18:41 ngày 19/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nhãn hiệu tập thể "chắp cánh bay xa" cho các làng nghề Hà Nam

09:23 14/03/2019

(THPL) - Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của các làng nghề truyền thống có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân ở làng nghề và các đơn vị phân phối sản phẩm làng nghề truyền thống.

Nhận thức được điều đó, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ và đề xuất nhiều giải pháp khuyến khích các địa phương chủ động tiến hành các biện pháp xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, việc sử dụng nhãn hiệu tập thể hiện nay trên địa bàn còn nhiều hạn chế.

Nhiều nhãn hiệu tập thể tại các làng nghề truyền thống được xây dựng

Gà Móng từ lâu đã trở thành giống gà thương hiệu của người dân làng Móng (xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên). Gà Móng là sản vật quý lâu đời của địa phương mang lại thu nhập cao cho người dân.

Thương hiệu Gà Móng Tiên Phong (huyện Duy Tiên) đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2016.

Tuy nhiên, những năm gần đây, trên thị trường bắt đầu xuất hiện tình trạng gà Móng giống được trà trộn với các loại gà khác khiến gà Móng mất uy tín về chất lượng. Trước thực trạng đó, tháng 4/2016, gà Móng Tiên Phong được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm tập thể.

Đây là lợi thế để người dân Tiên Phong đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giống gà quý hiếm cũng như khẳng định được thương hiệu gà Móng trên thị trường. Tuy nhiên, kể từ khi gà Móng được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm, Tiên Phong vẫn chưa khai thác hiệu quả lợi thế này.

Hiện nay, ở Tiên Phong, hầu hết các hộ dân đều nuôi gà Móng, nhưng chỉ có vài hộ nuôi quy mô lớn, đại đa số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Nhiều hộ chăn nuôi gà Móng ở Tiên Phong mong muốn thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi khi gà Móng đã có nhãn hiệu. Nhưng người chăn nuôi lại không biết phải bắt đầu từ đâu, khi mà khả năng quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường và phân phối sản phẩm của các hộ chăn nuôi còn nhiều hạn chế.

Bánh đa nem làng Chều (huyện Lý Nhân) đã gây dựng được thương hiệu tập thể nhiều năm qua.

“Sau hơn hai năm kể từ khi gà Móng có nhãn hiệu tập thể, phương thức chăn nuôi gà Móng của nhiều hộ dân vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Ở đây thiếu hẳn khâu liên kết sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”, ông Trần Xuân Xưởng - người dân thôn An Mông I, xã Tiên Phong chia sẻ.

Cũng như gà móng Tiên Phong thương hiệu của nhiều sản phẩm làng nghề khác của Hà Nam đã được xây dựng, phát triển nhờ quảng bá hình ảnh từ nhãn hiệu tập thể như: Bánh đa nem làng Chều, rượu làng Vọc, gốm Quyết Thành…Nhờ đó, lượng hàng hóa bán ra thị trường, giá trị thu nhập của các loại sản phẩm đó tăng xấp xỉ 30% so với trước khi được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Gốm Quyết Thành (huyện Kim Bảng) là làng nghề truyền thống với tuổi đời hơn 500 năm.

"Trên thực tế tại các làng nghề, việc khai thác, quản lý nhãn hiệu tập thể vẫn còn những tồn tại, hạn chế và chưa phát huy hết giá trị của nhãn hiệu. Dù đã có nhãn hiệu dùng chung nhưng các hộ dân vẫn mạnh ai người ấy làm nên sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao và xuất hiện tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều hộ không tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ thương hiệu dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau”, ông Nguyễn Văn Liên – thôn Quyết Thành (thị trấn Quế - huyện Kim Bảng) cho biết thêm.

Để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường thì việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề là điều vô cùng cần thiết. Không có thương hiệu sẽ không tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời, làng nghề còn chịu nhiều thiệt thòi về giá cả. Đến nay Hà Nam đã có 8 dự án được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Thương hiệu tập thể cần được “chắp cánh” để bay xa

Theo đánh giá của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Nam, các dự án này đã góp phần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hộ sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác, phát huy hiệu quả của nhãn hiệu tập thể vẫn còn rất hạn chế; vai trò của hội, hiệp hội làng nghề trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát chưa phát huy hiệu quả.

Nhắc tới Hà Nam, không thể thiếu thương hiệu "Cá kho Vũ Đại", hay còn gọi là Cá kho Đại Hoàng.

Cùng với đó còn có nguyên nhân là việc thiếu sự quan tâm, sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc phát triển nhãn hiệu tập thể tại các làng nghề nên việc sử dụng nhãn hiệu tập thể đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nhằm khắc phục những hạn chế trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, hiện nay Hà Nam cũng đã và đang tập trung triển khai một cách có hệ thống và đồng bộ hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu của tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường sẽ được quản lý chất lượng, yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, vì vậy, sản phẩm sẽ khó bị làm giả, làm nhái và giá trị được nâng lên rất nhiều.

Làng nghề Trống Đọi Tam (huyện Duy Tiên) đã trải qua hàng nghìn năm tuổi.

Ngoài việc tiếp tục tạo lập và phát triển các sản phẩm hàng hóa có giá trị để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì các cấp, ngành, địa phương cần tập trung các nguồn lực để xây dựng thương hiệu mạnh, từ đó sẽ giúp sản phẩm tự tin gia nhập vào thị trường sôi động, "khó tính" của thế giới, là niềm tự hào, động lực để các làng nghề phát huy được hết giá trị khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Không thể phủ nhận những lợi ích của các làng nghề truyền thống khi được cấp nhãn hiệu tập thể; tuy nhiên, để thương hiệu phát triển bền vững, các cấp, ngành, địa phương cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá vai trò, tác dụng của sở hữu trí tuệ với việc phát triển sản phẩm của địa phương, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhãn mác, thương hiệu.

Các làng nghề cũng cần phát huy tính sáng tạo, chủ động của các hội, hiệp hội trong quản lý, tiêu thụ sản phẩm….Có như vậy mới từng bước đưa các sản phẩm của Hà Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hà Nam đã có 08 dự án đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: bánh đa nem làng Chều, rượu làng Vọc, gốm Quyết Thành, trống Đọi Tam, cá kho Nhân Hậu, gà móng Tiên Phong, thêu ren Thanh Hà, lụa Nha Xá...Các dự án triển khai phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra mối liên kết và hỗ trợ giữa các cơ quan, ban, ngành, giúp các cơ sở, doanh nghiệp bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo được mô hình cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương.

Huệ Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu