03:00 ngày 17/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bình Dương: Nên tận dụng thời cơ và lợi thế khai thác từ EVFTA

06:15 22/12/2017

(THPL) - Bắt đầu năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực tiễn sẽ mở ra cơ hội lớn nhưng cũng không ít thách thức đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Dương như dệt may, da giày, gỗ…

Thị trường EU và hiệp định thương mại EVFTA

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. EVFTA là một hiệp định thương mại tư do thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Trong 10 tháng năm 2017, kim ngạch xuất - nhập khẩu Việt Nam - EU đạt gần 42 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Việt Nam có 474 mặt hàng đang áp dụng thuế xuất khẩu, sau khi EVFTA có hiệu lực sẽ xóa bỏ 417 dòng thuế với hàng xuất khẩu sang EU.

EU, đối tác thương mại hàng đầu, hiệp định thương mại EVFTA
EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI khẳng định: EU với 27 quốc gia thành viên, là một trong những thị trường lớn, quan trọng nhất trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Với 500 triệu người tiêu dùng và GDP hơn 17.000 tỷ USD của EU, việc ký kết EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại với EU.

EVFTA được thông qua sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa hai bên khi rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm thuế như may mặc, giày da và đặc biệt là các mặt hàng nông sản… Đây là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào EU mà thực tế đang chịu mức thuế rất cao dù Việt Nam đang được hưởng Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Việt Nam và EU cũng có biểu cam kết cụ thể ghi rõ những ngành, lĩnh vực áp dụng từng loại cam kết; có tiêu chí rõ ràng cho từng hành vi mà Nhà nước không được làm; đồng thời bổ sung một số ngoại lệ để bảo đảm quyền điều tiết chính sách của quốc gia chủ nhà.

che-bien-tom
EVFTA được thông qua sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa hai bên khi rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm thuế như may mặc, giày da và đặc biệt là các mặt hàng nông sản…

Điểm nổi bật của EVFTA được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là các quy định về đầu tư được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, ngăn ngừa tranh chấp xảy ra và trong trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư, bảo đảm rằng các trọng tài áp dụng những quy định này theo cách có thể dự đoán trước được, sát với ý định của Việt Nam và EU khi đàm phán hiệp định. Việt Nam và EU đã cùng nhau xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc thường xuất hiện trong các BIT. Trường hợp phát hiện có lỗi trong quá trình xét xử sơ thẩm, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu xem xét lại vụ việc của mình theo quy trình phúc thẩm.

Bên cạnh đó, theo cam kết của EVFTA, sẽ xóa bỏ 99% số dòng thuế trong vòng 7 năm với EU và đối với Việt Nam là 10 năm. Về những dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau những hạn ngạch thuế quan, cắt giảm một phần hoặc thời gian xóa bỏ thuế quan dài hơn. Hiệp định này đi vào thực thi sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm quan trọng của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ...

Bình Dương cần tận dụng thời cơ, khai thác tốt lợi thế từ EVFTA

Theo Sở Công thương, EU là thị trường xuất khẩu truyền thống của Bình Dương, chỉ sau Mỹ. Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Bình Dương vào EU, sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép… là những mặt hàng chủ lực, chiếm giá trị xuất khẩu lớn và đều có kim ngạch tăng trưởng ổn định trong thời gian qua. Theo cam kết của EVFTA, từ đầu năm 2018, một số mặt hàng dệt may xuất khẩu sẽ được giảm ngay về 0%. Do đó, dự báo lượng đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng cao vào những tháng cuối năm 2018. 

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, trong quý 4/2017, tình hình xuất khẩu của các thành viên trong hiệp hội đã khởi sắc hơn so với quý 3 (tăng khoảng 3 - 5%) và khi EVFTA có hiệu lực, trong năm 2018 dự kiến sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều thuận lợi, khi một số nước láng giềng như Myanmar, Lào đang hưởng thuế suất 0% xuất khẩu vào châu Âu mà không kèm điều kiện gì. Trong khi đó, EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam khi vào EU phải đáp ứng những điều kiện rất khắt khe về việc thực hiện chuỗi liên kết. Tuy vậy, các doanh nghiệp dệt may cũng hết sức nỗ lực để vẫn giữ được khách hàng và chờ đợi những thuận lợi từ EVFTA. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành dệt may đang chủ động thực hiện chuỗi liên kết để đáp ứng được yêu cầu khắt khe trong hội nhập.

EU là thị trường xuất khẩu truyền thống của Bình Dương, chỉ sau Mỹ.
EU là thị trường xuất khẩu truyền thống của Bình Dương, chỉ sau Mỹ.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Bình Dương vẫn còn nhiều doanh nghiệp khá thờ ơ với EVFTA, đặc biệt là doanh nghiệp gia công nhỏ, vì họ cho rằng các doanh nghiệp gia công, làm ra sản phẩm để cung ứng cho các doanh nghiệp khác nên không chịu sự tác động từ hiệp định này... Các chuyên gia nhận định, tăng trưởng kim ngạch thương mại của Việt Nam vào EU sẽ có những bước thay đổi, đặc biệt là về chất trong thời gian tới. Chính vì thế, những mặt hàng qua chế biến chuyên sâu khi xuất khẩu sẽ có lợi về thuế. Doanh nghiệp nào càng đầu tư vào chế biến, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao thì lợi nhuận càng lớn.

Còn theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho rằng, EVFTA đang tạo cơ hội lớn, lợi thế kép cho doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh nhiều nước có doanh nghiệp cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia hiệp định này. Do đó, việc cần thiết nhất hiện nay là Chính phủ cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền về hiệp định, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp cũng như công nhân, nông dân phải nắm được các tiêu chuẩn, yêu cầu sản xuất sản phẩm phù hợp với thời kỳ mới.

EU là một trong những thị trường có nhiều quy định hàng rào phi thuế quan về chất lượng sản phẩm, tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng tốt những yêu cầu tiếp cận thị trường. Đặc biệt, cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác; thay đổi tư duy kinh doanh, tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài; đồng thời tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu, nâng cao năng suất lao động và tay nghề lao động phục vụ cho ngành.

Điều quan trọng nữa là, để xuất khẩu bền vững sang EU, sản phẩm của Việt Nam phải có một bộ chuẩn hóa tương tự một quy chuẩn ISO; đồng bộ hóa toàn bộ quá trình sản xuất cho đến khi xuất khẩu, từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm cuối cùng. Bảo đảm rằng bất cứ lúc nào thị trường EU có yêu cầu thông tin, doanh nghiệp đều có tư liệu để cung cấp cho họ một cách đầy đủ.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu