21:30 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bổ sung chức danh PGS ở Đại học Sài Gòn: "Màn kịch" bỏ phiếu độc đoán và trái quy định?

07:48 05/06/2017

(THPL) - Nhiều cán bộ công tác tại trường Đại học Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) phản ánh việc lấy ý kiến bổ sung chức danh Phó Giáo sư (PGS) tại trường vào ngày 28/3/2017 do ông Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng nhà trường chủ trì có nhiều khuất tất?

Cụ thể, tháng 10/2016, bốn cán bộ giảng viên của trường Đại học Sài Gòn đã được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ban hành quyết định công bố đủ tiêu chuẩn PGS, gồm: bà Nguyễn Thị Thùy Dung; bà Nguyễn Thị Kim Ngân; ông Trần Đình Phụng và ông Hồ Xuân Thắng.

Danh sách thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo.

Ngày 23/11/2016, Hiệu trưởng trường ĐHSG Phạm Hoàng Quân ra thông báo về việc thực hiện bổ nhiệm chức danh PGS trong nhà trường. Tuy nhiên, đến ngày 28/3/2017, việc lấy ý kiến bổ nhiệm chức danh PGS tại trường mới được tiến hành. Liên quan đến việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm chức danh PGS cho 4 thầy cô tại Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhà trường, nhiều giảng viên cho rằng thành phần Hội đồng không đúng với quy định, thậm chí có dấu hiệu thể hiện sự độc đoán, chuyên quyền, ban phát?

Theo Biên bản họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo của trường ĐHSG ngày 28/3/2017, thành phần tham dự cuộc họp có 23 thành viên, trong đó 2 thành viên thuộc đối tượng được lấy phiếu bổ nhiệm chức danh PGS là ông Trần Đình Phụng và bà Nguyễn Thị Thùy Dung!

Biên bản kiểm phiếu tín nhiệm về việc bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư.

Các thành viên còn lại trong danh sách hội đồng khoa học gồm: Hiệu trưởng, Hiệu phó, đại diện các Trưởng phó khoa, phòng và mặc nhiên trong đó không có thành phần như: “Đại diện giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư hoặc trình độ Tiến sĨ”. Đáng nói hơn, Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhà trường bỏ phiếu cho các PGS này lại có đến 5 người  trình độ là Thạc sĩ!?

Điều này trái với quy định tại Khoản 2 Điều 13 Điều lệ trường Đại học của Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg: “Hội đồng khoa học và đào tạo có chủ tịch, thư ký và các thành viên; có số lượng thành viên là số lẻ từ 11 đến 25 thành viên, bao gồm: Hiệu trưởng, một số phó hiệu trưởng; trưởng của một số khoa, viện, phòng chức năng trong trường; đại diện giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ; một số đại diện các nhà khoa học có liên quan hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường, không phải giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của trường (nếu cần thiết)”.

Kết quả theo biên bản kiểm phiếu bổ nhiệm ngày 28/3/2017, ông Trần Đình Phụng, và bà Nguyễn Thị Thùy Dung cùng đạt 23/23 phiếu bầu (100%) (Ông Phụng và bà Dung đồng thời cũng có tên trong danh sách của hội đồng này và được bỏ phiếu cho chính mình!?), hai trường hợp còn lại cùng chỉ đạt giống nhau 10/23 phiếu bầu (43.48%).

Tại biên bản này ghi nhận kết quả, ông Nguyễn Thanh Tân, Thư ký Hội đồng kiêm Trưởng ban kiểm phiếu lại ghi “Số phiếu hợp lệ là không (0) phiếu”, tức là cả 23 người tham gia bỏ phiếu kín hôm đó đều không hợp lệ! Vậy nhưng, lãnh đạo trường ĐHSG vẫn dựa trên cơ sở số phiếu không hợp lệ đó để ra quyết định bổ nhiệm PGS cho ông Phụng và bà Dung, trong khi 2 trường hợp còn lại thì không được bổ nhiệm!?

Nói về vấn đề này, một giảng viên đang công tác tại trường thắc mắc: Tại sao cả Hội đồng có 23 thành viên, mà ông Nguyễn Thanh Tân lại vừa làm Thư ký Hội đồng vừa làm Trưởng ban kiểm phiếu bỏ phiếu kín cho 4 PGS đợt này? Vì sao, nhà trường có rất nhiều những PGS, Tiến sĩ không giữ chức vụ nhưng lại không được cơ cấu vào Hội đồng mà lại phải đưa 5 Thạc sĩ vào Hội đồng để bỏ phiếu bầu PGS? Đó là chưa kể đến việc một số thành phần tham gia buổi lấy ý kiến bổ nhiệm chức danh PGS vào ngày 28/3/2017 không hợp lệ nhưng vẫn được công nhận ý kiến, tính là số phiếu hợp lệ.

Qua tìm hiểu được biết, đến nay, trường ĐHSG có hơn chục PGS và 108 Tiến sĩ chuyên ngành, lâu năm trong nghề, dạn dày kinh nghiệm chuyên môn nhưng lại không được cất nhắc bổ nhiệm phụ trách, trong khi đó hàng loạt các cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định lại được bổ nhiệm ồ ạt trong thời gian qua. Điều đáng nói, hầu hết những trường hợp bổ nhiệm dưới nhiệm kỳ của Hiệu trưởng ĐHSG Phạm Hoàng Quân đều bị dư luận xem là có “vấn đề”. Việc này rất cần được các cơ quan chức năng thanh kiểm tra làm rõ, trả lại sự bình yên, đoàn kết cho môi trường đại học, cũng như ngăn chặn hiện tượng lạm quyền trong công tác chỉ đạo điều hành của một số cá nhân.

Nhóm PVĐT

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu