19:45 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Có nên trồng tỏi voi Nhật Bản tại Lý Sơn?

17:28 30/11/2017

(THPL) - Từ lâu, thương hiệu tỏi Lý Sơn đã vươn xa khắp nước và ra nhiều nơi trên thế giới. Với việc đưa tỏi Nhật vào trồng “cạnh tranh” trực tiếp với tỏi Lý Sơn trên hòn đảo có diện tích đất trồng tỏi rất ít ỏi này, cơ may tồn tại và phát triển của tỏi Lý Sơn trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu khảo sát để đưa giống tỏi voi của Nhật Bản ra trồng trên đảo Lý Sơn.

Cụ thể, Phó chủ tịch thường trực Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH CAN Holdings (Nhật Bản). Ông Tadashi Yoshii, Tổng giám đốc công ty này giới thiệu giống tỏi voi có năng suất khoảng 4-5 tấn/ha, giá mỗi kg khoảng 180.000 đồng.

Theo báo Tiền Phong, TS Lê Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nông học – ĐH Nông Lâm Huế) tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin Quảng Ngãi sẽ cho phép giống tỏi voi Nhật Bản vào trồng tại huyện đảo Lý Sơn.

Anh_1_gui_zing_2
Vùng trồng tỏi Lý Sơn - đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Internet

Theo ông Dũng, tỏi Lý Sơn là đặc sản, nổi tiếng không chỉ trong nước. Đây là giống tỏi quý, chỉ có điều kiện tự nhiên của Lý Sơn mới sản sinh ra được. Phải qua nhiều đời, người dân đảo Lý Sơn mới tuyển chọn được giống tỏi quý này. Trong đó, đặc biệt nhất là loại tỏi “cô đơn” một củ, có giá trị rất cao, có thời điểm lên tới 2 – 3 triệu/kg. Đây là một trong những giống địa phương tốt nhất hiện nay cần được bảo vệ và phát triển. Việc chủ trương trồng tỏi Nhật Bản trên đảo Lý Sơn, theo nhà nông học này, đó là xu hướng chung hiện nay ở nước ta là thích “của ngoại” và thường nghĩ rằng giống ngoại là tốt nhất.

“Nhập đâu thì nhập nhưng nhập vào Lý Sơn thì không nên. Nếu nhập giống tỏi voi Nhật Bản vào sẽ làm mất tỏi Lý Sơn. Hậu quả là con cháu chịu hết, sẽ không còn những sản vật quý nữa”, TS Dũng nói. Bởi theo ông, tỏi Nhật Bản năng suất cao hơn, tỏi Lý Sơn sẽ mất đi vị trí vì không thể cạnh tranh nổi, dần dần sẽ bị diệt vong như các cây trồng khác hiện nay. “Xây dựng một thương hiệu rất khó nhưng để đánh mất một thương hiệu lại rất dễ. Trong thực tế chúng ta đã có những bài học đắt giá về giống. Đơn cử như lúa de An Cựu giờ muốn ăn cũng chịu”.   

Về vấn đề này, chia sẻ với báo Infonet, ông Trần Xuân Định – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: “Trách nhiệm lưu giữ giống cây trồng đặc sản vùng miền là trách nhiệm chung theo Luật Đa dạng sinh học. UBND tỉnh Quảng Ngãi phải có quy định chi tiết về việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển giống tỏi Lý Sơn”.

Ông Phạm Bá – Phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay UBND tỉnh chưa có chủ trương đồng ý cho doanh nghiệp trồng tỏi voi.

“Nếu tỉnh giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có ý kiến về vấn đề này thì chi cục cũng sẽ nói rõ quan điểm là không đồng ý. Bởi vì nếu xét về hiệu quả kinh tế, trồng tỏi voi không phải là cao, vì theo như công ty TNHH CAN Holdings cho biết nếu trồng tỏi voi ở Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ có giá 180 nghìn đồng/kg, còn giá tỏi Lý Sơn bán trong nước giao động từ 110-120 nghìn đồng/kg. Tỏi voi của Nhật Bản nếu xuất khẩu sẽ có giá cao hơn giá tỏi Lý Sơn bán trong nước, tuy nhiên thời gian trồng tỏi voi mất 8 tháng/vụ, còn trồng tỏi Lý Sơn chỉ mất 4 tháng là thu hoạch. Xét về thời vụ, cả hai loại tỏi này đều chỉ có thể trồng mỗi năm 1 vụ, tuy nhiên với việc trồng tỏi Lý Sơn, người dân nơi đây còn 8 tháng để trồng xen 3-4 vụ hành và có thêm nguồn thu nhập từ trồng hành”, ông Bá lý giải.

“Hiện nay UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng như Sở NN&PTNT Quảng Ngãi chưa có ý kiến gì về chủ trương này, các bên chỉ mới ngồi làm việc và ghi nhận ý kiến, sau đó chúng tôi đưa công ty đó đi thực tế vùng trồng tỏi ở Lý Sơn. Quảng Ngãi chưa trồng tỏi voi nên không biết tính hiệu quả như thế nào, điều kiện thổ nhưỡng khí hậu có thực sự phù hợp không. Nếu UBND tỉnh đồng ý trồng thì phải sau 8 tháng trồng đến lúc thu hoạch mới có thể đánh giá được là phù hợp hay không” – ông Bá cho biết thêm.

Ông Trần Xuân Định cho biết, đến thời điểm này Cục Trồng trọt vẫn chưa nhận được báo cáo gì từ tỉnh Quảng Ngãi về việc trồng giống tỏi voi Nhật Bản trên huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Theo ông Định, các công ty, doanh nghiệp làm việc với tỉnh Quảng Ngãi để xúc tiến đầu tư là chuyện rất bình thường. Tỏi thuộc giống rau đã có trong danh mục được phép trồng nên tỉnh Quảng Ngãi không cần xin phép Bộ NN&PTNT khi quyết định trồng giống tỏi này. Việc cấp phép cho doanh nghiệp vào trồng tỏi voi thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, với giống nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh, khi nhập về phải qua cơ quan kiểm dịch. Cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ trực tiếp lấy mẫu để kiểm soát dịch hại.

“Nếu Nhà nước cho phép, giống tỏi Nhật Bản đưa vào vùng khác của Quảng Ngãi thì được.  Riêng Lý Sơn thì đừng. Nếu tỏi Lý Sơn mất thì mất một thương hiệu, mất một dư địa chí cho sản phẩm đặc sản. Diện tích eo hẹp như vậy thì nên độc nhất một giống tỏi Lý Sơn”, TS Lê Tiến Dũng cho biết.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu