07:34 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chuyện lạ tâm linh: Liệu có "Thánh vật" vì "động long mạch" ở làng Vân Gia (Sơn Tây, Hà Nội)?

15:04 29/11/2016

(THPL) - Thời gian qua, dư luận nhân dân xôn xao, tò mò trước thông tin nhiều người ở làng Vân Gia, (phường Trung Hưng, Tp Sơn Tây, TP Hà Nội), đang sống khỏe mạnh bỗng dưng bị "Thánh vật" mà chết, theo đồn thổi là do "động long mạch". Cuộc sống ở ngôi làng này bị đảo lộn kỳ lạ, trở nên tiêu điều và ảm đạm.

Vân Gia là làng cổ, nằm ngay sát đền Và nổi tiếng, thờ thánh Tản. Thật ra cái tên cổ Vân Gia bây giờ không còn được dùng trong các văn bản hành chính nữa bởi từ khi lên phố, làng Vân Gia đã được chia nhỏ ra thành 4 thôn (còn gọi là đội, gồm thôn 5, 6, 7, 8). Tuy nhiên, khi đến Sơn Tây, hỏi tên các thôn, đội trên thì không ai biết, mọi người chỉ biết khi hỏi đến tên làng cũ mà thôi.

Liệu có “Thánh vật” ở làng "động long mạch" Vân Gia?

 Khoảng hai năm qua, người dân làng Vân Gia (phường Trung Hưng, Tp Sơn Tây, Hà Nội), sống trong hoang mang cực độ, vì cứ thỉnh thoảng “thần chết” lại hỏi thăm một gia đình, dòng họ nào đó trong làng, cướp đi một vài mạng người. Những người bị tử thần tước đoạt mạng sống đều còn trẻ và chẳng có bệnh tật, ốm đau gì. Những cái chết rất bất ngờ, khó hiểu và bí ẩn.

Thực tế là vậy, người đã chết ra đi và yên nghỉ, nhưng người sống ở lại không những xót đau mà còn hoảng loạn bởi những cái chết đó chứa đầy sự bí ẩn, ly kỳ. Run rẩy sợ hãi, người dân trong làng, thậm chí cả cán bộ thôn xóm chạy búa xua khắp nơi mời pháp sư cao tay để trấn yểm, những mong quỷ thần buông tha cho những sinh linh tội nghiệp quê mình…

Chuyện lạ tâm linh ở làng Vân Gia (Sơn Tây, Hà Nội) liệu có thật hay không? Ảnh: Facebook

Theo người dân ở làng Vân Gia chia sẻ, thì thời điểm kinh hoàng nhất của chuyện “Thánh thần nổi giận, vật người” ấy đã diễn ra cách đây chừng 2 năm. Thế nhưng, đến bây giờ, những cái chết theo kiểu chẳng đâu vào đâu vẫn cứ lay lắt diễn ra ở làng và trước mỗi cái chết ấy, chuyện cũ kia lại được xới lên khiến mọi người sợ hãi. 

Người dân cũng cho biết, mới đây, ở làng này lại xảy ra vụ án động trời. Một đôi bạn thân chơi với nhau từ thuở cắt cỏ chăn trâu. Một tối, quây quần chén anh chén chú, chỉ bởi chuyện không đâu người này đã cầm dao kết liễu cuộc sống của người kia. Sau vụ án bi thương ấy, người dân ở làng Vân Gia lại xì xào bàn tán về sự "báo ứng - nhân quả" của thánh thần, việc mà họ cho rằng đã diễn ra kinh hoàng thời gian gần đây mà đỉnh điểm là chừng 2 năm về trước.

Theo ông Phùng Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hưng cho hay: "Đúng là từ năm 2007 đến 2009, làng Vân Gia cũ (nay là các tổ dân phố 5, 6, 7, 8 và 9) có khoảng hơn 40 người chết, nhưng chủ yếu là người ở độ tuổi trung niên bị bệnh hiểm nghèo, người già, còn một vài thanh niên chết là do tai nạn. Con số này so với những năm trước có tăng nhưng so với số dân hơn 5.000 người thì không phải là quá nhiều, nhất là cuối năm 2007 có đợt rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục". 

Cũng liên quan đến những điều ông Cường chia sẻ, ông Phùng Minh Sơn - Chủ tịch Hội Người cao tuổi làng Vân Gia - Người trực tiếp giải quyết nhiều trường hợp báo tử cho biết cụ thể hơn về nguyên nhân những cái chết. Chẳng hạn một trường hợp leo cây ngã chết mà dư luận cho rằng bị "thánh phạt", thực ra là người ấy leo cây dừa hái quả nhưng không có dây bảo hiểm. Trường hợp khác là một thanh niên trẻ đi xe máy, đâm vào đống đất ngã chết chứ không phải tự dưng lăn đùng ra chết giữa đường. Với một vài trường hợp khác, có người chết do bệnh tim, có người bị ung thư vòm họng, người thì bị cảm…

Chuyện lạ tâm linh, ly kỳ và khó hiểu ở làng Vân Gia...

 Theo lời kể của ông Phùng Văn Tuấn, Trưởng thôn 8 thì những chuyện khó hiểu khởi nguồn từ năm 2007 (ông Tuấn từng là sĩ quan quân đội, khi rời quân ngũ về quê, ông tham gia công tác ở nhiều vị trí trong chính quyền địa phương, hết làm phó chủ tịch ủy ban phường rồi lại làm phó bí thư Đảng ủy rồi làm cả phó chủ tịch hội đồng nhân dân nữa. Ông nghỉ hưu từ năm 2007, về làm Trưởng thôn 8). 

Thôn có ngôi chùa cổ Vân Gia tọa lạc (còn gọi là Viên Quang tự). Ngôi chùa này nằm trong quần thể đền Và nổi tiếng. Chùa Vân Gia nằm trên đỉnh một quả đồi hình bát úp, thế rồng chầu voi phục, bên trái là khu dân cư, bên phải là gò đất nhỏ có đầm nước trong (thủy tụ minh đường). Chỉ cần phác qua vài nét bề ngoài trên cũng đủ thấy, người xưa đã chọn lựa rất kỹ về mặt phong thủy khi quyết định lấy đất trên làm nơi bái phật. Bởi truyền thống văn hóa lâu đời, bởi sống giữa chốn linh thiêng nên người dân Vân Gia sống hiền hòa, ấm cúng, yên ả từ bao đời nay. 

Tuy nhiên, thời gian qua, theo ông Tuấn, không hiểu vì lý do gì, tai ương đã liên tiếp trút xuống ngôi làng thanh bình này. Theo ông Tuấn đến bây giờ, người dân Vân Gia vẫn cho rằng nguyên nhân của hàng loạt cái chết bí ẩn khiến mọi người kinh hãi thời gian qua chính là do một số hộ dân trong làng đã đào đất ở gần chùa Vân Gia, khiến long mạch vùng đất thiêng này bị ảnh hưởng. Và, chính bởi phạm đến “ngài” nên “ngài” trút xuống đầu dân làng cơn lôi đình khủng khiếp. Buồn thảm thay, sự kiện đau lòng ấy lại rơi đúng vào thời gian ông làm trưởng thôn. Không biết có phải vì lẽ đó hay vì điều gì nữa mà gia đình, dòng họ ông phải chịu nhiều đắng cay, mất mát.

Theo ông Tuấn thì vào đầu năm 2007, những hộ dân sống ở ven quả đồi nơi chùa Vân Gia tọa lạc đã đào đất phía ta luy dương để bán. Thực ra chuyện đào đất đồi bán đã xuất hiện từ đầu năm 2004, thế nhưng năm 2007, khi địa phương tiến hành xây dựng sân bóng ở ngay cánh đồng đối diện chùa thì việc khoét núi mới diễn ra rầm rộ. Để có đất lấp cánh đồng trũng, người ta đã đào cả vài nghìn xe đất từ đồi chùa. Khi đó, biết việc đào bới trên sẽ phá vỡ cảnh quan vốn tồn tại từ lâu đời của mảnh đồi chùa nhưng chẳng ai có thể ngăn cấm. Những hộ dân trên chỉ “khai thác tài nguyên sẵn có” trên trong phần đất của gia đình mình. Khi sân vận động hoàn thành thì cũng là lúc mảnh đất đồi chùa bị cắt vạt một góc sâu hoắm, chỉ chừa lại một bờ ta luy mỏng như người ta đắp tường rào.

Ngay sau khi tiến hành khai thác đất, cảnh yên ấm của làng Vân Gia, đặc biệt ở hai thôn 6 và 8 (nơi chùa Vân Gia tọa lạc) đã không còn nữa. Không hiểu vì lý do gì những chuyện tai ương, chết chóc cứ liên tiếp xảy ra. Lúc đầu, dân làng chỉ coi đó là chuyện không may, chuyện thiệt thòi của những gia đình đến thời mạt vận. Thế nhưng, một thời gian sau, số người chết tăng lên đột biến, người này nối tiếp người kia cứ bất thình lình “rủ nhau” về… bên kia thế giới, thì mọi người thấy lạ, thấy sợ và cuống cuồng đi tìm lời giải cho những cái chết bí hiểm đó. Ông Tuấn kể, những ngày đó, dân làng ông nháo nhác như ong vỡ tổ, như kiến vỡ đàn. 

Trong nỗi đau đớn tột cùng bởi mất người thân còn có nỗi sợ hãi vô hình bởi những cái chết đó mang nhiều bí ẩn với những sự trùng hợp lạ kỳ. Suốt một thời gian dài, cứ đến một ngày cố định dù có giữ gìn, có cẩn trọng tới đâu thì trong làng vẫn phải có một người…“đi”. Những người được “thánh thần”…chỉ mặt gọi tên đó có thể bị tai nạn giao thông, bị tai nạn lao động, thậm chí do sợ hãi chẳng ra khỏi nhà cũng tự dưng lăn quay ra chết. Điều khiếp kinh là những người xấu số đó đa phần là con trưởng, trai đinh.

Phát hiện ra điều trùng hợp hãi hùng đó, mọi người đã run rẩy mường tượng tới những câu chuyện rùng rợn chỉ thấy ở miền cổ tích thuở xưa. Những câu chuyện đó có chung một mô-típ kinh dị ấy là thần linh, quái vật bắt dân làng dâng trinh nữ hoặc trai đinh vào những ngày quy định hằng tháng. Từ chối “giao kèo” đó thì thần linh, quái vật sẽ nổi giận, sẽ trừng phạt dân làng bằng thiên tai hay bệnh dịch thảm khốc lan tràn. 

Thôn 8 khi đó có hơn 200 hộ, thế nhưng từ nửa cuối năm 2007 đến giữa năm 2008 có tới hơn chục người chết và tính tới thời điểm hiện tại thì con số "nhắm mắt xuôi tay" đã là 25 người. Dù luôn sát sao với việc thôn, việc xóm nhưng với số người chết quá nhiều trên thì ông Tuấn không thể nhớ hết được. Bởi thế, ông phải ghi vào sổ, chỉ tên tuổi thôi cũng kín cả trang giấy. Theo ông Tuấn thì từ trước đến nay chưa có khi nào làng có đông người chết đến vậy. 

Người dân ở làng Vân Gia đã sử dụng những lá bùa với hy vọng có thể tránh điều không may xảy ra? Ảnh: Facebook

Người làng vốn gắn bó, hễ nhà ai có việc lớn nhỏ thì tất thảy mọi người đều xắn tay vào giúp. Thêm nữa, là trưởng thôn, ông Tuấn có trách nhiệm đứng ra tổ chức ma chay cho người xấu số. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông Tuấn bảo, việc ấy khiến ông vô cùng mệt mỏi. Đám này chưa xong đã phải lo tiếp đám kia. Thậm chí, có bận, chiếc xe tang chưa người này ra ngoài đồng chưa kịp đánh về đã có gia đình khác hốt hoảng, khổ đau chạy đến đăng ký. Họ nhận phần bởi sợ người khác tranh mất. Tang tóc là việc trọng, theo phong tục thì việc chôn cất phải được xem xét giờ giấc kỹ lưỡng, cẩn trọng. Thế nên, giờ “thân xác về đất, linh hồn về trời” đã định mà không có xe tang thì nguy khốn lắm.

Họ nhà ông Tuấn cũng không thoát khỏi vòng xoáy tai ương đó. Giọng thiểu não, ông Tuấn bảo: “Họ tôi cũng chết liên tiếp 6 người. Trong đó có 5 người là chết trẻ. Kinh hãi lắm các anh ạ! Người ở làng chết đã đành, người đi xa cũng không thoát khỏi bàn tay của thần chết!”. Ông Tuấn kể, khi đó, ở làng, thấy cảnh người vô cớ chết mỗi lúc một đông, nhiều người đã chọn giải pháp là…lẩn trốn. Họ đi làm ăn xa, càng xa càng tốt những mong cái chết bất ngờ bởi “không gian cách trở” mà không tìm tới mình. Thế nhưng, sự trốn chạy đó là vô ích. 

Ông Tuấn có một người cháu sinh năm 1979 công tác tận thành phố Hồ Chí Minh, làm cho ngành trắc địa. Cái chết bất thình lình của người cháu ấy đến bây giờ ông vẫn chẳng thể lý giải. Cháu ông là người khỏe mạnh, không có bất cứ bệnh tình gì trầm trọng. Thế nhưng, không hiểu vì sao, hôm đó, đang ở công ty, cháu ông bỗng dưng đột tử. Tin cháu ông mất được chuyển về giữa lúc dân làng đang hoang mang bởi những cái chết bất thường diễn ra như ngả rạ ở làng khiến ai cũng thất kinh, thảng thốt. Thân xác cháu ông được chuyển về qua đường hàng không, mọi người đón bằng nước mắt đầm đìa, bằng sự khiếp đảm, hoảng loạn. Người cháu ấy vừa chôn cất, mộ chưa xanh cỏ thì một tin dữ khác lại được chuyển về còn rùng rợn hơn gấp bội. 

Một người cháu khác của ông đi xuất khẩu lao động mãi tận Mã Lai, cũng bỗng nhiên chết bất đắc kỳ tử ngay tại nơi ở trọ. Rơm rớm nước mắt, ông Tuấn bảo, người cháu này ngoan lắm, ông rất quý, rất yêu. Vậy mà ông không được nhìn mặt cháu lần cuối trước khi nó nhắm mắt lìa đời. Người cháu này trước đây đi bộ đội. Hết quân ngũ, anh được tỉnh đoàn giới thiệu đi lao động ở nước ngoài. Trước khi đi, anh mang bao hoài bão về một tương lai rạng ngời, vậy mà… Đón cháu về bằng “hòm gỗ cài hoa”, người nhà ông Tuấn chết lịm. Khi đó, không chỉ họ ông mà cả làng đều tim đập chân run bởi một ý nghĩ: “Thánh thần đã chọn, đã chỉ mặt gọi tên thì dù người làng có ở bất cứ nơi đâu trên cõi dương gian này thì “ngài” cũng “vật chết”, lôi về cho kỳ được!”.

Từ đó, cảnh tang tóc đến giờ ông Tuấn vẫn không thể nào quên được. Đi đâu người ta cũng chỉ bàn tán những chuyện rùng rợn, thảm thương đến thối cả ruột gan. Khi đó, chẳng ai muốn làm ăn gì, cứ quẩn quanh với nỗi sợ hãi mỗi lúc một lớn thêm lên. Khu ông Tuấn ở có đường dẫn ra nghĩa địa. Những ngày ấy, cả khu cứ đóng cửa im ỉm. Ai cũng sợ mở cửa ra thì tà khí của người xấu số “bay” vào nhà mình. 

Khi những cái chết cứ chồng chất, cứ liên tiếp diễn ra, các cơ quan đoàn thể ở địa phương cũng như… ngồi trên chảo lửa. Ông Tuấn kể, đầu tiên là Hội người cao tuổi của làng vào cuộc. Chọn ngày đẹp, dân làng làm lễ rồi lũ lượt kéo nhau lên Đền Và, khẩn cầu đức Thánh Tản giang tay che chở. Buổi cúng lễ ấy có tới hơn 40 người tham gia, mặt ai cũng thảm thương, ủ dột. Tuy nhiên, việc ấy chẳng giải quyết gì, tai ương vẫn không ngừng tiếp diễn, người vẫn nối người xô nhau về cõi vĩnh hằng. Lúc đó, bởi nghĩ cứu mình trước khi… giời cứu, dân làng mạnh ai người ấy đi tìm thầy tướng, thầy cúng để cầu mong sự bình an đến với mình. Và, tất thảy những thày tướng cao tay đó đều khẳng định, đất của làng bị động, long mạch của làng đang có vấn đề. 

Thế nhưng, giải hạn, giải tai ương đó bằng cách nào thì chẳng ai biết. Nhiều thầy được mời về làng, nhưng ngó ngược nhìn xuôi đều lắc đầu nguầy nguậy nói là không làm được, không cứu được dù có trả bao nhiêu tiền đi nữa. Trong cơn hoảng loạn, mọi người bỗng chợt nhớ tới một cao tăng đã ra tay cứu dân ở làng Nghĩa Phủ (làng nằm ngay cạnh Vân Gia) chừng gần chục năm về trước. 

Vị cao tăng đó là hòa thượng Thích Phúc Trí, khi đó đã trên 90 tuổi, trụ trì chùa ngàn tuổi Mễ Trì Thượng (còn gọi là Thiên Trúc tự) ở mãi Hà Nội. Mọi người nhớ tới vị cao tăng này là bởi thuở trước, khi trùng tu đền Nghĩa Phủ, người ta đã đắp thêm hai pho tượng hộ pháp nửa chìm nửa nổi (kiểu phù điêu) ở ngay trước cổng đền. Cũng ngay sau việc làm đó, dân Nghĩa Phủ hơn chục người bỗng dưng lăn ra chết. Toàn người trẻ, chết chẳng rõ can do. Hoảng kinh, bởi mối thâm tình, người làng Nghĩa Phủ đã xuống Hà Nội đón hòa thượng lên làm lễ trấn, yểm. Tới nơi, hòa thượng làm phép và bảo dân làng dỡ bỏ hai ông hộ pháp trước cửa đền đi thì ngay tức khác nạn khỏi tai qua. Đúng như lời hòa thượng phán, ngay sau khi dỡ bỏ hai pho tượng trên thì làng không còn cái chết bất ngờ nào nữa.

Ông Tuấn kể, ngay khi ý kiến mời hòa thượng Thích Phúc Trí được đưa ra, mọi người ngay lập tức tán thành. Việc ấy ban đầu được giao cho hội người cao tuổi của làng thực hiện. Việc mời vị hoàng thượng cao tay diễn ra vất vả, công phu lắm. Và, trong việc khẩn cầu pháp sư cao tay ấy cũng có nhiều chuyện ly kỳ mà tới giờ ông Tuấn cũng không thể lý giải. 

Theo ông Tuấn chia sẻ, đời ông sương gió đã nhiều, chứng kiến đủ mọi thứ chuyện khó tin nhưng có thật nhưng chưa bao giờ ông thấy chuyện kinh hoàng, rùng rợn tới vậy. Đến bây giờ, nhớ lại chuyện ấy, ông vẫn thấy trống ngực dội thình thịch. Khiếp đảm nhất là chuyến đi cuối năm 2008, khi ông cùng các vãi và một số cán bộ thôn, phường (cả thảy chừng 20 người) xuống chùa để nhờ thầy làm lễ giải hạn cho làng. Lần ấy, khi hòa thượng làm lễ thì các vãi phủ phục trước tam bảo, nước mắt vắn dài. Hòa thượng niệm chú gọi thổ thần lên. 

Khá giống như phim Tây Du Ký, thổ thần hiển linh, nhập vào một vãi trong đoàn. Ở cùng làng, ông biết quá rõ người phụ nữ ấy. Bà ta vốn hiền thục, quanh năm chỉ quanh quẩn ở làng, chẳng đi đâu xa nên ít va chạm với cuộc sống bên ngoài. Thế nhưng, lạ kỳ, khi bị thổ thần mượn xác, bà nói bằng giọng ồm ồm rất lạ và toàn những chuyện không chỉ ông mà chả ai có thể ngờ tới. 

Trước câu hỏi đầy uy lực của cao tăng, thổ thần khóc lóc bảo: “Không phải tôi, tôi không báo hại dân làng. Tôi bị thần long trừng trị đấy. Tại tôi không giữ được đất nên bị thế đấy!”. Nghe báo cáo vậy, hòa thượng phẩy tay cho thổ thần lui. Kế đến, hòa thượng lại niệm chú cho gọi long thần. Mắt nhắm nghiền, tay bắt khuyết, miệng lẩm nhẩm thần chú, chỉ sau vài phút thì long thần xuất hiện.

Ông Tuấn kể, đến bây giờ ông vẫn nhớ như in hình ảnh long thần tái thế. Đang ngồi với các vãi, bỗng sư trụ trì chùa Vân Gia nằm sõng soài xuống nền gạch, một tay vươn lên phía trước, một tay áp thẳng xuống chân hệt như thế rồng đang thăng thiên vậy. Thấy thần long hiện hình, hòa thượng quát hỏi: “Tại sao nhà ngươi lại bắt nạt dân làng, bắt dân làng chết nhiều đến vậy!?”. Hòa thượng hỏi đến cả chục lần nhưng thần long chẳng nói gì, cứ lắc lư cái đầu, cổ thì khò khè những âm thanh khó hiểu. Hỏi mãi không được, hòa thượng trừng mắt quát: “Tại sao ta hỏi nhà ngươi không nói!?”. Trước cơn thịnh nộ của đấng quyền uy, lúc này, thần long mới hổn hển: “Cổ sắp đứt rồi, không nói được!”. 

Nghe thần long nói vậy, hòa thượng xuống giọng: “Vậy à, nhà người còn đau ở đâu nữa!”. Thần long lấy tay xoa lưng và lại nói bằng giọng khò khè: “Cổ sắp đứt rồi, lưng sắp đứt rồi!”. “Thôi được rồi, có ta đây, ta sẽ cứu giúp nhà ngươi! Dân làng không có tội, ngươi tha cho dân làng đi!”. Hòa thượng vỗ về. “Không được! Thần nói không nghe, thánh nói không nghe, sư nói không nghe! Phải bắt tất, bắt tất!”. 

Thấy thần long quả quyết đầy uất hận đến vậy, kinh hãi, khiếp đảm, lo sợ, các vãi khóc như ri. Lạy như tế sao trời, mọi người khẩn khoản xin thần long tha tội. Nhìn cảnh bi thương ấy, hoảng loạn ấy, ông Tuấn thấy nổi da gà. Xót xa, thương mình, mắt ông cũng cay xè, chân ông cũng run lẩy bẩy. “Thôi, dân không biết có thần nằm dưới đó nên mới phạm đến thần. Thương lấy dân đi, trừng phạt họ như thế là đủ rồi!”. 

Cao tăng lại tiếp tục vỗ về. “Không được! Phải bắt hết, phải giết hết!”. Thần long vẫn hằn học. Cuộc đối thoại với nội dung khuyên nhủ trên kéo dài chừng 20 phút thì thần long mới chịu nhượng bộ. Tuy nhiên, trước khi có ý trên, thần bắt dân phải hoàn thổ để cứu chữa vết thương của thần. Việc ấy, mấy cán bộ đi cùng đoàn là không thể bởi đất đào ra cả mấy nghìn khối, khó lòng lấp vào như cũ được. Trước thế bí đó, điềm tĩnh nhướng mắt về phía long thần đang vật vã dưới nền nhà, cao tăng bảo: “Ta sẽ lên tận nơi để chữa trị vết thương cho người và ta sẽ dìm ngươi xuống thêm 7 tầng đất nữa!”. Nghe hòa thượng nói vậy, thần long không nói gì chỉ khẽ gật đầu ra chiều đồng ý...

Tâm linh... Đối với con người "có thờ có thiêng - có kiêng có lành"

 Trong hai năm qua, nhiều người dân làng Vân Gia vẫn không khỏi thắc mắc, lo sợ với những cái chết được cho là "bí ẩn". Một số người đã nghĩ đến chuyện sắm bùa nả, cầu cúng, kiêng kỵ ... Cũng không ít người đồn thổi cho rằng nguyên nhân của những cái chết do "động long mạch" khiến "Thánh thần" nổi giận...

Hình ảnh chiếc bùa đeo được người dân làng Vân Gia sử dụng để tránh gặp điều xấu. Ảnh: Facebook


Nói về chuyện "Thánh phạt", sư trụ trì chùa Vân Gia (còn gọi là Viên Quang tự) Thầy Thích Minh Tĩnh khẳng định: "Thánh thần nếu có thì chỉ ban phước lành, bình an, may mắn đến cho người dân chứ không bao giờ Thần thánh lại cướp đi tính mạng những người dân hiền lành, vô tội. Vì thế, dù ở góc độ duy vật hay duy tâm không bao giờ có chuyện "Thánh vật" chết người"...

Theo một số nhà nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng dân gian, họ đều có chung câu trả lời ngắn gọn là không bao giờ có chuyện thánh thần vật chết dân lành... Cho nên, dư luận nên tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, đừng vội vàng tin những lời đồn thổi khi không có cơ sở. 

Và hơn nữa, trong cuộc sống duy tâm và cả duy vật này, thì việc người dân thờ cúng tâm linh "có thờ có thiêng - có kiêng có lành" là điều cần có nhưng tránh để xảy ra mê tín dị đoan. Việc xây dựng văn hóa, văn minh trong cuộc sống quan hệ con người và thờ cúng tâm linh tín ngưỡng, nhằm mục đích chung xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, hòa bình và phát triển!

(*) Câu chuyện ghi theo lời kể của người dân, không có cơ sở khoa học để chứng minh hay khẳng định./.

Đại Lộc (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu