21:02 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chùa Keo Thái Bình – Đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc đình chùa cổ Việt Nam

00:10 13/02/2017

(THPL) – Miền Bắc có hai chùa Keo và để phân biệt, dân gian thường gọi chùa Keo ở Thái Bình là Keo Thái Bình hoặc Keo trên; chùa Keo ở Nam Định là Keo Nam Định hoặc Keo dưới. Chùa Keo Thái Bình được dựng năm 1632, tên chữ là Thần Quang tự, thôn Hành Nghĩa Dũng, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là ngôi chùa còn lưu giữ những kiệt tác đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam.

Chùa Keo, tên chữ là Thần Quang Tự, bao gồm hai cụm kiến trúc chính kết hợp hết sức độc đáo giữa Chùa (thờ Phật) và Đền (thờ Lý Triều Quốc Sư, thiền sư pháp danh là Không Lộ). Theo sử sách ghi lại tại chùa Keo, thiền sư sinh ngày 19 tháng Chín năm Bính Thìn (1016), xuất thân làm nghề chài lưới nhưng ông lại có chí hướng mộ đạo thiền. Năm 29 tuổi, thiền sư xuất gia, năm 44 tuổi, sư tu tại chùa Hạ Trạch, cùng với các sư Đạo Hạnh, Giác Hải kết bạn chuyên tâm nghiên cứu đạo thiền.

Năm 1060, ba ông đã sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Năm 1061, ông về nước dựng chùa Nghiêm Quang tự tại Nam Định, tiền thân của chùa Thần Quang tự hiện nay. Thiền sư đã đi truyền bá đạo Phật khắp miền Bắc, dựng gần 500 ngôi chùa và để lại nhiều truyền thuyết trong dân gian. Do có công chữa khỏi bệnh nan y cho vua Lý Thần Tông nên ông được ban quốc tính (mang họ vua), phong làm Lý Triều Quốc Sư. Hiện nay, tại phố Lý Quốc Sư thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn còn đền thờ của ông.   

Năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là Keo Hạ (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định). Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng).

Lúc đó có ngài Tuấn Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng cùng vợ là bà Lại Thị Ngọc Lễ xin chúa Trịnh Giang cho mời Cường Để Hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu, vận động cả nước đóng góp xây dựng. Trải qua 19 năm chuẩn bị, 28 tháng thi công, đến tháng 11 năm Nhâm Thân (1632) chùa được khánh thành. Trải qua hơn 400 năm lịch sử, Chùa vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc Hậu Lê với 18 công trình với 133 gian xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc” như Tam Quan, Chùa Phật, Đền Thánh, Gác chuông, Tăng Xá, Vườn tháp …

Về Thái Bình, nếu có thời gian, mời bạn đến chùa Keo. Thả bộ trong sân chùa rộng lớn, ngắm nhìn những kiến trúc cổ kính, lắng đọng hàng trăm năm lịch sử để tưởng nhớ đến những người xưa đã tạo nên một tuyệt tác kiến trúc bền vững với thời gian.

Tam quan ngoại gồm 3 gian, hai chái, khung gỗ, 4 chân hàng cột, mái lợp ngói mũi hài, phía trước Tam quan ngoại có 4 trụ biểu và một sân lát đá
 
Tam quan nội gồm 3 gian, hai chái, 3 hàng chân cột, 4 bộ vì, mái lợp ngói mũi hài. Đây là một kiến trúc khá độc đáo, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt là bộ cửa ở vị trí trung quan, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
 
Bộ cửa chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con, chầu mặt nguyệt với những đường nét chạm trổ hết sức tinh xảo.
 
Chùa thờ Phật được dựng trên mặt bằng hình chữ Công, gồm 3 toà (chùa Hộ, Ống muống, Tam bảo).
 
Tòa Tam bảo được dựng theo thức tàu đao lá mái, các bộ vì kiểu giá chiêng chồng rường, kết cấu gỗ, gồm 3 gian, không có tường bao, mái lợp ngói mũi hài. Đây là khu vực an vị hệ tượng Phật giáo.
 
Kiến trúc nổi bật nhất là Gác chuông, được làm theo dạng thức chồng diêm cổ các, gồm có 3 tầng, 12 mái, khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Đây là một kiến trúc thời Lê, được cho là gác chuông to, đẹp nhất Việt Nam và được chọn làm một trong những biểu tượng văn hóa của đất Thái Bình.
 
Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng.
 
Các trụ gỗ lim nâng đỡ tháp chuông có đường kính người ôm không xuể, không hề mối mọt qua 400 năm
Rường mái chạm trổ tinh xảo mang phong cách kiến trúc Lê Trung Hưng.
Cầu đao Long hý Phượng sống động, chi tiết.
Giếng đá cổ làm bằng cối thủng. Tương truyền suốt 28 tháng thi công, người ta phải giã gạo cho thợ ăn, giã nhiều đến nỗi thủng hàng trăm chiếc cối.
 
Hàng gạo cổ ven bờ hồ sen nội cũng là một biểu tượng đẹp của chùa Keo Thái Bình
Văn bia và địa bạ chùa Keo thế kỷ XVII còn ghi lại diện tích toàn khu kiến trúc chùa rộng tới 58.000 m2

 Sơn Tùng 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu