13:33 ngày 16/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ KH&ĐT nói gì về siêu dự án của “chúa đảo Tuần Châu”?

10:35 21/10/2017

(THPL) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có nhiều lưu ý đối với Sở KH&ĐT TP.HCM trong quá trình thẩm định siêu dự án với tổng vốn lên tới 63.500 tỷ đồng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) của "chúa đảo Tuần Châu" Đào Hồng Tuyển.

Theo báo VietNamNet, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD) bao gồm cả chi phí lãi vay của nhà đầu tư) theo loại hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng). Dự án dự kiến sử dụng khoảng gần 12.400 ha đất, bao gồm cả quỹ đất để thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư.

Tại hồ sơ đề xuất dự án, nhà đầu tư đề xuất được phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây lắp, tư vấn, dự phòng với tổng giá trị lên đến 57.568 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí lãi vay của nhà đầu tư.

Trước đề xuất làm dự án có sử dụng diện tích đất quá lớn như vậy, Sở KH&ĐT TP. HCM đã đề nghị Bộ KH&ĐT thẩm định đề xuất này, báo CAND đưa tin.

Góp ý với thành phố, Bộ KH&ĐT lưu ý rằng quá trình thẩm định, đề xuất cấp thẩm quyền phê duyệt dự án này, Sở KH&ĐT cần lưu ý rà soát, yêu cầu nhà đầu tư bổ sung các nội dung còn thiếu của hồ sơ đề xuất dự án như giấy tờ chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự để có cơ sơ thẩm định.

Mặt khác, đề xuất dự án này chưa làm rõ một số nội dung như sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển GTVT của thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 cũng như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn còn nhiều băn khoăn do nguồn vốn quá lớn. Ảnh: Internet

Về đề xuất được phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây lắp và tư vấn, dự phòng với số tiền lên đến 57.568 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí lãi vay của chủ đầu tư), Bộ KH&ĐT cho rằng, theo quy định của Chính phủ, vốn đầu tư Nhà nước tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình chỉ được sử dụng cho các dự án có hoạt động kinh doanh, sau đó thu phí từ người sử dụng nhưng khoản thu không đủ để bù đắp chi phí và lợi nhuận. 

Đồng thời, đó phải là các dự án do bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đề xuất hoặc dự án thuộc đối tượng sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.

Ngoài ra, những dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được Quốc hội quyết, do đó đề xuất trên của nhà đầu tư không phù hợp với quy định hiện hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét tính khả thi của việc bố trí các quỹ đất nêu trên trong bối cảnh “nguồn lực đất đai hiện nay rất hạn chế”.

Bên cạnh đó, dự án có quy mô rất lớn, phức tạp, nên cần đánh giá kỹ tác động đến kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh của dự án đối với người dân tại khu vực dự án nói riêng, người dân thành phố nói chung. Bộ KH&ĐT đề nghị TP.HCM cần lấy ý kiến của các cơ quan chức năng. Trường hợp cần thiết, để tránh ý kiến trái chiều, việc thực hiện dự án cần lấy ý kiến rộng rãi cư dân thuộc khu vực dự án và HĐND để đảm bảo sự đồng thuận trước khi trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ KH&ĐT cho rằng, do dự án có mức vốn đầu tư rất lớn, gồm nhiều hạng mục phức tạp, trong đó có đại lộ kết hợp cầu vượt, nên TP. HCM cần lấy ý kiến Bộ Xây dựng về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư trên.

Việc xác định quỹ đất để thanh toán đối ứng cho nhà đầu tư cũng phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá với giá trị dự án BT này. Bộ KH&ĐT còn xác định, cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động vốn là một trong các nội dung cốt lõi của phương án tài chính cho dự án, từ đó nhà đầu tư cần chứng minh khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn dự kiến huy động cho dự án; tiến độ huy động vốn cũng như sự sẵn sàng của các bên cho vay nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án; đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay theo quy định.

Đặc biệt, nhà đầu tư đề xuất được chỉ định thực hiện dự án theo Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng dự án không thuộc trường hợp được áp dụng chỉ định thầu. Cho nên, cần tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Hồng Phương (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu