09:56 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Công ty Phong điện Tây Nguyên xin bổ sung vào quy hoạch 02 nhà máy điện gió

09:52 21/02/2019

Ngày 31/1/2019, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương đã ký văn bản số 748/BCT-ĐL và văn bản số 749/BCT-ĐL gửi các bộ, ngành tham gia ý kiến đối với hồ sơ bổ sung dự án Nhà máy điện gió Chư Pưh – Phong điện Tây Nguyên và dự án Nhà máy điện gió Chư Sê – Phong điện Tây Nguyên vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Tuy nhiên, từ bản thuyết minh hai dự án do Viện Năng lượng lập đã cho thấy có nhiều điểm … rất lạ!

Bản sao hoàn hảo

Trên cơ sở văn bản số 905/SCT-QLNL ngày 15/8/2018 của Sở Công thương, ngày 24/8/2018 UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản số 1870/UBND-CNXD trong đó đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Phong điện Tây Nguyên được lắp đặt cột đo gió để khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió tại ba huyện: Chư Pưh, Chư Sê và Đăk Đoa.

Theo bản thuyết minh do Viện Năng lượng lập thì dự án Nhà máy điện gió Chư Sê – Phong điện Tây Nguyên được xây dựng tại xã Ia Glai (huyện Chư Sê), có quy mô là 399 ha, công suất là 200MW – 40 tua bin, tổng vốn đầu tư khoảng 6.880.589.000.000đ; Còn dự án Nhà máy điện gió Chư Pưh – Phong điện Tây Nguyên được xây dựng tại xã Ia Phang và Ia Le (huyện Chư Pưh), có quy mô là 969,2ha, công suất là 300MW-60 tua bin, tổng vốn đầu tư khoảng 10.636.303.000.000đ.

Có thể nói đây là hai dự án khác nhau, có vị trí xây dựng, mức đầu tư,… khác nhau. Nhưng xét hai bản thuyết minh về hai dự án do ông Hoàng Tiến Dũng - Viện trưởng Viện Năng lượng ký thì có một số điểm không trùng nhau, còn lại trùng đến từng… câu chữ!

Hai vị trí cách nhau khoảng 30km

Cụ thể, bản thuyết minh dự án Nhà máy điện gió Chư Pưh – Phong điện Tây Nguyên có 125 trang, còn dự án Nhà máy điện gió Chư Sê – Phong điện Tây Nguyên có 119 trang, cả hai hồ sơ đều được chia làm 9 chương và trùng nhau, gồm: Cơ sở pháp lý; Tiềm năng năng lượng gió tại khu vực dự án; Tổng quan, diện tích, quy mô và diện tích xây dựng công trình; Sự cần thiết xây dựng công trình; Các giải pháp và kiến nghị bổ sung; Đánh giá tác động môi trường; Tiến độ xây dựng và tiến độ thực hiện; Tổng mức đầu tư nhà máy; Và cuối cùng là phân tích hiệu quả kinh tế tài chính.

Vậy, những bộ, ngành được lấy ý kiến có suy nghĩ gì về những điểm trùng nhau như một bản sao về hai hồ sơ thuyết minh? Có hay không sự tắc trách hay việc lập hồ sơ lấy ý kiến bộ ngành chỉ là việc làm mang tính chất… đại khái, lấy lệ???

 Doanh nghiệp có gì đáng chú ý

Như đã nêu, để xây dựng được hai nhà máy đòi hỏi một khoản tài chính khá lớn, buộc chủ đầu tư phải sắp xếp vốn và nguồn vay từ các tổ chức tín dụng.

Theo bản thuyết minh, trong giai đoạn này nguồn vốn đầu tư cho dự án là chưa xác định, để có số liệu phục vụ công tác phân tích kinh tế tài chính dự án, ở đây tạm tính với các giả thiết: Vốn tự có của chủ sở hữu chiếm 20%. Vốn vay là chiếm 80%. Đối với vốn vay, do dự án đầu tư nước ngoài, nguồn vốn vay sẽ được nhà thầu tự quyết định từ các nguồn vốn của nhà đầu tư có thể tiếp cận tại nước sở tại hoặc các tổ chức tín dụng quốc tế.

Văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Gia Lai

Về năng lực của chủ đầu tư, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thì Công ty cổ phần Phong điện Tây Nguyên được thành lập từ năm 2009, do ông Lê Trung Tín là người đại diện. Công ty có vốn điều lệ là 110.000.000.000đ. Trong đó, Công ty TNHH Hưng Tín (cũng do ông Lê Trung Tín là người đại diện) góp 60.500.000.000đ, cá nhân ông Lê Trung Tín góp 48.400.000.000đ, còn lại ông Lê Trí Tuệ (địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú trùng với địa chỉ nơi ở hiện tại của ông Lê Trung Tín) góp 110.000.000đ.

Theo như văn bản số 905/SCT-QLNL ngày 15/8/2018 của Sở Công thương gửi UBND tỉnh Gia Lai thì nhà đầu tư có kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng dự án điện gió tại Việt Nam, hiện đang triển khai đầu tư xây dựng dự án điện gió Phước Hữu, có công suất 30 MW tại tỉnh Ninh Thuận.

Còn theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư thực sự của dự án điện gió Phước Hữu là  Công ty TNHH Hưng Tín. Ngày 17/8/2018, Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản số 2750/KL-SKHĐT Kết luận thanh tra dự án đầu tư Nhà máy điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1. Theo đó, Công ty TNHH Hưng Tín đã có một số vi phạm đáng chú ý là: Không thực hiện đúng nội dung Quyết định chủ trương đầu tư số 214/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 do UBND tỉnh Ninh Thuận cấp; chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa hoàn thành thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng và phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở; chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất; chưa thi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án; chưa mua sắm, lắp đặt máy móc, thiết bị, vận hành thử nghiệm;… Như vậy, tiến độ triển khai thực hiện hoàn thành đưa dự án vào hoạt động chậm 13 tháng so với quy định tại Khoản 8, Điều 1 của Quyết định chủ trương đầu tư…. Ngoài ra còn nhiều vi phạm khác, cụ thể và chi tiết sẽ được nêu trong bài tiếp theo!

Trở lại hồ sơ thuyết minh và kết quả khảo sát thực tế có thể dễ dàng nhận ra nhiều điểm cần chú ý! Vậy, việc bổ sung quy hoạch hai dự án nhà máy điện gió này có điểm gì chưa hợp lý, những điểm nào sẽ tác động tiêu cực đến môi trường? Các giải pháp, tính toán mà nhà đầu tư đưa ra liệu có ổn thỏa, và dự án có thực sự khả thi hay chỉ là "chiếc bánh vẽ"?

Những nội dung này sẽ được Thương hiệu và Pháp luật thông tin ở bài tiếp theo!

VĂN NGHĨA

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu