15:49 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chuyện không tưởng về "tuổi thơ dữ dội" của ông chủ Tân Hiệp Phát

14:40 13/07/2017

(THPL) - Có lẽ, chính sự khắc nghiệt của những năm tháng tuổi thơ sống trong cô nhi viện đã dạy cho cậu bé Trần Quí Thanh bài học đầu đời về sự kiên cường, không chịu khuất phục trước mọi hoàn cảnh, để rồi sau này trở thành doanh nhân tầm cỡ, chèo lái con thuyền sản nghiệp của gia đình vươn lên sánh ngang với những "người khổng lồ" trong lĩnh vực kinh doanh nước giải khát như Coca, Pepsi....

Tuy sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng “cậu ấm” Trần Quí Thanh không vì thế mà được hưởng trọn vẹn tuổi thơ đủ đầy trong nhung lụa và hơi ấm tình yêu thương của cha mẹ. Quãng thời gian hạnh phúc nhất của Thanh là lúc người mẹ hiền, bà Nguyễn Thị Thâu còn sống, cậu được yêu chiều, nâng niu, được người cha giàu có, vốn là chủ vựa buôn bán vật liệu xây dựng Hiệp Phát, gửi vào học trong ngôi trường Taberd Sài Gòn, ngôi trường dành cho nhà giàu danh giá nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Khi cậu bé Thanh lên 9 tuổi thì không may mẹ cậu qua đời. Lúc này, hai người con riêng của bà đã lập mưu hòng chiếm hết gia sản, thậm chí còn có ý định thủ tiêu cậu bé, buộc cha cậu là ông Trần Văn Bưởi phải gửi con trai mình vào cô nhi viện - cách khá xa Đà Lạt, do một bà soeur người Pháp cai quản. Vậy là từ đó, cuộc đời "công tử" Trần Quí Thanh đột ngột rẽ sang hướng khác, đầy khắc nghiệt và tủi buồn. 

Tính cách quyết liệt của ông Trần Quí Thanh, người sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát một phần hình thành từ quãng tuổi thơ dữ dội.

Sống trong cô nhi viện, cũng như nhiều đứa trẻ khác, "công tử" Thanh “tam phen, tứ phen” phải hứng chịu trận đòn “dằn mặt” tàn bạo của các “đại ca” là những đứa trẻ con lai Mỹ đen, Mỹ trắng. Ngoài ra, những trận ẩu đả giữa đám trẻ đầu đường xó chợ được gom về đây xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Để đưa bọn trẻ bất trị vào kỷ luật, giám thị cô nhi viện áp dụng nhiều biện pháp khắc nghiệt đến tàn bạo và xuống tay lạnh lùng chẳng khác nào đối với tù nhân. Nào là phạt cởi quần áo, quỳ gối trước sân trong cái rét cắt da cắt thịt, nhốt vào chuồng heo bẩn thỉu, tối tăm, quật roi đến chảy máu rồi xát muối xót đến tận xương....

Cứ như vậy, 6 năm ròng sống trong không khí đe nẹt, đòn roi, trừng phạt nhiều hơn là tình yêu thương nên không biết tự lúc nào, "công tử" họ Trần đã hình thành trong mình tính cách gan lì, không chấp nhận cúi đầu để người khác ăn hiếp, cho dù cậu bé chưa bao giờ ăn hiếp ai. Khoảng trời tự do, bầu không khí nhẹ tênh, thoáng đãng phía bên ngoài cô nhi viện là nỗi ước mong, khao khát của cậu bé. Đến một ngày kia, nỗi khao khát ấy mạnh đến nỗi cậu bé đã thực hiện cuộc đào tẩu khỏi cô nhi viện.

Thế nhưng, quãng thời gian tự do, cho dù đói khát bủa vây, chẳng kéo dài được bao lâu, cậu bé lại bị lôi trở về cô nhi viện và nhận sự trừng phạt tàn bạo của giám thị. “Con giun xéo lắm cũng quằn”, cậu bé vùng lên phản kháng mạnh mẽ đến nỗi, kể từ đó trở đi, giám thị không còn dám dở trò hành hạ cậu nữa. Rồi cũng đến ngày cậu được cha đón về Sài Gòn, được hít thở bầu không khí tự do bấy lâu nay cậu mơ ước.

Chính quãng tuổi thơ như sống trong “địa ngục trần gian” góp phần tạo nên tính cách vô cùng quyết liệt trong suy nghĩ và hành động của người đàn ông sáng lập ra Tập đoàn Tân Hiệp Phát, đồng thời ảnh hưởng đến quan điểm nuôi dạy con cái của ông. Thay vì để các con sống trong nhung lụa giàu sang, ông dạy các con tự lập, ngã thì tự đứng dậy, tự đúc rút kinh nghiệm, tự phấn đấu trưởng thành. Nhờ đó, sức mạnh của Tân Hiệp Phát ngày càng được củng cố, vững mạnh. 

Bà Trần Uyên Phương trong chương trình The Successors S5 (Người Kế nghiệp) của kênh truyền hình CNA (Singapore)

Trên thương trường, dù bao lần trải qua bão táp, sóng gió, bao lần bị kẻ xấu giăng bẫy hòng “giết chết” một thương hiệu, hạ uy tín của một doanh nhân, nhưng tất cả đều được hóa giải bởi sự kiên định, mạnh mẽ, không thỏa hiệp trước cái xấu của ông chủ Tân Hiệp Phát và những thành viên gia đình họ Trần.

Mới đây, kênh truyền hình Singapore Channel News Asia (CNA) ra mắt chương trình The Successors S5 (Người Kế nghiệp). Trong số thứ 3, CNA đã thực hiện một phóng sự về Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát và lựa chọn Trần Uyên Phương là đại điện tiêu biểu cho lớp người kế thừa tập đoàn gia đình ở Việt Nam. 

Kiên định, mạnh mẽ, quyết liệt trên thương trường nhưng Dr. Thanh và những người con của ông đã bao lần rơi lệ khi chứng kiến nỗi khó khăn, nhọc nhằn của những đứa trẻ bất hạnh, những cụ già neo đơn, những mảnh đời bất hạnh... Vì vậy, đóng góp cho cộng đồng là một phần trong triết lý kinh doanh của Tân Hiệp Phát.

Mới đây, phát biểu trên CNA, Phó Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương nhấn mạnh: “Xây cầu là một trong những chương trình chăm sóc cộng đồng của chúng tôi năm nay. Ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, kênh rạch chằng chịt, hệ thống cầu đường không thật tốt. Người dân ở đây thật sự rất cần những cây cầu để cho trẻ em đến trường thay vì phải bơi qua sông. Đó là lý do khiến những cây cầu rất, rất quan trọng đối với các khu vực này. Những vùng đất chúng ta đã đi qua, mọi người đang mong đợi có được hơn 300 cây cầu. Bạn có thể cảm nhận được những cây cầu quan trọng với cuộc sống của họ như thế nào”. 

Những câu chuyện, những góc khuất, những bí mật trong cuộc đời người sáng lập ra Tập đoàn Tân Hiệp Phát và gia đình họ Trần cũng đã được kể lại hết sức chân thật, dung dị mà vô cùng sâu sắc trong cuốn sách "Chuyện nhà Dr. Thanh". Đây là tự truyện do chính Trần Uyên Phương, cô con gái cả của ông Trần Quí Thanh chắp bút và được độc giả đón nhận nồng nhiệt trong thời gian vừa qua.

MINH KHUÊ

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu