04:45 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Doanh nghiệp Việt không chỉ còn là chấp cánh mà là sự phát triển bền vững

07:30 25/01/2020

(THPL) - Nền kinh tế Việt Nam năm nay tiếp tục đà tăng trưởng với mức tăng 6,8% và sẽ được duy trì đến hết năm 2020. Đặc biệt, hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2020 chắc chắn sẽ là năm bộc lộ rõ nhất các “cơ hội vàng” do các FTA đem lại. Kỳ vọng cho bước tiến vững mạnh của niềm kinh tế đang thực sự dần hiện hữu.

Thưa ông, vậy một năm đã trôi qua, theo cách nhìn của mình, ông đã có thể khái quát bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019?

Chuyên gia  Nguyễn Trí Hiếu: Bức tranh kinh tế năm 2019 thể hiện rất rõ sự ổn định và tiếp tục tăng trưởng của nền kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,8% đúng như mục tiêu Quốc hội đã đề ra, thậm chí có khả năng đạt mức cao hơn thế. Về lạm phát, chắc chắn chúng ta sẽ kiểm soát dưới 4%. Với hai chỉ số quan trọng này chúng ta duy trì được đúng mục tiêu đề ra.

Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tôi cho rằng, với những nỗ lực mà Chính phủ đã thực hiện năm qua, tất cả 12 chỉ tiêu  của nền kinh đã đề ra từ đầu năm sẽ hoàn thành. Tôi không thấy có một dấu hiệu nào thể hiện một chỉ tiêu nào khó đạt được. Nói chung, toàn cảnh nền kinh tế 2019 là khả quan và đây cũng là tiền đề để nền kinh tế tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ và ổn định trong năm 2020 tới đây.

Thưa ông, trong những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đà cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Mặc dù vậy, vẫn không ít doanh nghiệp cho rằng, họ vẫn gặp phải những rào cản, vẫn bị tình trạng giấy phép con và khá nhiều thủ tục nhiêu khê đã và đang“ngáng chân” các doanh nghiêp?

Chuyên gia  Nguyễn Trí Hiếu: Không phủ nhận, môi trường kinh doanh đã cải thiện hơn trong 10 năm qua, nhiều thủ tục hành chính đã bị bãi bỏ, sự minh bạch cũng rõ nét hơn, tham nhũng, tiêu cực cũng đã giảm nhiều. Tuy nhiên, đó chỉ là giảm thiểu. Thực tế, rào cản vẫn còn tồn đọng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu 

Trước hết nói đến vấn đề tham nhũng. Tham nhũng không chỉ có ở Việt Nam mà nó tồn tại ở tất cả các nước trong khu vực Châu Á. Ngay cả những nước tiên tiến nhất là Nhật Bản cũng vẫn có vấn nạn này. Dường như, tham nhũng đã trở thành một phần của văn hóa kinh doanh, là văn hóa tiêu cực.

Thành ra, nói là tiêu trừ tham nhũng, nhưng tôi nghĩ, thật sự chúng ta không thể tiêu trừ nó, mà chỉ có thể tìm cách giảm thiểu nó. Thời gian qua, nhà quản lý đã rất quyết tâm trong việc bài trừ tham nhũng theo tôi vẫn cần phải có kế hoạch hành động quyết liệt hơn để triển khai một cách có hiệu quả hơn nữa. Chúng ta không thể nương tay, không thể nhân nhượng với những hành vi tham nhũng. Từ cấp trung ương đến cấp địa phương phải thực sự hành động, phải hành động hết sức quyết liệt để vạch trần những hành vi tiêu cực, như vậy mới mong giảm thiểu được.

Thứ nữa là vấn đề giấy phép con. Câu chuyện này chúng ta nói bao nhiêu năm nay nhưng chưa khi nào hết “nóng” dù Chính phủ đã không ngừng loại bỏ được cơ số giấy phép con. Tôi lấy ví dụ, doanh nghiệp nhập khẩu hóa chất, trước hết, họ phải xin được giấy phép nhập khẩu hóa chất của Bộ Công Thương.

Và khi có được được giấy phép và hàng đã về đến cảng, doanh nghiệp tiếp tục phải xin nhiều loại giấy phép để phân phối lượng hóa chất đó. Như vậy một hoạt động kinh doanh đã phải qua rất nhiều công đoạn, doanh nghiệp phải làm rất nhiều thủ tục, do đó gây ra chi phí hành chính, chi phí thời gian tăng rất lớn… Tất cả những điều nói trên khiến cho kinh tế Việt Nam bị chậm lại, kéo giảm tốc độ tăng trưởng.

Vậy ông có thể đưa ra những dự báo cho nền kinh tế năm 2020, nhất là khi chúng ta đã ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP và EVFTA?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Vâng, xin nhắc lại một lần nữa là đến thời điểm này, chúng ta hoàn toàn yên tâm là 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra sẽ hoàn thành trong năm nay. Nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong năm 2020. Nhất là với những hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết, nhiều cơ hội mở ra cho hoạt động xuất khẩu, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Từ CPTPP đến EVFTA, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có những cơ hội để tiến sâu vào nền kinh tế thế giới. Năm tới, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư đến Việt Nam, xem Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn của họ, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI tại Trung Quốc trong năm qua cũng đã rất quan tâm và khả năng cao là sẽ di chuyển sang Việt Nam.

Tuy nhiên, 2020 thế giới sẽ đối diện với những thử thách mới, trong đó cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến nều kinh tế Việt Nam. Theo thông tin từ Nhà Trắng mà tôi được biết, có thể họ sẽ ký kết với Trung Quốc một thỏa thuận giai đoạn đầu của  năm 2020, song hai bên mới chỉ đưa ra thiện chí vậy thôi, vì xung quanh cuộc chiến này còn rất nhiều vấn đề rối rắm.

Đáng chú ý là việc Mỹ đưa ra đạo luật liên quan đến Hồng Kông mà Trung Quốc đang phản đối đạo luật đó, cho là Mỹ can thiệp vào nội bộ Trung Quốc. Trong khi Mỹ thông qua đạo luật đó lại ủng hộ phong trào dân chủ của Hồng Kông. Những điều đó cho thấy, hai bên còn rất nhiều mâu thuẫn, căng thẳng.

Và đặc biệt, nếu hai bên có sự thỏa thuận nào đó vào đầu năm 2020, việc rỡ bỏ các loại thuế giữa đôi bên cũng chưa thể thực hiện được ngay, mà cần phải có một lộ trình. Có nghĩa rằng tình hình kinh tế toàn cầu sẽ không mấy sáng sủa trong năm 2020. Đây có lẽ sẽ chỉ là một trong nhiều tác động của thế giới và khu vực đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.  

Song, với sự chủ động của mình, phải chăng nền kinh tế Việt Nam vẫn có xoay xở để tiếp tục đà hội nhập của mình, thưa ông?

Tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục những cách mà chúng ta đã và đang giải quyết thời gian qua, như vậy xuất khẩu, thương mại sẽ tiếp tục phát triển trong sự khả quan. Dù vậy, cũng cần lưu ý, hàng hóa Việt Nam phải được nâng cao chât lượng để đảm bảo những chuẩn mực quốc tế.

Chúng ta biết rõ, hàng nông sản thủy sản xuất khẩu đã gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu qua các nước Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… do không đạt được những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, quá trình hội nhập đòi hỏi phải cố gắng nhiều hơn nữa về mặt nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó có thể nâng sức cạnh tranh.

Đối với thị trường  nội địa, hội nhập cũng sẽ đưa hàng hóa Việt Nam vào tình thế cạnh tranh mạnh mẽ với các hàng hóa nhập khẩu nước ngoài. Chính vì thế, với chủ trương của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà Chính phủ đưa ra là hoàn toàn đúng đắn, nhưng sẽ thành công hơn nếu doanh nghiệp Việt Nam chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, cạnh tranh với hàng nước ngoài về mọi mặt: Lượng, giá và chất.

Đặc biệt, trong thời đại của cuộc các mạng 4.0, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đầu tư công nghệ thông tin để chuẩn hóa quy trình sản xuất của mình. Khi chuẩn hóa sản xuất theo công nghệ hiện đại, không những doanh nghiệp có thể giảm được chi phí sản xuất mà còn nâng cao chất lượng cho hàng hóa. Nếu thực hiện được những yếu tố trên, tôi tin là nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển khả quan vào năm 2020 và sẽ tăng trưởng ở mức 6,8%. Doanh nghiệp Việt Nam nhờ đó tiếp tục nắm giữ và tạo thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển, không chỉ còn là chấp cánh, mà là sự bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Minh Khang

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu