Khuất Duy Tiến, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội), do ông Trần Quang Việt làm Tổng Giám đốc, các thành viên góp vốn gồm có ông Trần Quang Việt (60 tỷ đồng, chiếm 30%), ông Hồ Sỹ Hòa (110 tỷ đồng, chiếm 55%), ông Hồ Văn Hương (30 tỷ đồng, chiếm 15%); Còn lại, Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long do ông Trần Việt Khoa làm Tổng Giám đốc; Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75 do ông Đào Ngọc Ký làm Chủ tịch HĐQT, ông Phùng Văn Tình làm Giám đốc; Công ty TNHH MTV xây dựng 99 do ông Phạm Văn Trường làm Giám đốc; CTCP - Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long do ông Lê Hồng Chiến làm Chủ tịch HĐQT. Mối quan hệ trúng, trượt, dự thầu giữa các nhà thầu này được thể hiện như thế nào?

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái làm nghi thức khởi công gói thầu xây dựng cầu Cổ Phúc mà nhà thầu Trung Chính đã trúng.

Trước hết có thể thấy, ngày 17/12/2019 Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có Quyết định số 1331/QĐ-BQLCTGT lựa chọn Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng số 12 – Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính – Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long thực hiện gói thầu số 03 – “Thi công xây dựng đường, cầu vượt đường Vành đai 3 + nhánh ramp” với giá là 154.814.505.000 đồng (giá gói thầu là 161.803.390.000 đồng). Theo văn bản do ông Nguyễn Chí Cường – Phó Giám đốc Ban ký thì, trong số nhà thầu trượt có CTCP – Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long với lý do “hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm nêu trong hồ sơ mời thầu (chứng chỉ năng lực xây dựng, công nhân tham gia thi công không đáp ứng yêu cầu);

Kế sau đó 03 ngày, tức ngày 20/12/2019, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội có Quyết định số 526/QĐ-BQLDADD&CN và theo văn bản do ông Lê Văn Bính – Phó Giám đốc Ban ký thì CTCP – Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long đã trúng gói thầu số 16 – “Thi công xây dựng cầu vượt nút giao Láng Hạ - Giảng Võ (gồm các hạng mục: cầu vượt, đường dẫn, hệ thống chiếu sáng cầu) dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, TP Hà Nội – giai đoạn 1” với giá là 158.834.201.766 đồng (giá gói thầu là 160.458.474.000 đồng). Điểm nhấn đáng chú ý là, ở gói thầu này, Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75 xếp hạng thứ 2, còn Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thì được đánh giá rất thấp, trong hồ sơ dự thầu nhà thầu bố trí 2/6 công nhân tổ lắp ráp cầu, không bố trí công nhân tổ thợ nề, không bố trí tổ trưởng, bố trí số lượng công nhân không phù hợp với biểu đồ tiến độ thi công; hồ sơ dự thầu có tổng điểm được đánh giá là 47,5/100 điểm (trong đó: tính khả thi của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công phù hợp với đề xuất tiến độ thi công đạt 26/60 điểm, các biện pháp đảm bảo chất lượng đạt 2,5/10 điểm, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó đạt 3/6 điểm).

Đánh giá là vậy, thực tế năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu Trung Chính được thể hiện rõ ở nhiều gói thầu khác, như theo Quyết định số 2395/QĐ-BGTVT ngày 23/12/2019 và văn bản do ông Nguyễn Vũ Ký – Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Bộ GT&VT) thì, Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 – Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính đạt 81,5 điểm kỹ thuật và trúng gói thầu XL9 – “Xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km78+000 – KM81+500 (bao gồm các cầu Khe Thương, Tuần, Châu Ê, cầu vượt TL12B, cầu vượt QL49, cầu vượt tránh Huế), dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn” với giá là 623.015.763.890 đồng (giá gói thầu là 633.232.815.527 đồng). Còn danh sách nhà thầu trượt đáng chú ý nhất là Liên danh Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn – Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75 với lý do là đơn dự thầu không đáp ứng yêu cầu, không đáp ứng yêu cầu về hợp đồng tương tự, sử dụng nhà thầu phụ; đặc biệt là có sự xuất hiện của CTCP - Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long  với lý do nhà thầu có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng không đáp ứng yêu cầu, nhà thầu kê khai hợp đồng tương tự không đáp ứng – giá trị hoàn thành là 140,379 tỷ đồng trong khi yêu cầu là 444 tỷ đồng, nhà thầu không kê khai bố trí nhân sự, không kê khai và cũng không có xác nhận của cơ quan quản lý thuế hoặc tài liệu chứng minh không nợ thuế, nhà thầu không kê khai nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu và doanh thu bình quân không đạt theo yêu cầu (!?)

Gói thầu xây dựng cầu Hòa Bình 2 cũng đã được nhà thầu Trung Chính khởi công

Còn tại gói thầu Xây dựng cầu Hòa Bình 2, TP Hòa Bình, Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công Ty TNHH Đầu tư Xây dựng Lâm Việt - Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật điện và Xây dựng Hà Nội đã trúng với giá là 473.929.134.000 đồng (giá gói thầu là 476.577.035.000 đồng), trong số nhà thầu trượt đáng chú ý là sự góp mặt của Liên danh Công ty TNHH MTV xây dựng 99 – Công ty cổ phần 473 với lý do “không hợp lệ theo yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm”.

Năng lực thực tế ra sao?

Ở khía cạnh về tài chính, được biết, tổng doanh thu trong vòng 03 năm (2016, 2017, 2018) của CTCP - Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long là 377,755 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV xây dựng 99 là 369,134 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính là 1.409,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long là 530,39 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75 là 511,07 tỷ đồng.

Như đã nêu, chỉ trong tháng 12/2019 nhà thầu Trung Chính đã trúng nhiều gói thầu lớn, các nhà thầu trượt cũng không phải là thua kém lớn về năng lực và kinh nghiệm, thế nhưng hồ sơ dự thầu lại có dấu hiệu của việc lập hồ sơ một cách sơ sài. Vì sao vậy, là sự vô tình hay hữu ý khi các nhà thầu đang là liên danh với với nhau? Hay như việc, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội đánh giá hồ sơ dự thầu của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính có tổng điểm được đánh giá là 47,5/100 điểm. Là nhà thầu chuyên nghiệp, tham dự hàng chục gói thầu mỗi năm với hàng nghìn tỷ đồng thì lý do được đưa ra là gì?

Cũng nói thêm về sự cẩn trọng, có thể thấy tại gói thầu số 21 - “Thi công xây dựng cầu Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái” do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Yên Bái mời thầu. Theo Quyết định số 106/QĐ-BQLDA ngày 16/12/2019 thì, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính đã trúng thầu với giá 197.471.289.000 đồng (giá gói thầu là 198.518.446.000 đồng). Còn lại, vẫn là những nhà thầu quen thuộc trượt là Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long xếp hạng thứ 2; Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75 với lý do, Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75 đã đưa vào hồ sơ dự thầu hợp đồng số 04/2018/HĐ-KNCT ngày 30/9/2012 (hoàn thành trước năm 2016, quá 03 năm, không phù hợp với yêu cầu), hợp đồng số 64/2012/HĐ-XD ngày 28/11/2012 (không đáp ứng vì đây là hợp đồng công trình cầu cấp III không tương tự về bản chất và độ phức tạp theo yêu cầu), hợp đồng số 03/2015/HĐ-XL ngày 14/2/2015 (không đáp ứng do công trình có kết cấu dầm hộp và dầm vòm đúc trên đà giáo không tương tự về bản chất và mức độ phức tạp).

Và, một điểm nữa là, trong hồ sơ dự thầu gói thầu xây dựng cầu Hòa Bình 2 (tỉnh Hòa Bình) và tại gói thầu xây dựng cầu Cổ Phúc (tỉnh Yên Bái), đều được khởi công cách đây hơn 10 ngày, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính có đề xuất nhân sự trùng nhau, như trường hợp ông Hồ Văn Hương, ông Trần Bá Quỳnh,…

Để trả lời cho câu hỏi, các nhà thầu nêu trên có “bắt tay thỏa thuận dự thầu” hay không, rất cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền. Bởi trước đó, nhằm chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 47/CT-TTg, cùng với đó Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu. Trong đó, Chỉ thị đã nêu rõ các hành vi vi phạm chưa được giải quyết triệt để, tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như “dàn xếp”, “quân xanh”, “quân đỏ”, quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong hồ sơ mời thầu, đặc biệt tình trạng cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu vẫn tiếp diễn, chưa được khắc phục. Và cũng cần làm rõ thêm về vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu và của người có thẩm quyền trong việc thực thi Chỉ thị cũng như quá trình lựa chọn nhà thầu các gói thầu nêu trên như thế nào?!

(còn nữa...)

HUÊ MINH - HOÀNG TUYẾT

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu