08:43 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công Thương xem xét việc dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab

16:23 09/10/2017

(THPL) - Trước việc taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối taxi Uber, Grab, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh nghiên cứu, sớm báo cáo việc taxi có vi phạm Luật Cạnh tranh không.

Trước tình trạng hàng loạt taxi dán khẩu hiệu phản đối Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật này.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, Bộ Công Thương sẽ xem xét nội dung liên quan đến Điều 43, Luật Cạnh tranh về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác.

Khẩu hiệu phản đối Uber, Grab đồng loạt dán sau taxi Vinasun từ ngày 8/10.  (Ảnh: Hạnh Dung)

Ông Hải cũng nhắc nội dung Điều 43 Luật Cạnh tranh cấm các doanh nghiệp bằng hành vi trực tiếp hay gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Trả lời trên báo Người Lao Động, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cũng xác nhận hiện cơ quan này đang thu thập thông tin của các bên. Khi nào có kết quả, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ thông báo cụ thể.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp taxi tại Hà Nội và TP HCM tiến hành dán khẩu hiệu sau xe, với nội dung phản đối đề án thí điểm ứng dụng công nghệ trong đặt xe bằng hợp đồng điện tử của Bộ Giao thông Vận tải. Một số doanh nghiệp còn yêu cầu Uber, Grab chấp hành luật pháp của Việt Nam.

Trên taxi của Vinasun, các dòng chữ được dán phổ biến như: “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”…

Việc dán khẩu hiệu sau taxi cũng xuất hiện nhiều ở Hà Nội. Các khẩu hiệu được dán của taxi Hà Nội có nội dung như: “Phản đối Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải”, “50.000 xe thí điểm của Uber, Grab doanh thu 18.000 tỷ đồng, nhưng chỉ nộp ngân sách 15,8 tỷ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”, “Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông”…

Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc taxi Vinasun khẳng định có tình trạng xe của hãng dán khẩu hiểu phản đối Uber, Grab, nhưng cho rằng đây là hành động bộc phát của tài xế. Hãng không có chủ trương thực hiện và đang rà soát xử lý. 

Ông Hỷ cũng khẳng định, việc dán các khẩu hiệu này là bình thường, không có gì sai phạm. Tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận, công ty sẽ tiến hành rà soát, tìm hiểu vì sao tài xế lại làm như thế để có hướng xử lý.

Trái với quan điểm của lãnh đạo công ty, một tài xế taxi Vinasun cho rằng, họ dán khẩu hiệu này là được cấp trên "bật đèn xanh" chứ không phải bộc phát để bỏ tiền ra thiết kế mẫu mã, nội dung khẩu hiệu và đi in ấn đồng loạt. Đến chiều 8/10, nhiều tài xế đã tự tháo khẩu hiệu dán sau xe vì cho rằng lãnh đạo công ty nói "tài xế bộc phát" là không đúng.

Liên quan tới việc ông Hỷ cho rằng hành động dán khẩu hiệu phản đối là "bộc phát" từ phía tài xế, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Trong mọi trường hợp, nếu doanh nghiệp để các tài xế làm việc đó thì các doanh nghiệp cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Còn việc doanh nghiệp xử lý cụ thể thế nào với các tài xế thì là việc nội bộ của doanh nghiệp".

Việc các hãng taxi dán khẩu hiệu phản đối này đã gây ra làn sóng phản ứng của chính khách hàng. Nhiều người cho rằng đó là hành động không phù hợp. Giới luật sư thì cho rằng các doanh nghiệp taxi có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Trao đổi với Dân trí, TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân BizLight cho hay việc dán decal phản đối đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp là "hành động rất trẻ con". TS Bùi Quang Tín cho rằng, để xác định có hay không hành vi cạnh tranh không lành mạnh của một số hãng taxi truyền thống với taxi công nghệ, cần xác định tồn tại quan hệ cạnh tranh giữa bên gièm pha và bên bị gièm pha.

"Việc đưa khẩu hiệu phản đối như Vinasun được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm loại bỏ đối thủ hoặc kìm hãm sự phát triển kinh doanh của đối thủ", TS Tín khẳng định.

Còn theo ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, việc dán khẩu hiệu phản đối là “có dấu hiệu vô cùng rõ ràng vi phạm Luật cạnh tranh”. “Nếu Uber, Grab không đúng luật, giả sử có sự không công bằng, bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh hoặc vi phạm Luật cạnh tranh, có thể kiến nghị cơ quan chức năng thậm chí khởi kiện”, ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng, về lý không có ai cấm đoán vì đến giờ Uber, Grab không vi phạm luật, không những vậy cần khuyến khích vì hiệu suất, công suất cao nhất, đỡ lãng phí xã hội so với công suất của taxi truyền thống.

“Không có lý do gì ngăn cản hạn chế taxi công nghệ, việc hạn chế tắc đường là việc của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, cơ quan nhà nước đặt ra các điều kiện và giám sát, chống thất thu cũng là việc của cơ quan nhà nước", ông Đức nói.

Anh Minh (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu